.

Ký ức tên làng - Bài 1: Tên làng trong ký ức

Thứ Sáu, 09/09/2016, 14:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Một nhà thơ đã từng viết: “Như chiếc rễ ăn sâu vào đất/ Ai nhổ được tên làng/ Ra khỏi vùng ký ức?”. Với mỗi miền quê, tên làng là di sản. Với mỗi con người, tên làng là nỗi niềm thao thiết nhớ về trong những chuyến đi xa. Dẫu qua nhiều đổi dời, tên đất, tên làng vẫn là một phần văn hóa, là sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, lịch sử và tương lai!

Trên mảnh đất Quảng Bình, mỗi tên đất, tên làng đều mang trong mình những vỉa tầng văn hóa sâu thẳm. Có những tên làng đã đi cùng dặm dài lịch sử của vùng đất, chứng kiến những thăng trầm, nổi nênh của bao thế hệ con người gắn bó cùng làng. Tên làng là gốc gác, là nguồn cội, là giá trị linh thiêng của một vùng đất mà khó lòng bị lãng quên.

“Gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”

Lịch sử lập quốc của dân tộc ta từ xưa đến nay theo dòng lưu dân xuôi dần từ Bắc vào Nam, nhưng dù đi đâu, ở đâu, người Việt nhiều thế hệ cũng không lãng quên đi gốc gác, nguồn cội. Những đôi chân trần đi dọc theo chiều dài đất nước nhưng trong đôi quang gánh của mình, vẫn mang theo lư hương tiên tổ. Và như một lẽ thường tình, tên đất, tên làng cũng theo cùng những bước chân lưu lạc của họ, gắn bó nặng sâu trong nỗi nhớ nhung khắc khoải của những đứa con li hương.

Trong trường ca Đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh cả tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Điều đó đủ hiểu, dẫu ở thời đại nào, thì trong tiềm thức của người Việt đều đậm sâu hình bóng quê hương, xứ sở. Nỗi nhớ làng, nhớ xóm trở thành nỗi nhớ thường trực, da diết.

"Lịch sử lập quốc của dân tộc ta từ xưa đến nay theo dòng lưu dân xuôi dần từ Bắc vào Nam, nhưng dù đi đâu, ở đâu, người Việt nhiều thế hệ cũng không lãng quên đi gốc gác, nguồn cội.

Những đôi chân trần đi dọc theo chiều dài đất nước nhưng trong đôi quang gánh của mình, vẫn mang theo lư hương tiên tổ".

Thế kỷ XVI, một bộ phận diêm dân làng Diêm Điền (Thái Bình) di cư vào xứ Thuận Hóa lập làng, họ vẫn giữ lấy tên làng gốc gác của tổ tiên. Theo các cụ cao niên trong làng, giọng nói lạ của người Diêm Điền mà nhiều người ví như tiếng chim hót ấy cũng chính là giọng nói của cha ông họ ở làng Diêm Điền Thái Bình. Người Diêm Điền ở Đồng Hới hôm nay cũng nổi tiếng với đôi bàn tay tài hoa, cần cù, chịu khó trong sản xuất như tổ tiên, ông cha họ ở phương Bắc xa xôi.

Hàng chục năm về trước, người Diêm Điền Đồng Hới làm nghề muối truyền thống. Mà theo cuốn Địa chí của làng, thuở xa xưa, nơi đây chỉ là một cồn đất cây cối rậm rạp, bốn bề lạnh lẽo. Người Diêm Điền khi đó đã biết khai hoang, lập làng, ổn định đời sống mới bằng nghề làm muối của cha ông.

Từ khi khai sinh mảnh đất Diêm Điền ở Đồng Hới cho đến nay, người Diêm Điền đã trải qua không ít thăng trầm, chịu đựng không ít gian lao. Những thử thách trước thiên nhiên trong quá trình lập làng, lập xã, trải qua các cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của người Diêm Điền.

Theo các cụ cao niên, trong quá trình phát triển bền vững của quê hương, của cộng đồng, người Diêm Điền đã thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, gian khổ cùng sẻ chia, gánh nặng cùng chung vai để giữ gìn một cộng đồng làng xã, một tên gọi Diêm Điền đầy kiêu hãnh và tự hào như hôm nay.

Chính bởi thế, nên dẫu làng Diêm Điền xưa nay đã được chia tách thành Diêm Thượng, Diêm Hạ, Diêm Bắc, Diêm Nam... và người Diêm Điền không còn ai theo nghề muối truyền thống nhưng tên làng Diêm Điền vẫn lưu dấu mãi trong ký ức của người Quảng Bình và là niềm tự hào đầy kiêu hãnh của con em Diêm Điền nhiều thế hệ.

Trong sự hình thành và phát triển của cộng đồng làng xã ở Quảng Bình, lịch sử đã chứng kiến không ít những cuộc di dân của nhân dân từ Bắc vào Nam, từ miền đồng bằng lên vùng núi cao, từ miền xuôi đến miền ngược. Vậy nhưng, cho dù đôi bàn chân của cha ông đặt đến đâu, dù khó nghèo hay sang giàu, họ vẫn không quên đi gốc gác, tiên tổ. Bậc hậu sinh là chúng tôi cảm thấy vô vàn điều thú vị khi khám phá ra những tên đất, tên làng trùng nhau, dẫu chúng ở cách xa nhau hàng chục, thậm chí là hàng trăm km.

Đình làng Lý Hòa-nơi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của làng Lý Hòa xưa (nay đổi tên thành xã Hải Trạch-Bố Trạch).
Đình làng Lý Hòa-nơi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của làng Lý Hòa xưa (nay đổi tên thành xã Hải Trạch-Bố Trạch).

Lật giở những trang sử của những miền đất ấy, chúng tôi khám phá ra rằng, xuất xứ của những cái tên trùng hợp không phải ngẫu nhiên mà bởi những đoàn người di dân xưa kia. Khi rời quê hương, tìm đến lập nghiệp ở một vùng quê mới, họ đặt luôn cho ngôi làng mới cái tên như tên cũ của làng.

Như ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy), có hai làng Mai Hạ và Xuân Lai – xưa kia vốn là một bộ phận dân cư của hai làng Mai Hạ, Xuân Lai của xã Xuân Thủy lên khai hoang, lập làng mà nên. Tương tự như trường hợp thôn Thạch Bàn (xã Phú Thủy) và Thạch Bàn (xã An Thủy). Rõ ràng, đến nay vẫn có một sợi dây vô hình có khả năng kết nối những làng quê cách xa về vị trí địa lý, đó chính là sợi dây nguồn cội.

“Cái tên nói lên tất cả”

Suốt nhiều năm nghiên cứu về văn hóa làng xã Quảng Bình, ông Văn Tăng cho rằng mỗi tên đất, tên làng không chỉ đơn giản là tên gọi, là sự khẳng định chỗ đứng chân, nơi bám trụ mà chứa đựng cả những ước vọng của tổ tiên gửi gắm vào đó.

Vậy nên, với một số làng, dù tên cũ đã được thay đổi nhiều lần thì họ vẫn gửi gắm vào những cái tên chân phương ấy những ước vọng ngàn đời ngay cả khi đói khổ, cơ cực hay chiến tranh, loạn lạc. Tên làng đâu chỉ đơn thuần là cái vỏ âm thanh mà chất chứa những giá trị thiêng liêng, thủy chung trong tình cảm con người và được truyền giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đó là những mong muốn về một cuộc sống an bình hay ước vọng cho con cháu đỗ đạt, thành danh. Với một số làng, tên làng còn khẳng định chỗ đứng chân của một dòng họ lớn có công khai khẩn, lập làng như Lê Xá, Phan Xá, Ngô Xá, Đặng Xá...

Ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam tỉnh cho biết thêm: một số tên làng được đặt xuất phát từ đặc điểm về vị trí, đất đai. Chỉ tính riêng các làng quê thuộc xã Sơn Trạch (Bố Trạch), mỗi tên làng đều chứa đựng một ý nghĩa riêng, như thôn Mé, nghĩa là làng nằm sát mép sông, thôn Hà Lời nghĩa là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa dòng sông mà thành... Tương tự như một số địa danh: U Bò, núi Thần Đinh, Mũi Viết... cũng đều xuất phát từ những đặc điểm riêng có ấy mà thành.

Trong cuốn Ô châu cận lục, Tiến sỹ Dương Văn An đã nhắc đến một số tên làng, hàm chứa luôn cả những đặc điểm về dân cư, mà khi nhắc đến tên làng là nhớ ngay đến những đặc điểm “nhận dạng” ấy: “Tâm Duyệt của nhiều, đời đời giàu có.

Người vợ góa ở làng An Xá, đời khen tiết nghĩa. Thử Luật chài cá mưu sinh, Hòa Luật làm nghề xẻ ván. Bốn làng Thủy Lan, Thủy Trung, Hoắc Đặng, Ba Ngoạt giỏi nghề bắt hổ; hai làng Ngô Xá, Quần Bối đánh cá có nghề. Tuy Lộc có lắm rượu ngon, Cổ Liễu lại nhiều con hát. Xe Dân Duyệt, đường núi tiện đi; thuyền Tiểu Phúc lợi vùng sông nước. Ba Ngoạt mênh mông mặt nước, Thạch Xá cao vút núi non. Gái Thổ Ngõa nhiều kẻ lên rừng, trai Tuy Lộc lắm người xuống chợ”...

Có những tên làng hiền như củ khoai, củ sắn. Cũng có những tên làng chứa đựng những ước vọng sâu xa nhưng dù là cách gọi nôm na, dân dã hay là tiếng gọi thâm nho thì vẫn là nét đặc trưng riêng có của mỗi làng quê Việt Nam.

Diệu Hương

Bài 2: Giữ tên làng là giữ di sản