.

Miếu Bà-Tam Thượng Linh Từ: Di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa

Thứ Tư, 03/08/2016, 13:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Như vậy, từ những cứ liệu lịch sử tin cậy và từ sự truyền tụng của dân gian qua các thế hệ ở làng Bàu có thể kết luận: miếu Bà được lập để thờ phụng Bà chúa xứ, Nguyễn Kim và Nguyễn Uông.

Công trình kiến trúc văn hóa tâm linh độc đáo

Miếu Bà - Tam Thượng Linh Từ ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, đắc địa về phong thủy. Miếu được bao quanh bởi hệ thống núi đá vôi và sông ngòi hùng vĩ, tráng lệ, đầy vượng khí. 

Miếu Bà (về sau được vua Gia Long cho tu bổ đổi thành Tam Thượng Linh Từ) có không gian thoáng rộng, tường thành được xây từ loại đá tốt lấy từ rào Trổ, mái được lợp bằng ngói liệt. Miếu nhìn về hướng Nam - Đông Nam, đây là hướng của sự khởi nguyên trong sáng, hướng của sự sinh sôi phát triển, hướng của đế vương: "Thánh nhân nam diện trị ư thiên hạ" (thánh nhân quay mặt về hướng nam mà cai trị thiên hạ).

Phía trước miếu có sân rộng, trước cổng có bức bình phong che chắn với hai cột trụ cao lớn có hoa văn đắp nổi tinh xảo, trên đỉnh trụ có hai con nghê quỳ và chầu nhau, hai bên sân miếu được bố trí một cặp voi phục bằng đá (đây là nét riêng chỉ có ở Tam Thượng Linh Từ). Kết cấu chính của miếu được xây thành hai gian nhà lớn liền nhau, gian nhà phía sau là nơi thờ phụng chính của miếu. Hiện nay trong khuôn viên miếu vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn bức hoành phi:

Cao minh chính đại

Và đôi câu đối :

Thần kỳ cách ti, phúc khương tích ban
hạp cảnh,
Khí chi trước dã, huân cao thê thảng
lưỡng gian.

Dịch nghĩa:

Thần linh đến đây, phúc lộc ban cấp
cả làng,
Khí lành hun đúc, khói hương ngào
ngạt hai gian.

Vậy ngôi miếu này có từ khi nào, thờ ai và do ai khởi xướng xây dựng? Bên cạnh những truyền tụng dân gian, câu hỏi này cũng đang cần được các nhà nghiên cứu trả lời một cách thấu đáo.

Miếu Bà-Tam Thượng Linh Từ được đầu tư tôn tạo.
Miếu Bà-Tam Thượng Linh Từ được đầu tư tôn tạo.

Theo dấu lịch sử

Những tài liệu lịch sử tin cậy chỉ có thể khẳng định được trước khi Gia Long lên ngôi vua (1802), miếu đã tồn tại. Theo tài liệu dịch từ các thư tịch cổ của PGS.TS Đinh Khắc Thuận ở Viện Hán Nôm: "Đến thời Nguyễn, sau khi vua Gia Long lấy được ngai vàng, đã cho rước bài vị chúa Nguyễn Kim về Triệu Tổ Miếu ở Huế để phụng thờ. Vua Nguyễn cho tu tạo lại miếu cũ và đổi tên là Tam Thượng Linh Từ, sắc cho các quan từ Tri phủ trở xuống đều phải góp công, góp của xây dựng lại.

Trong đình, phía trên thờ Thượng Thiên thánh Mẫu, bậc thứ hai thờ Thần Hoàng, bậc thứ ba thờ công đồng". Thượng thừa Nguyễn Uông được nhà vua phong là Thành hoàng làng và ngôi miếu đổi thành đình mang tên vị Thành hoàng Thượng thừa Nguyễn Uông: đình Thượng thừa (Tam Thượng)

Tài liệu này cũng trùng khớp với sự truyền tụng dân gian về miếu, theo đó, miếu Bà do công chúa Ngọc Bảo, con gái của Nguyễn Kim, phu nhân của chúa Trịnh Kiểm lập nên để thờ Bà chúa xứ và cha là Nguyễn Kim cùng anh trai Nguyễn Uông.

Như vậy, từ những cứ liệu lịch sử tin cậy và từ sự truyền tụng của dân gian qua các thế hệ ở làng Bàu có thể kết luận: miếu Bà được lập để thờ phụng Bà chúa xứ, Nguyễn Kim và Nguyễn Uông.

Về niên đại của miếu: Từ đối tượng thờ phụng đã được xác định, suy ra niên đại xây dựng miếu chắc chắn phải có trước khi vua Gia Long lên ngôi và rước bài vị chúa Nguyễn Kim về Huế (1802). Vì nơi đây có bài vị thờ Nguyễn Uông, nên niên đại xây dựng sớm nhất không thể có trước sự kiện Nguyễn Uông bị sát hại, năm 1568.

Về người có công lập miếu: Có nhiều đối tượng có đủ khả năng và nhu cầu lập miếu, nhưng người đó không thể ở phía phủ Chúa Trịnh, bởi lẽ sử sách đã xác nhận Nguyễn Uông do chính Trịnh Kiểm sát hại. Do đó, người có thể lập miếu thờ chỉ có thể là Nguyễn Hoàng hoặc Ngọc Bảo công chúa. Tuy nhiên, giai đoạn này, chúa Nguyễn Hoàng đã vào nam để trông coi xứ Thuận Hóa.

Cho nên, người có khả năng và nhu cầu lập miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Uông tại đây chỉ có thể là công chúa Ngọc Bảo. Việc bà phải chọn vùng đất bắc Bố Chính xa xôi để lập miếu thờ là bởi lẽ, anh trai bà đã bị chính nhà chồng (Trịnh Kiểm) sát hại. Việc dựng miếu thờ cha và em trai ở đây vừa báo hiếu với gia đình, vừa không làm mất lòng nhà Trịnh.

Như vậy, khả năng công chúa Ngọc Bảo lập miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Uông tại bắc Bố Chính là hoàn toàn có cơ sở, đúng theo truyền tụng dân gian. Từ đó, niên đại xây dựng miếu có thể xác định trong khoảng thời gian sau khi Trịnh Kiểm mất, đến trước khi công chúa qua đời, khoảng thời gian từ năm 1570 đến 1586.

Việc công chúa Ngọc Bảo thờ Bà chúa xứ trong miếu với ngôi vị cao nhất là hoàn toàn hợp lý, bởi giai đoạn này tín ngưỡng thờ Bà chúa xứ đã phổ biến ở vùng Bắc bộ. Đạo thờ Mẫu là một nét bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Việt, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê hương và yêu lao động chân chính. Cho nên, cùng với những trợ giúp có tính quyết định đối với Nguyễn Hoàng trong việc cai quản xứ Thuận Hóa và việc dựng miếu ở bắc Bố Chính đã bộc lộ ngầm ý sâu xa, tiến bộ của công chúa Ngọc Bảo đối với công cuộc mở nước và phát triển văn hóa dân tộc.

Trong suốt tiến trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã sáng tạo một nền văn hóa đầy bản lĩnh, với nhiều bản sắc riêng. Hòa chung với những giá trị truyền thống của cha ông, miếu Bà - Tam Thượng Linh Từ ở xã Tiến Hóa, đang từng bước tìm lại vị thế của mình. Mỗi giai thoại truyền tụng dân gian, những tư liệu lịch sử quý giá cùng sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, đang tái hiện lại bức tranh sống động của lịch sử - văn hóa trên quê hương, xứ sở.

Từ đó, khắc sâu những bài học của lịch sử, trân trọng những giá trị văn hóa được các thế hệ tiền nhân tạo dựng, đồng thời góp phần giáo dục lòng yêu nước, trân trọng lịch sử cho các thế hệ tiếp nối, tạo động lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tiến sĩ Lê Viết Hùng