.

Những sự hy sinh thầm lặng - Kỳ 1: Nhật ký Trường Sơn 50 năm trước

Thứ Hai, 18/07/2016, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - LTS: Những năm vừa qua, bạn đọc từng xúc động khi đọc những trang nhật ký của các liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc..., nhưng còn có một số cuốn nhật ký của những người may mắn trở về sau cuộc chiến mà chúng ta chưa biết.

Mới đây, NXB Giao thông vận tải thực hiện chương trình “Sách Nhà nước đặt hàng” đã xuất bản cuốn “Những người mở đường ngày ấy” mà nội dung chủ yếu lấy từ 11 cuốn nhật ký của nhà văn Nguyễn Khắc Phê viết trong thời chiến. Trong cuốn sách, có chân dung nhiều tên tuổi anh hùng liệt sĩ nổi tiếng như Trần Đức Hè, Trần Thị Minh Thế, Nguyễn Thị Mỹ Tình, Hoàng Thị Minh Thú…(chiến sĩ TNXP Đại đội 759 anh hùng) cùng nhiều liệt sĩ ở Phà Gianh, Công ty Vận tải Biển, Hợp tác xã Bình Minh... 

Nhân ngày 27-7, chúng tôi chọn trích một số đoạn nhật ký ghi lại những sự hy sinh có thể nói là thầm lặng vì nhiều người chưa biết, trong đó, có không ít liệt sĩ vô danh, để thêm một lần nữa, chúng ta thấy trách nhiệm của những người đang sống trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và tự do của Tổ quốc mà nhân dân Việt Nam đã phải tốn rất nhiều xương máu mới có được.

Dưới đây là trang nhật ký ghi trên đường 12A - đoạn đường chiến lược dưới chân đèo Mụ Giạ, tròn nửa thế kỷ trước.

Trích nhật ký ngày 9-2-1966:

Đúng như dự đoán, dù trời sương mù dày đặc, không quân Mỹ lại tiếp tục đánh 12A dữ dội. Hầu như suốt ngày đều có tiếng máy bay. Mình vừa về La Trọng học Nghị quyết 11 và 12. Hai kỹ sư Viện Thiết kế từ hôm vào đây, nay mới phải xuống hầm. Tối, mấy phản lực lao đến thả pháo sáng rồi thả bom vùng gần La Trọng. Nghe nói có người bị thương.

Cùng lúc, tin từ Ca Tang cho biết, 6 công nhân đội Quyết Tiến đã hy sinh lúc đang sửa đường. Bom còn rơi vào lán mà anh em vừa dời đi, khiến hơn một chục lái xe đang nghỉ tạm ở đó hy sinh. Anh em thoát chết, bứt ra cho xe chạy để cứu xe, nên chúng đánh liên tục. Trận đầu sau mấy ngày “tạm hòa bình”, ta bị khá đau. Nếu C.753 và Quyết Tiến không dời lán, còn thương vong nhiều hơn nữa.

Trích nhật ký ngày 18-2-1966:

Mấy ngày ở hai bên bờ Ca Tang. Hôm 15, từ C.752 sang C.753, ngang qua nhà mấy anh chị em Quyết Tiến vừa hy sinh mà thấy xót xa, ghê rợn nữa. Mấy quả bom làm trụi cả đám nứa xanh um trước đây và mùi hôi xông lên nồng nặc. Hôm nay, lại đi qua, thấy một chiếc dép còn mới nằm cô độc giữa đường, quai đứt, một mảnh bom chặt gãy đôi. Gần đó, nửa cái đèn pin và một chiếc nón thủng. Dễ dàng nhận ra đó là nón của cô Hoan (Nghi Xuân) vì một chùm len làm dây buộc quai nón.

Một điều đặc biệt là đội Quyết Tiến không ai ngậm ngùi, buồn nản vì cảnh đó. Tối, gặp anh chị em đi làm ngầm rất vui vẻ!

Trích nhật ký ngày 11-5-1966:

... Sáng 11, sang gặp anh Diệm, Bí thư đội Quyết Tiến lúc anh đang soạn hồ sơ. Chợt thấy mấy giấy khen không có người nhận: Lê Thị Hoan, Nguyễn Văn Kích, Đặng Văn Út, Trần Đình Thọ, Hồ Phúc Kiệu. Đây là những công nhân đã hy sinh trong trận bom 3 tháng trước! Một nỗi xúc động lẫn áy náy làm mình như chết lặng đi, nhất là khi nghe anh Diệm nói, giọng buồn và cả trách móc: “Công trường cũng chưa xác định có được liệt sĩ hay không; bia mộ cũng không làm được; mộ cũng bị bom nổ chậm vùi đi nhiều!...”. 

Mình nhìn tên các đồng đội nổi bật giữa màu vàng son cờ sao trên mấy tờ giấy khen mỏng manh và “vô chủ”, có tờ đã quăn mép, thoáng nghĩ đến sự “được-mất” của những con người bình thường đã hy sinh một cách thầm lặng trong cuộc chiến giữ đường 12A, cứ muốn thốt kêu lên mà miệng lại mím chặt. Mà biết kêu ai, biết nói gì đây?

Và thật may là mình đã không thốt lên điều gì có thể xúc phạm đến vong linh những anh chị mà tiếng nói duy nhất của họ là sự hy sinh không màng đến cờ hoa khen tặng, không cần biết có được công nhận là liệt sĩ hay không! Tuy vậy, người đang sống thì cần! Anh Diệm vẫn tiếp tục giọng kể lể buồn buồn và cam chịu: “...Cậu Thọ có người chị đã lấy chồng, con chị cũng bị chết vì bom Mỹ. Chỉ còn người mẹ mù lòa... Còn Kích có con gái tên Bình 2 tuổi.

Ngày tôi về báo tử, chị Bảy - vợ Kích - đi theo đến bến đò, rồi đòi lên thăm mộ chồng. Ngày 14/4, chị vừa viết thư cho tôi, nhờ làm cho cái mộ chí, giữ giấy khen, huy hiệu và đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng chị. Cuối thư chị viết: “... Em ra sức sản xuất, nuôi con Bình khôn lớn để đủ tự lực cánh sinh, đảm đang công việc địa phương cho nam giới ra giết giặc lập công trả thù cho chồng em...”.

Nhân nhắc đến những công nhân hy sinh, anh Diệm kể lại trận chiến đấu 4 ngày liền bên bom nổ chậm 28-29-30-31-3. Chính những ngày đó, anh Đại và đoàn đại biểu Công trường 12A đang trên đường trở về, mang theo trọng trách của Tổ quốc trao cho, qua cái bắt tay của Hồ Chủ tịch với đồng chí Bí thư Đảng bộ Công trường.

Bom nổ chậm nổ nhiều lần, anh chị em bị đất vùi, chưa bị thương, lại đứng lên tiếp tục cuốc đất lấp hố bom. Đêm 31, một số bị thương nhẹ, vẫn không rời trận địa, như các cô Ngụ Hiến, Đào, Liên, các anh Phòng, Phú, Mua, Hào, Quang, Nhỏ..., trong đó, cô Ngụ bị tảng đất to đập vào chân, không đứng dậy được, cứ bảo y tá xoa bóp để được ở lại cùng chị em.

Ngay sau trận chiến đấu, ba cô gái quê Hà Tĩnh: Nguyễn Thị Ngụ, 19 tuổi (Đức La, Đức Thọ), Lưu Thị Khanh, 20 tuổi (Đức Ninh, Đức Thọ), Trần Thị Tình, 19 tuổi (Nghi Xuân) đã được kết nạp vào Đảng. Cô Tình là tổ trưởng văn nghệ, giữa đoạn đường tan nát đầy bom nổ chậm, tiếng hò của cô vẫn lanh lảnh cất lên...

Trích nhật ký của Nguyễn Khắc Phê

Kỳ 2: Nhật Lệ, những ngày khói lửa