.

Những ký ức màu đỏ

Thứ Sáu, 01/07/2016, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Trở lại Lèn Hà, những ký ức màu đỏ lại hiện về, rưng rức. Người đầu tiên chúng tôi gặp là chị Hoàng Thị Luân, cán bộ Trung tâm văn hóa huyện Tuyên Hóa, câu chuyện chị kể ngược về quá khứ: “A69 Lèn Hà là nơi đầu tiên nhận mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung ương từ Thủ đô Hà Nội chuyển vào chiến trường miền Nam, chuyển thông tin sang Lào và là kho dự trữ phương tiện, thiết bị kỹ thuật của Binh chủng Thông tin.

Ngoài ra Lèn Hà còn là kho dự trữ hàng hóa hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trạm tổng đài cơ vụ A69 là một trong ba đơn vị cấp trung đội của Đại đội 9. Quân số lúc cao nhất 33 người. Trong đó, tiểu đội trực tổng đài gồm 13 nữ chiến sỹ, người lớn nhất mới 22 tuổi, nhỏ nhất hai cô gái cùng 16 tuổi, đều  người Bắc. Chưa ai có gia đình”.

“Khoảng 13h ngày 2-7-1972, sau bữa cơm trưa, ba chiến sỹ Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang, Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực. Vài phút sau, B52 xuất hiện, rải thảm xuống khắp vùng Lèn Hà. Bom đạn ngút trời. Khu lán trại, nhà kho bốc cháy dữ dội, 13 người gồm 3 nam và 10 nữ anh dũng hy sinh”.

“Nén nước mắt, đau thương, ba người còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ thay cho đồng đội của mình. Thông tin được thông suốt sau đó một giờ, quá nửa tháng mới có lực lượng về bổ sung. Lúc đó giọng ba nữ chiến sỹ đã khản đặc. A69 vẫn duy trì hoạt động, phục vụ các chiến trường cho đến ngày Bắc - Nam về chung một nhà” - chị Luân kể tiếp.

Bà Ngô Thị Trương và bà Ngô Thị Long, những người từng chứng kiến sự kiện Lèn Hà bi tráng.
Bà Ngô Thị Trương và bà Ngô Thị Long, những người từng chứng kiến sự kiện Lèn Hà bi tráng.

Cán bộ, đảng viên, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân trong vùng từng chứng kiến sự kiện bi tráng ở Lèn Hà gặp chúng tôi họ đều ngậm ngùi, xúc động bảo rằng: “A69 với nhân dân là máu mủ ruột rà!”.

Bà Đinh Thị Tân ở thôn 3,  Bắc Sơn-thời kháng chiến chống Mỹ gọi là bản Hà, cách hang Lèn Hà chừng 500m nhớ lại: “Lúc đơn vị về đóng quân, mệ mới đôi mươi. Đơn vị chọn hang Hà xây dựng tổng đài chứ không chọn hang Cao (phía trên hang Hà) vì cao quá sợ lộ.

Chính bà con trong làng là những người đầu tiên sang giúp đơn vị kẹp lá, lợp mái nhà, ngụy trang máy móc, thiết bị thông tin...”. “Đơn vị nhiều nữ, tuổi sàn sàn giống nhau, các cô sống xa quê nên hay nhớ nhà. Chiều chiều tạt vào trong dân, nhận bố nhận mẹ. Dân trong làng thương lắm, xem như con cháu, chị em, có sắn ăn sắn, có bồi ăn bồi. Tâm sự chuyện chung, chuyện riêng không khác gì ruột thịt”.

“Mệ còn nhớ ngày trước khi Lèn Hà bị ném bom, cô Xuyên có đi nhận áo quần, tạt qua nhà tặng mệ cái áo lót mới. Hồi đó cái áo quý lắm, mệ mặc đến nỗi rách lỗ chỗ. Sau này quần áo nhiều nhưng cái ái lót cô Xuyên cho mệ không bao giờ quên” - tiếng bà Tân nghèn nghẹn.

Bà Ngô Thị Trương, 67 tuổi ở thôn 4, xã Thanh Hóa cho biết: “Hồi đó mệ là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đơn vị kết nghĩa với A69 nên có việc gì cũng giúp nhau, tổ chức giao lưu văn hóa - văn nghệ thường xuyên để các cô, các chú ấy đỡ nhớ quê, nhớ nhà. Thời chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cách báo tin nhanh nhất là dùng tiếng súng, theo quy định, một tiếng súng nổ là có máy bay địch; hai tiếng súng báo hiệu an toàn, ba tiếng súng xảy ra tắc đường, bốn tiếng súng có người bị thương và 5 tiếng súng nổ là có người chết”.

Buổi chiều ngày 2-7-1972 cứ ám ảnh mãi bà Ngô Thị Trương cho đến tận bây giờ. Năm tiếng súng chát chúa điểm liền nhau. Cảnh lán trại sập xuống, cháy rừng rực, từng thi thể các chiến sĩ được đưa ra từ đống đổ nát khiến những người có mặt đứt từng khúc ruột.

Bà Ngô Thị Long, 62 tuổi, thôn Thanh Lạng  kể: “Chiều đó, chúng tôi nghe tiếng súng lệnh. Biết có người hy sinh ở Lèn Hà nên tập trung đến. Cảnh tượng không thể nào tin nổi, chị em chúng tôi chính là người khiêng thi thể các cô, các chú ấy ra, mặc lại quần áo mới, lấy lọ penexilin ghi tên tuổi, quê quán từng người và tiến hành lễ truy điệu, chôn cất các cô, chú ấy cẩn thận...” bà Long nghẹn ngào.

“Thương nhất là cô Vũ Thị Lan, lẽ ra cô ấy về hôm trước để cưới chồng nhưng bị nhỡ xe, ở lại hôm sau thì đơn vị bị bom B52 rải thảm. Người yêu cô là chú Hưng làm nhân viên kỹ thuật ở Cung đường 12A. Sau khi cô Lan hy sinh, chú Hưng xin đến A69 Lèn Hà làm việc thay cô, vừa làm việc vừa chăm lo hương khói cho người vợ chưa cưới cùng đồng đội. Chú Hưng ở A69 hơn môt tháng thì nhận lại bức thư của mình gửi cô Lan trước đó, thương không để đâu cho hết” - bà Đinh Thị Tân nhớ lại.

“Giờ Lèn Hà đã có nơi tưởng niệm đàng hoàng, hương khói không bao giờ ngơi ngớt, các cô các chú ấy được Nhà nước phong Anh hùng, bà con nơi đây cũng ấm lòng” - Bà Ngô Thị Trương bảo. Âu đó cũng chính là tâm tư, tình cảm của người dân hai xã Thanh Thạch, Thanh Hóa từng đi qua chiến tranh, từng chứng kiến sự hy sinh bi tráng ở Lèn Hà ngày 2-7 của 44 năm về trước.

Thanh Long-Hải Sâm

>> Hang Lèn Hà khúc tráng ca của những người lính thông tin