.

Hồi ức của một Chính ủy Sư đoàn

Thứ Sáu, 01/05/2015, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của đại tá Phan Đân, nguyên Chính ủy Sư đoàn 324 vẫn còn như vẹn nguyên những kỷ niệm không bao giờ quên của một cuộc đời binh nghiệp. Hiện ông đã về nghỉ hưu cùng gia đình tại thôn Tây, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh. Ở cái tuổi gần 80 nhưng trông ông vẫn còn minh mẫn lắm.  Vào một ngày đầu tháng 4 năm 2015, chúng tôi đã đến tại nhà riêng của ông để được nghe ông kể lại những dòng hồi ức của mình. May mắn cho chúng tôi, ngoài khá nhiều ảnh  trong nhiều lần về thăm lại chiến trường xưa, vị Chính ủy Sư đoàn 324 còn lưu giữ khá nhiều tư liệu quý trong sổ tay.

Ông Phan Đân (người đứng thứ 2 hàng trước trái sang) và các CCB trở lại thăm chiến trường Thượng Đức năm xưa.
Ông Phan Đân (người đứng thứ 2 hàng trước trái sang) và các CCB trở lại thăm chiến trường Thượng Đức năm xưa.

Ông Phan Đân sinh năm 1936, trước ngày nhập ngũ ông từng trải qua các công việc của xã như kế toán, thống kê, kế hoạch, cán bộ thuế nông nghiệp. Năm 1961, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ để lại hậu phương người vợ hiền và hai đứa con nhỏ. Lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng lại sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng nên mỗi khi ra trận ông có tinh thần kiên cường của một người chiến sĩ quân đội có lý tưởng cách mạng.

Ông đã cùng đơn vị đánh nhiều trận lớn, lập được nhiều chiến công vang dội. Dấu chân của ông đã có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt. Trên người ông còn vết thương do những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù. Hơn 30 năm ở quân ngũ, ông đã có mặt ở nhiều chiến trường.

Cuốn sổ tay của ông ghi rõ: “ngày nhập ngũ quân đội: 18-2-1961; ngày xuất phát đi B: 3-4-1967; ở cấp phó đại đội, tham gia chiến dịch đường 9 năm 1967; trong  25 ngày đêm Tết Mậu Thân tham gia chỉ huy ở cấp đại đội trưởng; năm 1969 chiến dịch Đường 9-Nam Lào tham gia chỉ huy ở cấp tiểu đoàn trưởng. Từ ngày 11 tháng 4 năm 1974  đến 30 tháng 4 năm 1975 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ năm 1976 đến năm 1977, hành quân ra bắc, đóng quân ở Quỳ Hợp-Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cho 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ độc lập tự do cho nước bạn Lào.

Trong sổ tay của mình ông cũng ghi rõ ngày tháng được phong quân hàm: 1-2-1962: hạ sĩ, tiểu đội trưởng; năm 1973, được phong đại úy, phó chính ủy trung đoàn; năm 1975 được phong thiếu tá; năm 1979, được phong trung tá, chính ủy trung đoàn; năm 1983 được phong hàm đại tá, Chủ nhiệm chính trị mặt trận 379 Bắc Lào; từ năm 1987 đến 1991 là đại tá, Chính ủy Sư đoàn 324.

Với nhiều thành tích trong chiến đấu, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân chương, huy chương, trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Tự do nước bạn Lào tặng; 3 Huân chương Chiến sỹ vẻ vang cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Một trong những trận đánh lớn ghi lại dấu ấn của đơn vị ông Phan Đân là mặt trận Thượng Đức, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Lúc đó ông ở Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2”. Người CCB già hồi tưởng lại: Thượng Đức nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam, trong thung lũng Hà Tân, xung quanh bao bọc bởi vùng rừng núi trùng điệp chạy dài tới biên giới Lào. Địa hình Thượng Đức rất hiểm yếu, ba bề là núi cao, có nhiều dốc dựng đứng, phía đông là đồng bằng, nơi hợp lưu của hai con sông Côn và sông Vu Gia.

Thượng Đức là một chi khu quân sự đặc biệt, là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng-một trong những căn cứ lớn nhất của Mỹ-ngụy ở miền Trung lúc bấy giờ. Thượng Đức được Mỹ-ngụy đầu tư xây dựng hết sức công phu. Lực lượng ngụy quân ở Thượng Đức có tiểu đoàn 79 biệt động quân, hai đại đội bảo an, một đại đội cảnh sát dã chiến và 16 trung đội vũ trang.

Tướng ngụy Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng I chiến thuật từng tuyên bố rằng, nếu mất Thượng Đức thì cửa ngõ vào căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng sẽ bị mở toang, từ đó cộng quân có thể làm chủ cả một vùng đất rộng lớn của miền Trung. Về phía ta, Thượng Đức như một cái gai khống chế cả huyện Đại Lộc mà đặc biệt là vùng B-nơi thường xảy ra tranh chấp ác liệt giữa hai bên từ sau Hiệp định Pai-ri được ký kết”.

Ông Phan Đân trao đổi tiếp: “Tham gia chiến đấu tại mặt trận Thượng Đức là đã góp sức vào Chiến công chung của chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Thượng Đức toàn thắng đã khai thông tuyến đường huyết mạch Đông Trường Sơn, tạo điều kiện cho quân ta ào ạt tiến vào các chiến trường miền Nam.

Tại trận chiến đấu ác liệt này quân ta đã tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn biệt động và 10 đại đội biệt động ngụy, thu hút và giam chân địch ở địa bàn này 3 sư đoàn thiện chiến gồm: sư 1, sư 3, sư đoàn dù, lữ đoàn thủy quân lục chiến 147; làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Mặt trận Thượng Đức hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, tạo điều kiện cho quân ta chiến thắng tại Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng.”

Trong câu chuyện kể, đại tá Phan Đân xúc động kể lại niềm vui của ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc: Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng như quân và dân cả nước, những cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi vô cùng phấn khởi. Niềm vui trào nước mắt. Thời kỳ đó cả miền Nam rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Ai cũng cất lên bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Không khí nhộn dịp vui tươi không thể tả hết được. Bộ đội ta lúc đó ăn mặc chỉnh tề, tư thế của người lính Cụ Hồ, đi đến đâu cũng được nhân dân đón tiếp nồng hậu.

Hẳn còn rất nhiều kỷ niệm chiến trường với nhiều chiến công mà đại tá-CCB Phan Đân đã cùng đơn vị giành được, nhưng giờ đây, với vai trò là Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 324, đại tá Phan Đân luôn quan tâm vấn đề tri ân những anh hùng liệt sĩ, những đồng chí đồng đội đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường. Sau năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải nhưng còn biết bao liệt sĩ vô danh chưa tìm ra mộ chí. Là Trưởng ban liên lạc Sư đoàn, đại tá Phan Đân nhiều lần cùng đồng đội chiến sĩ tổ chức nhiều chuyến về thăm lại chiến trường xưa. Đại tá Phan Đân cũng dành nhiều công sức tâm huyết để tìm lại mộ chí cho đồng đội, chiến sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Từ ngày hòa bình đến nay, đại tá Phan Đân đã góp phần giới thiệu hơn 20 địa chỉ mộ liệt sĩ cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Ví dụ như trường hợp liệt sĩ Vũ Văn Hạp, hy sinh ở đồi Sơn Đào, phía tây thành phố Huế vào năm 1972. Ông Đân đã làm công văn gửi ra cho thân nhân liệt sĩ. Nhờ thông tin này, chị Vũ Thị Ánh Tuyết, quê ở phố Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã tìm ra mộ chí người cha liệt sĩ sau gần 40 năm thất lạc.

Một trường hợp khác, đại tá Phan Đân cùng đoàn CCB Hà Nội tìm ra mộ chí của Anh hùng liệt sĩ Dương Quang Bổ, sau hàng chục năm thất lạc và dù mộ chí ghi nhầm tên anh hùng liệt sĩ là Dương Quang Bộ. Từ sơ đồ mộ chí ngày còn quân ngũ, ông đã giúp cho thân nhân liệt sĩ tìm ra chính xác mộ liệt sĩ, sau bao năm tháng bặt tin tức.

Trong thời gian chuẩn bị hướng về kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đại tá CCB Phan Đân rất bận, ông  đã có kế hoạch cùng Ban liên lạc Sư đoàn 324 tham dự nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm ôn lại kỷ niệm của một thời oanh liệt, thăm lại chiến trường xưa và tri ân những đồng chí đồng đội đã hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúc cho đại tá Phan Đân luôn mạnh khỏe để cùng đồng đội của mình tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa trong ngày lễ trọng đại của đất nước.

Phan Hòa