.
Tưởng niệm 50 năm trận giặc Mỹ tàn phá Đồng Hới (4-4-1965 - 4-4-2015):

Có một ngày tháng tư như thế!

Thứ Sáu, 03/04/2015, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Người phụ ấy ngồi bên khung cửa sổ, đôi mắt loang loáng nước như chất chứa cả một khoảng trời ký ức của tròn 50 năm về trước. “Mỗi lúc trái gió, trở trời, vết sẹo này lại nhức nhối đau. Cứ mỗi lần sờ vào nó, bao nhiêu ký ức của ngày hôm đó lại dội về, ám ảnh”, bà Đỗ Tú Khánh vừa chuyện trò, vừa mân mê vết sẹo dài trên trán.

Với bà và hàng nghìn người dân Đồng Hới khác, đó mãi mãi là vết thương quá khứ không gì xóa nhòa được. Nửa thế kỷ rồi vậy nỗi đau vẫn nhức nhối, đau thương!

Ngày chủ nhật đau thương

Đã 50 năm rồi, cuộc đời đã qua quá nhiều dâu bể nhưng cứ mỗi lần đến dịp đầu tháng 4, bà Đỗ Tú Khánh vẫn đau đáu nhớ về ngày ấy. Với bà và biết bao người dân Đồng Hới đã đi qua khói lửa chiến tranh, ngày 4-4-1965 là ngày của những ký ức đau thương, ngày để những người đang sống đốt nén nhang tưởng nhớ những người thân đã khuất vì bom đạn kẻ thù.

Bà Khánh nhớ, đó là ngày chủ nhật, trời rất đẹp. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, một số cán bộ, công nhân viên chức,  học sinh... từ nơi sơ tán trở về dọn dẹp, thu vén nhà cửa. Một số con trẻ vì nhớ nhà cũng nằng nặc xin bố mẹ theo về thăm nhà. Với không ít người, đó là chuyến trở về cuối cùng đầy đau thương.

Với ý đồ “đẩy lùi miền Bắc về thời kỳ đồ đá”, ngày 4-4-1965, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đích thân đến Hạm đội 7 Thái Bình Dương trực tiếp chỉ huy đánh phá một số mục tiêu ở miền Bắc. Với tên gọi là chiến dịch “Sấm Rền 3P”, trong suốt 4 giờ liền không ngớt (từ 12 giờ trưa đến 16 giờ chiều), Mỹ đã huy động 46 lượt máy bay A4, F8U, AD6 thay nhau đánh phá dữ dội thị xã Đồng Hới, tập trung một số lượng bom đạn khủng khiếp để triệt phá Cầu Dài.

Sau những đợt bom oanh tạc, quần nát bầu trời Đồng Hới là 72 người dân vô tội bị bom Mỹ giết chết, cùng hàng chục người khác bị thương. Hàng trăm ngôi nhà, trường học, cơ quan, cửa hàng tan nát. Một thị xã lâu đời rộng không quá 3 km2 với 18 ngàn dân, một đô thị xinh đẹp bên dòng Nhật Lệ phút chốc bị hủy diệt. Nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa, các công trình phúc lợi công cộng chỉ còn trơ lại là một đống hoang tàn, đổ nát. Cầu Dài bị đánh gãy.

Bia tưởng niệm các nạn nhân chết trong trận ném bom ngày 4-4-1965.
Bia tưởng niệm các nạn nhân chết trong trận ném bom ngày 4-4-1965.

Trong hồi ức đầy ưu tư của mình, A.Wasmes-một cựu binh Mỹ đã xúc động ghi lại: “Từ Thanh Hóa ở vĩ tuyến 20, người ta chỉ đi qua những bộ xương-“vết tích” của các thành phố Vinh, Hà Tĩnh rồi tới Đồng Hới, tỉnh lỵ Quảng Bình”.

Bà Đỗ Tú Khánh nhớ lại: “Sau những tiếng nổ kinh hoàng, mình bị chôn vùi trong đống đất đá, rồi lơ mơ, không còn biết gì nữa. Đến lúc tỉnh dậy, thấy mình ở bệnh viện, xung quanh là một khung cảnh đầy ám ảnh với hàng chục người bị thương nằm la liệt. Cảnh đau đớn, vật vã, rồi tiếng khóc, tiếng rên la... tất cả cứ đập thẳng vào mắt, vào tai mình. Phải vài tháng sau, trở lại Đồng Hới, chứng kiến tận mắt thị xã của mình chỉ còn là một đống đổ nát, nỗi đau càng nhân lên”.

Đến hôm nay, ký ức của ngày chủ nhật đau thương ấy đã hằn sâu vào ký ức, thân thể bà bằng một vết sẹo dài ở trán, lúc trở gió lại nhức nhối đau. Nhưng bà Khánh là một trong những người Đồng Hới may mắn sống sốt trong trận bom hủy diệt ấy. Còn với biết bao gia đình, nỗi đau càng nhân lên khi người thân của họ đã mãi mãi ra đi. Và ngày 4-4 hằng năm trở thành ngày giỗ chung của hàng chục con người. 

Nỗi đau còn mãi

Nhà thơ Văn Lợi (Hội VHNT Quảng Bình) thời điểm đó là đội viên của Đội Thanh niên Ba sẵn sàng nhớ lại: “Một Đồng Hới xinh đẹp là thế, vậy mà phút chốc đã bị san bằng. Cảnh tượng kinh hoàng với la liệt những xác chết, có cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Chúng tôi tận tay đi khâm liệm xác rồi mai táng họ ở nghĩa trang Lộc Ninh. Đó là ký ức nhiều ám ảnh”.

Với bà Dư Ngọc Anh (tiểu khu 10, Đồng Sơn), đó còn là ký ức đẫm nước mắt bởi là ngày cuối cùng bà được nhìn thấy cha mình. 50 năm qua, mỗi bận tháng tư về, hình ảnh người cha già trong buổi chia tay định mệnh đó cứ làm tim bà tái tê. Bà kể, sáng hôm đó, không biết có phải vì dự cảm được điều chẳng lành hay không mà cha gọi hai chị em tôi đến, đưa một ít đồ ăn rồi bảo chúng tôi đưa lên cho mẹ và mấy đứa em, lúc đó đang sơ tán ở Cầu Cúp. Chỉ còn một mình ông ở lại, rồi bom Mỹ dội đến, chị em tôi may mắn thoát nạn, còn cha thì mãi mãi không trở về.

Đến giờ, vẫn không biết mộ ông lưu lạc ở đâu? Nói rồi, người phụ nữ ấy lại rơm rớm nước mắt, “nếu ở lại thì chắc chị em tôi cũng không sống được đến hôm nay. Và nếu hôm đó, thuyết phục ba đi cùng thì có lẽ ông cũng không rời bỏ gia đình mà ra đi sớm như vậy. Nhưng rồi chị em tôi tự động viên nhau, chiến tranh mà, chẳng biết trước được điều gì”.

Trận bom hủy diệt ấy đã san bằng Đồng Hới, giết hại bao gia đình vô tội. Và trong số những con người đã nằm lại đâu đó giữa những góc phố, những căn hầm trú ẩn có không ít những đứa trẻ chưa một lần được đến trường, cả những thanh niên đang sục sôi nhiệt huyết. Bà Nguyễn Thị Yêm (Đồng Sơn) lau vội những giọt nước mắt: “đứa em trai của tôi đã chết trong trận bom ác liệt ngày hôm đó khi em vừa tròn 16 tuổi.

Chẳng thể quên được cha mẹ tôi đã đau đớn, vật vã như thế nào suốt một thời gian sau đó”. Khi đứa em trai bị sập hầm, chính bà là người đã cõng em mình trên lưng, chạy giữa tiếng máy bay gầm rú để tìm người cấp cứu. Nhưng rồi, khi tiếng bom vừa dứt, người em trai của bà đã chết tự lúc nào. Có lẽ bởi thế, mà hình ảnh người em lả đi trong vòng tay mình cứ ám ảnh bà suốt một thời gian dài. 50 năm rồi, nỗi đau ấy chưa một lần nguôi ngoai. “Nếu còn sống, thì giờ cũng con cháu đông vui rồi”, bà Yêm nén tiếng thở dài.

Quá khứ đã khép lại nhưng có những nỗi đau của ngày hôm qua cứ như những đốm lửa nhỏ âm ỉ cháy mãi. Với người Đồng Hới, mỗi dịp tháng tư về, họ lại nao nao nhớ và nhức nhối nỗi đau. Hôm nay, sau nửa thế kỷ nằm xuống, những linh hồn người đã mất có thể ấm lòng bởi Đồng Hới đổ nát năm xưa nay đã thành một đô thị xinh đẹp bên dòng Nhật Lệ. Và tháng 11-2014, UBND thành phố Đồng Hới đã khánh thành bia tưởng niệm những nạn nhân trong trận ném bom lịch sử ấy.

Người Đồng Hới đã có chốn đi về để thắp nén nhang an ủi những linh hồn người đã khuất mỗi độ tháng tư về. Bên dòng Nhật Lệ rào rạt sóng vỗ, bên tượng đài mẹ Suốt sừng sững tự hào, tấm bia tưởng niệm vẫn ngày ngày nghi ngút khói hương như một lời nhắc nhở: hãy nhớ và trân trọng quá khứ để xây dựng tương lai, dẫu đó là những tháng ngày quá khứ đầy nỗi đau và nước mắt.

Diệu Hương