Trương Phúc Phan với trang sử bảo vệ chủ quyền biển đảo

Cập nhật lúc 09:01, Thứ Hai, 29/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trang sử vàng của dân tộc từng ghi nhận công lao to lớn của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh trong sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam.

Tháng 2 năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai, tại đây ông đã "Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay)" đánh dấu sự xác lập và thực thi chủ quyền của chúa Nguyễn đối với vùng đất Nam bộ.

Tháng 5 năm 1700, trong cuộc tiến binh bảo vệ vùng biên cương phía Nam, Nguyễn Hữu Cảnh đột ngột qua đời ở Sầm Giang (Rạch Gầm) trong sự tiếc thương vô hạn của quân sĩ và nhân dân trong vùng. Sự nghiệp mở mang bờ cõi vừa mới bắt đầu, trước mắt biết bao việc phải làm. Gánh nặng đặt lên vai các tướng sĩ dưới quyền, đặc biệt là những tướng sĩ tâm phúc, đồng hương Quảng Bình, những người đã theo ông đi suốt cuộc trường chinh về phương Nam, trong đó nổi lên có phó tướng Trương Phúc Phan -  người kế tục sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh làm Trấn thủ dinh Trấn Biên.

Trương Phúc Phan sinh ở làng Trường Dục, huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Cụ nội của ông là Trương Công Da (sau được ban chữ "Phúc" thành Trương Phúc Da) người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa làm quan dưới triều vua Lê Anh Tông (1556-1573) theo Nguyễn Hoàng vào Nam, định cư tại làng Trường Dục và trở thành thủy tổ của dòng họ Trương Phúc ở đây. Trương Phúc Da được giao làm Trấn thủ dinh Quảng Bình đầu tiên dưới thời chúa Nguyễn Hoàng.

Ông nội của Trương Phúc Phan là Trương Phúc Phấn sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Bình "võ nghệ, tài lược hơn người" theo cha làm đến chức Cai cơ. Năm 1630, Trương Phúc Phấn giữ chức Trấn thủ dinh Bố Chính (dinh Ngói), là người có công lớn bảo vệ lũy Trường Dục, quân Trịnh đánh mãi không được gọi ông là "Phấn cố trì" (Phấn giữ thành).

Cha của  Trương Phúc Phan là Trương Phúc Cương, người có nhiều công lao trong các trận chiến ở Quảng Bình. Ông là bề tôi thân cận của chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn), được chúa đặc biệt tin dùng. Năm 1689, Trương Phúc Cương được phong giữ chức Trấn thủ Cựu dinh.

Bác ruột của Trương Phúc Phan là Trương Phúc Hùng "kiêu dũng, thường đi trước hãm trận, đi đến đâu giặc dạt đến đó". Ông từng được phong làm Trấn thủ dinh Bố Chính, dinh Quảng Bình, Đốc chiến quân cơ.

Cũng như Nguyễn Hữu Cảnh, khi lớn lên Trương Phúc Phan được nuôi dưỡng trong dòng dõi võ

Ảnh minh họa: Văn miếu Trấn Biên (Nguồn: Trang thông tin điện tử Biên Hòa).
Ảnh minh họa: Văn miếu Trấn Biên (Nguồn: Trang thông tin điện tử Biên Hòa).

tướng, lừng lẫy chiến công trên đất Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh Trịnh - Nguyễn ở thế kỷ XVII.

Mến trọng tài đức của người thanh niên đầy tâm huyết, chúa Nguyễn Phước Thái đã gả con gái thứ ba là công nữ Ngọc Nhiễm cho Trương Phúc Phan.

Khi các chúa Nguyễn tiến hành công cuộc mở cõi, Trương Phúc Phan cùng nhiều tướng sĩ tâm phúc là người đồng hương Quảng Bình đã kề vai sát cánh cùng Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh tiến về phương Nam.

Năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh mất, Trương Phúc Phan được chúa Nguyễn Phúc Chu giao giữ chức Trấn thủ dinh Trấn Biên. Dinh Trấn Biên và huyện Phước Long ở phía Đông sông Sài Gòn quản lý một vùng rộng lớn bao gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Dinh Trấn Biên là địa bàn cửa ngõ mở lối cho đoàn quân Nam tiến dọc theo dải ven biển nhanh chóng làm chủ toàn bộ đất Hà Tiên để tiến sâu vào trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời vươn ra chiếm lĩnh các đảo, quần đảo phía nam biển Đông và vịnh Thái Lan.

Làm Trấn thủ dinh Trấn Biên, Trương Phúc Phan tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hữu Cảnh chiêu tập dân vào Nam khai hoang mở đất, tổ chức các đơn vị hành chính, xây dựng bộ máy, xác lập chủ quyền lãnh thổ vùng đất Nam bộ.

Đồng thời với việc xác lập chủ quyền, ngay từ những ngày đầu  lập đất, chính quyền của chúa Nguyễn ở Trấn Biên đã tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ mà tiêu biểu là chiến công đánh đuổi quân Anh ra khỏi đảo Côn Lôn (Côn Đảo) trong những năm đầu thế kỷ XVIII.
Côn Lôn nằm cách đất liền Vũng Tàu 97 hải lý. Do vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á, Côn Lôn được người phương Tây biết đến rất sớm. Từ thế kỷ XIII (1294) đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý tên là Marco Polo gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Quốc về nước bị một cơn bão nhấn chìm 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo. Thế kỷ XV- XVI có rất nhiều đoàn thám hiểm người Âu ghé vào vùng đảo.

Tháng 8 năm 1702, Công ty Đông Ấn (East India Company) của Anh do Nhất ban Tô Thích Già Thi (Allen Catchpole) chỉ huy 8 chiến thuyền với hơn 200 lính ngang nhiên đổ quân lên Côn Lôn xây pháo đài, dựng cột cờ chủ trương chiếm đảo lâu dài.  Theo sách Đại nam thực lục tiền biên, quân Anh lúc đó đã "kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác". Trước tình hình đó, Trương Phúc Phan báo tin về chúa Nguyễn Phúc Chu, "Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy".

Thực hiện ý chỉ của Chúa, Trương Phúc Phan tìm cách đánh chiếm lại Côn Lôn trong tay quân Anh. Ông cho tuyển mộ được 15 người Chà Và (người có gốc từ đảo Malacca, Malayxia) sinh sống ở dinh Trấn Biên làm kế giả hàng, ra Côn Lôn làm thuê cho quân Anh. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy động tĩnh gì, quân Anh lấy làm đắc chí, sinh ra chủ quan. Nhân lúc quân Anh sơ hở, nửa đêm đội quân người Chà Và của Trương Phúc Phan nổi lửa phóng hỏa thiêu trụi doanh trại, giết chết số sĩ quan chỉ huy Nhất ban, Nhị ban, một số bị bắt đưa về đất liền, một số theo đường biển trốn thoát. Trương Phúc Phan được tin báo sai binh thuyền ra Côn Lôn tiếp ứng, thu hết của cải, vũ khí của quân Anh, giành lại Côn Lôn, giữ vững chủ quyền biển đảo ở vùng đất phía Nam.

Sau khi lấy lại Côn Lôn, Trương Phúc Phan cho tổ chức lại lực lượng bảo vệ đảo theo phương thức nửa dân sự, nửa quân sự. Theo sách Gia Định thành thông chí thì "Dân ở đảo tự kết lại làm binh sĩ, gọi là Tiệp Nhất, Tiệp Nhị, Tiệp Ba đội trực thuộc đạo Cần Giờ, có đủ khí giới để giữ lấy đất ấy phòng quân cướp hung dữ Đồ Bàn, không cần kêu gọi chỗ khác đến cứu giúp. Dân lính ở đây thường lấy yến sào, đồi mồi, vích, quế hương, mắm, ốc tai tượng, rồi theo mùa mà dâng nộp; còn lại thì đánh bắt hải sản như cá tôm để sinh sống..."

Nhờ có lực lượng bảo vệ đảo, trong thời gian Trương Phúc Phan là Trấn thủ dinh Trấn Biên mấy lần người Anh âm mưu chiếm lại Côn Lôn đều thất bại.

Để giữ vững chủ quyền biển đảo, bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa biển Đông đã được thiết lập và duy trì hoạt động từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614 - 1635), chúa Nguyễn Phúc Chu (1692 -1725) còn đặt ra đội Bắc Hải hoạt động chủ yếu ở khu vực Trường Sa, Côn Lôn và vịnh Thái Lan.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: "Họ Nguyễn đặt  đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra xứ bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai đội Hoàng Sa kiêm quản". Bên cạnh các đội Hoàng Sa, Bắc Hải chúa Nguyễn còn thành lập đội Thanh Châu khai thác yến sào ở vùng biển phủ Quy Nhơn; đội Hải Môn khai thác yến sào, hải vật, hóa vật của tàu ở Côn Lôn, Cù lao Khoai ngoài biển phủ Bình Thuận...

Lực lượng phòng thủ kết hợp quân, dân binh tổ chức khá chặt chẽ dưới thời Trấn thủ dinh Trấn Biên Trương Phúc Phan được duy trì đến đầu thời nhà Nguyễn. Năm 1836, vua Minh Mạng cho xây dựng đồn binh và pháo đài Thanh Hải ở Côn Lôn, cử một đội quân và 50 lính, cấp cho thuyền và binh khí đến đóng giữ. "Như thế, có lính để phòng thủ, có ruộng để cấy cày, giặc biển không dám lại đến, thuyền buôn ngày một đông nhiều, sau vài năm tất thành nơi vui vẻ, mà việc phòng giữ mặt biển sẽ bền vững được" (Đại Nam thực lục).

Với chiến công năm Quý Mùi (1703) đánh đuổi quân Anh ra khỏi Côn Đảo  dưới sự chỉ huy của Trấn thủ dinh Trấn Biên Trương Phúc Phan, quân dân ta đã mở đầu trang sử bảo vệ chủ quyền biển đảo phía Nam của Tổ quốc.

Trương Phúc Phan mất, chúa Nguyễn phong tặng ông là Thái bảo Phan Quốc công. Để ghi nhớ công lao, sự ngiệp của vị tướng thao lược của thời kỳ mở cõi, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngày nay một số đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, và một số thành phố, thị xã ở Nam Bộ được đặt tên Trương Phúc Phan.

                                                                          Phan Viết Dũng


 

,
.
.
.