Người Quảng Bình xa xứ:

Người con Quảng Bình và "Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông"

Cập nhật lúc 16:38, Thứ Bảy, 27/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Dù đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm" và rời chính trường gần một thập kỷ, tên của ông vẫn rất nóng trên nhiều tờ báo. Đặc biệt, khi cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông" (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2012), tên của ông lại được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Cuốn sách dày 400 trang do ông làm chủ biên đã đưa ra vấn đề biển Đông một cách khái quát, dễ hiểu cùng những lý giải cơ bản nhất, thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Ông là Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, một người con của làng Phú Ninh xưa (nay là phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới).

 

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ...
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ...

Nhắc đến tên ông, hầu như người dân cả phường Đồng Phú đều biết và tự hào. Nhưng có lẽ với nhiều người, sự hiểu biết về ông chỉ mới dừng lại ở những trọng trách ông từng nắm giữ và tấm lòng của ông đối với quê hương. Còn có một Tiến sĩ (TS) Trần Công Trục (hiện sinh sống tại Thủ đô Hà Nội) người 30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia cùng những đóng góp to lớn trong vấn đề bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, đặc biệt chủ quyền trên biển, có lẽ nhiều người vẫn ngỡ ngàng...

TS Trần Công Trục sinh năm 1943 (tuổi Quý Mùi) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phú Ninh (nay là phường Đồng Phú). Bố mẹ ông phải một nắng hai sương với ruộng đồng để nuôi 5 anh em ông ăn học mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Vốn thông minh, sáng dạ, lại ham học hỏi, dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó, suốt những năm học phổ thông, ông luôn đạt thành tích cao. Không chỉ học giỏi, ông còn là một cậu học trò nổi bật trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài giờ học, ông làm đủ mọi việc để đỡ đần cha mẹ.

Năm 1963, học hết phổ thông, ông thi đỗ vào Trường đại học Ngoại thương. Ra trường, ông công tác ở Bộ Ngoại thương đến năm 1971 thì được điều động nhập ngũ. Trên đường hành quân vào chiến trường B, ông lại nhận được lệnh ngược ra bắc, về Bộ Tư lệnh Hải quân đóng tại Hải Phòng nhận nhiệm vụ mới. Trong thời gian công tác ở đây, ông bắt đầu những nghiên cứu của mình về biển đảo. Sau một thời gian được cử làm biệt phái viên của Ban Biên giới Chính phủ, năm 1995, TS Trần Công Trục được đề bạt là Trưởng Ban Biên giới Chính phủ và nắm giữ cương vị ấy cho đến ngày nghỉ hưu

...và tác phẩm
...và tác phẩm "Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông".

vào năm 2004.

30 năm gắn bó với công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, TS Trần Công Trục đã để lại những dấu ấn quan trọng của mình trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền biên giới. "Sự thật là tối thượng và ta luôn phải tôn trọng nó. Nhưng sự thật đó không phải do anh tự tưởng tượng ra hoặc là lượm lặt không có chọn lọc, mà phải là một sự thật phù hợp với quy luật của cuộc sống, phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế và với ý chí, nguyện vọng của cả cộng đồng. Thế nên tìm ra được sự thật trong nghề này không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có cả sự dũng cảm, kiên định của người làm nghề!", đấy là lời tâm sự của TS Trần Công Trục về sự nghiệp mà ông đã và đang theo đuổi.

Với tâm niệm ấy, ý chí ấy, ông đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình hoạch định biên giới quốc gia. Nếu biên giới biển, đặc biệt là chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hiện đang là tâm điểm của dư luận, thì biên giới bộ giữa ta và Trung Quốc những năm 90 của thập kỷ trước, cũng nóng không kém.

Theo lời kể của ông, một sự kiện đáng nhớ là cuộc đàm phán giữa ta và Trung Quốc về biên giới ở khu vực Hữu Nghị Quan. Với sự khéo léo của một nhà ngoại giao, sự cương quyết, chính trực của người đang nắm giữ trọng trách và lòng yêu nước của một người dân Việt Nam, trong cuộc đàm phán kéo dài một ngày, ông đã tiến thoái đúng lúc, để cuối cùng Trung Quốc buộc phải chấp nhận phương án mà chúng ta đưa ra, tránh được những căng thẳng, xung đột ở khu vực tranh chấp...

Rời chính trường vừa trọn mười năm, nhưng nhiệt tình trong ông vẫn không hề suy giảm. Nói về người anh trai của mình, ông Trần Công Trặc, là em trai kế ông cười: Bác ấy suốt ngày nói chuyện biển Đông. Về quê thăm nhà mấy ngày, cũng trả lời phỏng vấn báo này báo khác. Lúc ăn cơm cũng tranh thủ phân tích tình hình biển đảo và những ứng xử quan trọng mà Việt Nam cần thực thi để có thể bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia... Con cháu trong nhà gọi bác ấy là ông "tham công tiếc việc". Nhưng nhờ thế, anh em con cháu cũng ngày càng nâng cao ý thức của mình về biển đảo quê hương...

Tàu thuyền của ngư dân trên biển. Ảnh: P.V
Tàu thuyền của ngư dân trên biển. Ảnh: P.V

Cuốn sách dày 400 trang "Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông" là tâm huyết của TS Trần Công Trục sau hơn nửa đời gắn bó với chủ quyền biên giới quốc gia, gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với 4 chương trong cuốn sách, gồm: chương 1: Vị trí và vai trò của biển, đảo Việt Nam trong biển Đông; chương 2: Việc xác lập các vùng biển và thềm biển Đông Việt Nam; chương 3: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; chương 4: Tranh chấp biển Đông: Thực trạng và giải pháp, ông đã khiến cho mỗi người dân bình thường đều có thể hiểu tường tận về biển Đông, để từ đó tự hào hơn về biển đảo quê hương và kiên quyết, kiên định hơn trong vấn đề chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa hiện nay...

Trao đổi với tôi qua điện thoại, ông bảo, nếu có dịp, chúng ta sẽ chuyện trò nhiều hơn, đặc biệt là chuyện biển đảo. Rồi ông kể về cuốn sách "Dấu ấn Việt Nam trên biển Đông", rằng sau khi phát hành, một thầy giáo ở tỉnh Sóc Trăng đã gửi lời cảm ơn ông bởi cuốn sách là tài liệu hữu ích để giới thiệu cho học sinh hiểu rõ hơn về chủ quyền Tổ quốc, qua đó giáo dục lòng yêu nước cho các em. Điều đó đã mang lại niềm vui rất lớn cho ông...

Sau tất cả những thành quả của ông trong sự nghiệp cùng những đóng góp cho đất nước, là bóng dáng người vợ hiền cùng hai cô con gái thành đạt. Tôi hình dung những bữa cơm gia đình của TS Trần Công Trục, có lẽ cũng luôn thấp thoáng bóng dáng Trường Sa, Hoàng Sa, cũng như Trường Sa, Hoàng Sa luôn trong tâm trí mỗi người Việt Nam.

Và chúng ta có quyền tự hào bởi những người con Quảng Bình xa xứ như TS Trần Công Trục đã, đang và tiếp tục có những đóng góp to lớn cho quê hương cho cuộc sống hôm nay...

                                                                                     Ngọc Mai






 

,
.
.
.