Ngược miền ký ức về những lễ hội xưa - Kỳ 2: Tết Đoan Ngọ và ngày hội nơm cá

Cập nhật lúc 07:42, Thứ Sáu, 15/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây mấy chục năm về trước, Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết giết sâu bọ) hàng năm cũng chính là thời điểm diễn ra nhiều hội làng “độc nhất vô nhị” trên địa bàn tỉnh ta. Đặc biệt, người Quảng Ninh tự hào với những hội xở chơm (nơm), như: Hội nơm cá ở Bàu Rồng (thôn Văn La, xã Lương Ninh) và hội nơm cá Thâm Ứ (thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh). Đây là hai trường hợp lễ hội không có phần lễ, mà chỉ tổ chức phần hội, lại vừa mang bản sắc riêng của địa phương, vừa có nhiều nét tương đồng về hình thức tổ chức.

>> Kỳ 1: Lệ Thủy và những lễ hội đã "mai danh ẩn tích"

Cả hai Hội nơm cá Bàu Rồng và Hội nơm cá Thâm Ứ đều diễn ra vào trưa ngày 4/5 âm lịch hàng năm (trước Tết Đoan Ngọ một ngày) vào đúng giờ chính Ngọ. Người Quảng Xá còn lưu truyền câu ca: “Cá đi nơm/Cơm mần đặng” (tức là trong Tết Đoan Ngọ người dân chỉ cúng bằng những sản phẩm tự tay mình làm ra). Địa điểm diễn ra hội là những ruộng sâu hay ao đầm công cộng, nhiều tôm lắm cá.

Theo cuốn Địa chí huyện Quảng Ninh (tác giả Đỗ Duy Văn, xuất bản năm 2008), làng Văn La ngày trước có Bàu Rồng rộng chừng 2 ha với nguồn thủy sản số lượng lớn, phong phú, đa dạng. Làng Quảng Xá có vùng Thâm Ứ (là vùng ruộng bị ngập nước sâu), kho tôm cá của cả làng, được chia thành Thâm Ứ trên và Thâm Ứ dưới. Hội không chỉ quy tụ toàn bộ người dân trong làng, mà còn thu hút nhiều làng khác xung quanh đến chung vui. Chính vì vậy, hội vừa là hoạt động văn hóa xuất phát từ chính nhu cầu cuộc sống của người dân, vừa góp phần làm tăng thêm tính cộng đồng, tính gắn kết mật thiết giữa các thành viên trong làng, và giữa làng này và làng khác.

Trước khi hội diễn ra, theo Hương ước đã đề ra, cả hai làng đều cấm bất kỳ ai được đánh bắt trên Bàu Rồng và Thâm Ứ, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt nặng. Tuy nhiên, theo ông Dương Viết Thủ (76 tuổi, thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh), người trực tiếp tham gia Hội nơm cá Bàu Rồng năm xưa, hầu như chưa có ai dám vi phạm luật lệ bất thành văn này. Bởi thời đó, đây là những khu vực rất linh thiêng, bất khả xâm phạm. Hơn ai hết, mỗi người dân tự ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ tài sản chung này của làng.

Bàu Rồng (Văn La, Lương Ninh, Quảng Ninh) vẫn ăm ắp nước, nhưng Hội nơm cá đã đi vào dĩ vãng từ mấy chục năm nay.
Bàu Rồng (Văn La, Lương Ninh, Quảng Ninh) vẫn ăm ắp nước, nhưng Hội nơm cá đã đi vào dĩ vãng từ mấy chục năm nay.

Phần nghi lễ thắp hương được diễn ra vào đúng trưa ngày 4/5 âm lịch. Tại làng Quảng Xá, các lão làng sẽ ra làm lễ dâng hương tại Nền Vải ngay sát cạnh Thâm Ứ. Tại làng Văn La, nghi lễ này được thực hiện tại đền Thần Nông nằm cạnh Bàu Rồng. Sau khi lễ xong hội nơm cá mới chính thức được bắt đầu.

Ông Đỗ Tuấn (87 tuổi, thôn Văn La, xã Lương Ninh) dựng nhà sát ngay cạnh Bàu Rồng, vẫn còn khắc khoải nhớ tiếng phèng la thôi thúc khai hội mỗi trưa trước Tết Đoan Ngọ. Hàng trăm người đứng chật xung quanh bờ đầm náo nức, hồi hộp. Chỉ cần nghe 3 tiếng phèng la vang rền, ngay lập tức lớp lớp người ùa xuống đầm nước, người lớn xuống trước, trẻ con xuống sau. Tay nắm chặt các dụng cụ đánh bắt như nơm, rớ, chài... và thậm chí sử dụng tay không. Ông Hoàng Minh Huệ (75 tuổi, thôn Văn La, xã Lương Ninh), đã tham gia Hội nơm cá Bàu Rồng từ năm 12 tuổi, bổ sung thêm: “Việc có nơm được cá hay không còn là duyên số của từng người. Có người bắt được rất nhiều cá, cất không xuể, trong khi một số lại không bắt được con nào. Nhưng, không khí vẫn rất náo nhiệt, tấp nập, hồ hởi. Hội chỉ diễn ra trong từ 1 – 2 tiếng đồng hồ, nên ai nấy đều khẩn trương bắt cá”.

Ở làng Văn La, vào ngày Hội nơm cá, người xem còn đông hơn cả người đi bắt, bởi người dân từ các làng lân cận, như: Bình Thôn, Nguyệt Áng, Thế Lộc... cùng đến tham gia góp vui. Ông Dương Viết Thủ bùi ngùi nhớ lại: “Sau hai tiếng đồng hồ, tiếng phèng la lại gióng lên báo hiệu hội đã kết thúc. Mọi người cùng dừng tay và bước lên bờ. Người bắt được dù ít dù nhiều đều hân hoan, sảng khoải, cùng hẹn hội năm sau. Những người may mắn bắt được nhiều cá hơn lại chia cá cho những ai ít may mắn. Cứ như thế, không khí đoàn kết, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau cứ lan tỏa mãi”. Cá bắt được từ Bàu Rồng và Thâm Ứ sẽ trở thành một món ăn giá trị trong Tết Đoan Ngọ vào ngày hôm sau.

Đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với những thay đổi trong làm ăn kinh tế theo thời cuộc, cả hai hội nơm cá dần dần biến mất. Duy chỉ có Bàu Rồng và Thâm Ứ đầy nước vẫn còn tồn tại đó, nhưng người xưa, không khí náo nhiệt thuở nào thì nay đã vắng.   

Nếu có dịp đến bất cứ một làng quê nào ở vùng đất Quảng Bình, dành vài tiếng đồng hồ trò chuyện với các bậc cao niên, chắc hẳn chúng ta sẽ có những ngạc nhiên nho nhỏ về một lễ hội xa xưa nào đó, mà giá trị văn hóa đặc sắc của nó vẫn tồn tại mãi tận bây giờ.

Bởi, vùng đất và con người xứ Quảng vẫn luôn, vẫn mãi, vẫn sẽ ẩn chứa những “vỉ quặng văn hóa” tiềm tàng được cất giấu và đang chờ thế hệ sau khai phá.

                                                                                    Mai Nhân









 

,
.
.
.