Chuyện kể ở Ông Tú

Cập nhật lúc 08:19, Thứ Năm, 08/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Anh bạn của tôi làm cán bộ văn hóa xã Trọng Hóa (Minh Hóa) đến nay đã 7 năm nói chắc như đinh đóng cột: “Về phát triển kinh tế thì bản Ông Tú không thua một bản nào trong 18 bản của xã Trọng Hóa. Còn về công tác giáo dục, tinh thần đoàn kết, an ninh trật tự... nơi đây cũng phải nói là nhất”! Để kiểm chứng lời bạn nói, chúng tôi đã có chuyến thực tế lên với bản Ông Tú...

Ngày chúng tôi lên bản Ông Tú, anh Hồ Xai, Bí thư xã Đoàn Trọng Hóa dẫn đường chốc chốc lại nhắc: “Tranh thủ đi nhanh để ra càng sớm càng tốt, không thì mùa này nước hay lên đột ngột, dễ phải nằm lại lắm...” Mùa này ở Trọng Hóa, thời tiết chợt nắng chợt mưa. Đang nắng gay, nắng gắt, ở tận dưới xuôi lên gặp bạn hỏi thăm sức khỏe, công việc chưa xong đã bị mưa ập xuống chạy không kịp.

Đứng ngay trung tâm xã trời vẫn nắng bình thường, không một giọt mưa, nhưng nhìn lên phía dãy Giăng Màn mây đã kéo đến đen kịt và chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, nước từ đầu nguồn ầm ầm đổ về như con trăn khổng lồ giận dữ, cuốn phăng tất cả những gì cố ý cản trở nó.

Đến bản Hưng, chúng tôi lên thuyền theo sự chỉ dẫn của Hồ Xai để vượt sông. Qua bờ bên kia chúng tôi phải đi bộ leo dốc khoảng 15 phút trên một con đường rộng 2m do bà con dân bản tự làm thì đến được bản Ông Tú. Năm 2005, con đường chỉ là lối mòn nhỏ như sợi chỉ nối bản với thế giới văn minh bên ngoài. Hồ Xai tâm sự, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con dân bản mà nòng cốt là lực lượng đoàn viên, thanh niên đã tập trung mở đường đó anh. Nếu như cầu Ông Tú đã xây được thì có thể đi xe máy lên tận bản!

Người dân trồng chuối để tăng thêm thu nhập.
Người dân trồng chuối để tăng thêm thu nhập.

Đường được mở, điện lưới được kéo về tận bản đã làm cho diện mạo của Ông Tú đổi thay rất nhiều so với trước. Nếu như trước đấy chỉ có lác đác vài nhà lợp mái phi brô xi măng, thì nay phần lớn nhà ở của bà con được lợp bằng tôn lạnh rất kiên cố chắc chắn.

Chị Hồ Thị Man phấn khởi nói: “Có điện xem ti vi, mình thấy người dưới xuôi nuôi lợn bán nhiều tiền mình thích lắm. Mình cũng phải học tập và làm theo để có tiền nuôi con ăn học”. Hiện bản Ông Tú có 21 hộ, với 106 nhân khẩu. Đời sống của bà con chủ yếu là làm nương làm rẫy để trồng ngô, trồng sắn và sản xuất lúa. Đồng thời người dân cũng tích cực khoanh vùng, làm chuồng trại để chăn nuôi trâu, bò, lợn gà để tăng thêm thu nhập, phục vụ đời sống hàng ngày.

Ấn tượng nhất đối với mọi người khi lên bản Ông Tú là công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Bản đã có hương ước, người dân cùng nhau đoàn kết bảo vệ hàng chục ha rừng tự nhiên; đầu tư trồng hàng chục ha keo lai phủ xanh đất trống đồi trọc. Bản Ông Tú hiện đã có chi bộ với 6 đảng viên, có chi đoàn thanh niên và Ban công tác Mật trận, tất cả tạo nên khối đại đoàn kết trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Cuộc sống đổi thay hàng ngày nhưng người dân bản Ông Tú vẫn không quên truyền cho nhau nghe đời này sang đời khác chuyện chọn đất dựng bản của tổ tiên ngày trước. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, người dân bản Ông Tú vốn không phải là người Khùa hay người Mày mà là một bộ phận người Lào do chiến tranh đã chạy loạn sang đây để lánh nạn.

Có điện, đời sống người dân được nâng cao hơn.
Có điện, đời sống người dân được nâng cao hơn.

Lúc đó vùng đất nơi đây hãy còn hoang vu, chưa hình thành bản, mà chỉ lác đác vài hộ người Mày sinh sống. Thấy thế họ xuôi ghềnh, vượt thác về tận Đồng Lào của đất Tuyên Hóa để lập làng dựng bản. Sau đó họ lại chuyển đến vùng đất Hóa Phúc ngày nay để an cư lạc nghiệp, nhưng cuộc sống khó khăn họ lại trở về nơi dừng chân đầu tiên để lập bản Ông Tú và định canh định cư từ đó đến nay.

Đến bản Ông Tú không thể không nhắc đến một cán bộ đã gắn bó đời mình với bản làng, với người dân nơi đây. Đó là già làng Hồ Nhâm, một cán bộ nghỉ hưu năm nay đã 82 tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn cùng trai bản đi thả lưới đánh bắt cá cải thiện đời sống. Trời phú cho ông sức khỏe và đôi mắt sáng, đặc biệt là sự kiên trì nhẫn nại, một lòng đi theo Đảng để phục vụ cách mạng, bảo vệ bà con dân bản.

Ông đã từng gần 30 năm làm Bí thư Đảng bộ xã Dân Hóa (sau này được chia tách để thành lập thêm xã Trọng Hóa-N.V). Trong thời gian công tác này, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành cầu nối giữa bà con dân bản với Đảng, Nhà nước. Tiếp chúng tôi với bát nước chè đặc sánh, ông kể: “Thời miềng làm cán bộ, mỗi lần về dưới xuôi họp phải đi bộ hàng ngày trời. Như về Đồng Hới cũng phải mất ba ngày hai đêm, về Quy Đạt nhanh nhất cũng phải mất một ngày đường. Mãi đến năm 1990, tỉnh mới cấp cho một chiếc xe đạp SK để làm phương tiện đi lại. Vất vả thế nhưng miềng rất vui vì Đảng giao trách nhiệm, bà con tin tưởng mà”.

Chia tay bản Ông Tú khi mặt trời đã gác núi, tiếng gà gáy chiều vọng mãi vượt trùng điệp núi rừng về hướng đông. Như nhắn nhủ: Ông Tú đang cựa mình, bà con dân bản một lòng theo Đảng, tích cực học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ để dựng xây đất nước.

                                                                                 Trần Minh - Lê Phương




 

,
.
.
.