Khí thế ThángTám ở vùng quê anh hùng

Cập nhật lúc 08:33, Thứ Sáu, 17/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã Võ Ninh (Quảng Ninh) ở phía nam cầu Quán Hàu, một vùng quê đã có biết bao đổi thay. Võ Ninh có thế đứng vững chắc, phía đông dựa lưng vào dãy cát trắng, phía tây nhìn về dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cánh đồng lúa nước đủ quanh năm, cây cối xanh tươi, không khí mát mẻ trong lành.

Người dân Võ Ninh luôn tự hào về quê hương vốn được xem là mảnh đất địa linh nhân kiệt trong bát danh hương. Niềm tự hào ấy tiếp nối truyền thống qua nhiều thế hệ. Đồng lầy Võ Xá từng nổi tiếng trong chống giặc ngoại xâm "Nhất Lũy Thầy, nhì đồng lầy Võ Xá". Nơi đây gần huyện lỵ Quán Hàu và cách thành phố Đồng Hới không xa. Về thành phố có thể đi bằng đường bộ, đường sông và đường tàu hỏa...

Năm 1945, để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, Tỉnh bộ Việt Minh đã tổ chức cuộc họp quan trọng tại nhà nhóm thôn Trung để phổ biến kế hoạch tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Thực hiện chỉ thị của cấp trên, đội du kích tập trung được thành lập. Ủy ban giải phóng Võ Xá ra đời. Trong làng có 8 thôn, đâu đâu cũng sôi sục không khí chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Những lớp huấn luyện quân sự cấp tốc cho toàn huyện và cả tỉnh được tổ chức, vũ khí tự tạo rèn đao, rèn kiếm và cả việc bố trí tìm mua để trang bị. Lương thực, thực phẩm được dân đóng góp chuẩn bị. Quần chúng rầm rộ tham gia. Ngày 23-8-1945, một cuộc cách mạng long trời, lở đất đã xuất phát từ Võ Xá về cướp chính quyền huyện lỵ và kéo về cướp chính quyền ở thị xã Đồng Hới.

Chính quyền vừa thành lập chưa được bao lâu, ngày 23-7-1947, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đồng Hới Quảng Bình. Sau khi chiếm thị xã Đồng Hới, thực dân Pháp tiến đánh lên huyện Quảng Ninh. Lực lượng vũ trang toàn huyện vừa chiến đấu, vừa rút lui để bảo đảm an toàn lực lượng và bảo vệ an toàn cho nhân dân tản cư kháng chiến.

Lực lượng vũ trang Võ Xá được sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường bám trụ, rào làng chiến đấu, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Thanh niên tham gia du kích chiến đấu bảo vệ quê hương, một số tình nguyện bổ sung vào bộ đội và chi viện cho miền Nam chống giặc Pháp. Nhiều người con quê hương đã nằm lại ở miền Nam, trong đó có anh hùng liệt sĩ Trương Văn Ly.

Đường về Thôn Trung, Võ Ninh.  Ảnh: Văn Minh
Đường về Thôn Trung, Võ Ninh. Ảnh: Văn Minh

Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù Võ Ninh bị địch chiếm đóng, nhưng lòng dân vẫn một lòng hướng về cách mạng. Đêm đêm nhân dân dẫn đường cho bộ đội, cán bộ về hoạt động, đánh đồn địch, diệt tề trừ gian, ban ngày nhiều gia đình đã dùng hầm bí mật bảo vệ cán bộ, vận động nhân dân mua thuốc men, lương thực, thực phẩm gửi lên chiến khu nuôi bộ đội đánh giặc.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Võ Ninh vừa bắt tay xây dựng lại quê hương, vừa làm nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Bị thua đau ở miền Nam, giặc Mỹ dùng máy bay bắn phá miền Bắc hòng ngăn chặn con đường chi viện cho miền Nam. Võ Ninh trở thành một địa bàn trọng điểm, nơi có đường quốc lộ đi qua, có bến phà Quán Hàu, có cầu Dinh Thủy, bến đò Trúc Ly ngày đêm máy bay Mỹ ném bom bắn phá ác liệt. Tuổi trẻ Võ Ninh lại ba lô lên đường đánh Mỹ, ở nhà còn người già và phụ nữ vừa sản xuất, vừa chiến đấu.

Từ một làng quê êm ả, Võ Ninh đã bị tàn phá hoàn toàn. Đình làng nơi hội quân khởi nghĩa, nhà nhóm thôn Trung nơi tập trung Bộ chỉ huy khởi nghĩa bị Mỹ đánh tan. Trường học, bệnh xá đều bị đánh sập. Sinh hoạt đã hoàn toàn chuyển sang thời chiến dưới những căn hầm chữ A, nhân dân dời làng ra sống ven đồi cát để bảo đảm đất sản xuất và phục vụ chiến đấu.

Bà con nhớ mãi trận máy bay Mỹ đánh xuống khe Dinh Thủy vào dịp đông xuân 1968. Đường hỏng, lầy lội, 100 xe vận tải chở hàng bị tắc phải sơ tán vào trong các lùm cây. Đảng bộ và nhân dân Võ Ninh hơn lúc nào hết phải nhanh chóng thông xe bảo đảm an toàn hàng hóa. Đường cần vật liệu chống lầy, không ai chần chừ do dự đã cùng nhau tháo nhà lấy gỗ lát đường. Hơn 35 ngôi nhà được tháo dỡ, sau hai đêm với hơn 1.000 người làm việc đã thông xe an toàn. Khẩu hiệu:

"Xe chưa qua, nhà không tiếc

Đường chưa thông, không tiếc máu xương" đã ra đời từ đó và sau này đã thành khẩu hiệu hành động bảo đảm giao thông vận tải của tỉnh ta.

Để thay thế nam giới ra trận, một đội nữ du kích trực chiến đã thành lập do Phạm Thị Phú làm trung đội trưởng và Lê Thị Lương làm chính trị viên. Đơn vị có 3 khẩu đội do Phạm Thị Mai, Lê Thị Nồng, Lê Thị Nguyệt phụ trách thường trực chiến đấu ròng rã trong những năm đánh Mỹ. Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, trung đội nữ dân quân Võ Ninh đã lập công xuất sắc. Ngày 27-4-1965, chị em đã bắn rơi một máy bay F105 "thần sấm" Mỹ. Đây là chiến công đầu có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Lần đầu tiên, dân quân Võ Ninh đã độc lập chiến đấu, bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh. Chiến công này góp phần khích lệ cả tỉnh, tạo niềm tin và dấy lên phong trào thi đua bắn rơi, bắn cháy máy bay Mỹ, góp phần cùng quân dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 100.

Chiến công nối tiếp chiến công, ngày 29-7-1965, cùng với dân quân Lương Ninh, tự vệ Quán Hàu, du kích Võ Ninh lại lập công bắn cháy một chiếc F105. Đến 31-12-1965, một máy bay AD5 bị các tay súng nữ du kích vít đầu xuống mặt đất. Kỷ niệm khó quên nhất là tết năm 1967, chiếc máy bay HO50A bay thấp trinh sát đã bị du kích bắn rơi ngay loạt đầu. Ngày 10-11-1967, đội nữ du kích lại lập công bắn cháy một máy bay F4A, bắt sống phi công Mỹ.

Võ Ninh ghi danh chiến công anh dũng của chiến sĩ Trường Quỳnh, gương anh hùng hy sinh của Nguyễn Xảo lái ca nô lướt nhanh trên sông kích cho thủy lôi nổ giải phóng đường cho phà chở các cháu học sinh Quảng Trị ra sơ tán an toàn. Quê hương Võ Ninh có bao gia đình lớp cha đi trước, lớp con sau ra trận, có nhiều gia đình 3-4 người con ra đi chiến đấu không bao giờ trở về.

Chiến tranh kết thúc trong khúc khải hoàn ca chiến thắng. Toàn xã có tới hàng trăm liệt sĩ, hàng trăm thương binh; 12 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; có hai Anh hùng lực lượng vũ trang. Xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang hai lần.

Trở lại thăm quê hương Võ Ninh vào những ngày mùa thu nắng đẹp. Đường thôn bây giờ đã bê tông, có cổng làng uy nghi, cầu Dinh Thủy giờ đây đã xây cao, xung quanh ngói mới nhà xây, một trường phổ thông trung học được xây dựng khang trang. Cầu Quán Hàu nối hai bờ sông Nhật Lệ. Nhà nhóm thôn Trung đã được xây lại và trở thành nhà truyền thống, được công nhận di tích lịch sử quốc gia. Trường học, trạm xá được xây dựng rộng rãi trên nền đất đình làng năm xưa. Chợ Võ Xá đã được quy hoạch trở thành trung tâm giao dịch của khu vực. Võ Ninh năm xưa và hôm nay đang trong không khí tháng 8, Đảng bộ và nhân dân thi đua thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội theo nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và của địa phương.

Võ Ninh đất hẹp, người đông, nhưng đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu cây trồng hợp lý, lịch thời vụ phù hợp, thực hiện dồn điền đổi thửa, mạnh dạn đầu tư thâm canh, đưa lại hiệu quả cao. Chăn nuôi, trồng cây phân tán trên cát là thế mạnh của Võ Ninh. Toàn xã có 85,16 ha nuôi trồng thủy sản; có 114 cơ sở tiểu thủ công nghiệp với 200 lao động. Thương mại, dịch vụ vận tải ngày càng phát triển. Các công trình trường mẫu giáo Võ Ninh, trường mầm non thôn Trúc Ly, nhà văn hóa do dân đóng góp chiếm 80%. Một số công trình khác ước tính 500 triệu đồng cũng được thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. 7/7 thôn đăng ký làng văn hóa cấp huyện, ngành giáo dục có bước khởi sắc về chất lượng dạy và học, duy trì sĩ số đến trường 100%, quan tâm bồi dưỡng học sinh giỏi, có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh đặc biệt khó khăn. Hàng năm số học sinh thi đỗ đại học và cao đẳng khá cao, nhiều em đạt giải cấp tỉnh, cấp huyện.

Trạm y tế xã duy trì hoạt động khám chữa bệnh phục vụ nhân dân, công tác an ninh, quốc phòng ổn định. Công tác quản lý, điều hành chính quyền cơ sở ngày càng đi vào nền nếp. Hai trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Thôn Thượng được công nhận 10 năm đơn vị văn hóa tiêu biểu của tỉnh.

Công tác xây dựng Đảng luôn được chú ý, 5 năm liên tục giữ vững danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, củng cố niềm tin cho nhân dân yên tâm sản xuất và xây dựng quê hương.

Vài nét nêu trên để khái quát sự đi lên vững chắc của Đảng bộ và nhân dân xã Võ Ninh. Âm vang hào hùng của Cách mạng Tháng Tám 1945 mãi mãi là nguồn sức mạnh để Võ Ninh ngày càng vững bước đi lên.

                                                                              Phạm Xuân Lục

,
.
.
.