Kiện tướng phá bom nổ chậm

Cập nhật lúc 07:55, Thứ Ba, 21/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Có những người anh hùng mà tên tuổi của họ đã gắn liền với những tuyến đường huyền thoại. Họ là những tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một trong những người con ưu tú ấy là kiện tướng phá bom nổ chậm-liệt sỹ Trần Đức Hè.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Phù Hóa, từ nhỏ Trần Đức Hè đã tích cực  tham gia hoạt động ở địa phương, anh được kết nạp vào Đoàn lúc 16 tuổi. Năm 1965, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng theo tiếng gọi của Đảng, anh lên đường vào lực lượng TNXP đợt đầu tiên.

Tuyến đường 12A, nơi C759 của Trần Đức Hè bảo đảm mạch máu giao thông, là con đường độc đạo, nổi tiếng ác liệt nhất lúc bấy giờ. Đơn vị của anh phụ trách thông đường từ La Trọng đến Bãi Dinh dài 12 km, là "túi bom" của máy bay Mỹ. Trong tiếng gầm rú kinh người của các loại "Thần sấm", "Con ma", tiếng nổ chát chúa và khói lửa mù trời, nhiều loại bom trút xuống, phải tỉnh táo căng "mắt thần" để phân biệt được bom nổ chậm.

Vừa làm trinh sát, Trần Đức Hè vừa chịu khó học hỏi bộ đội công binh cách phá bom, dần dần anh đã phá được nhiều quả bom nổ chậm. Ngày 15-9-1965, máy bay địch thả hơn 50 quả bom nổ chậm xuống tuyến đường do đơn vị quản lý, nhiều quả nằm ngay trên mặt đường. Một mình anh đã lăn 2 quả bom tạ xuống suối cho nó tự nổ và làm cho 5 quả khác trở thành "bom câm".

Trần Đức Hè đang chuẩn bị phá bom nổ chậm.  (Ảnh tư liệu).
Trần Đức Hè đang chuẩn bị phá bom nổ chậm. (Ảnh tư liệu).

Trận bom ngày 22-6-1966 của không quân Mỹ ở khu vực YLeng với cường độ cao đã gây nhiều tổn thất về xe và hàng. Ngoài ra, chúng còn để lại hàng trăm quả bom nổ chậm, gây nhiều khó khăn. Cấp cứu thương binh xong, Trần Đức Hè cùng đội cảm tử xông ra mặt đường. Các anh nhanh chóng lăn 10 quả bom xuống vực, dùng bộc phá kích nổ nhiều quả không ảnh hưởng đến mặt đường, tạo điều kiện cho đơn vị nhanh chóng thông xe.

Những cựu TNXP của C759 vẫn còn nhớ như in trận oanh kích ngày 3-7-1966 ở cây số 21, nay gọi là "Đồi 37". Máy bay địch đã liên tục ném bom nhiều ngày trước nên đến sáng 3-7, loạt bom đã làm nửa quả đồi ụp xuống. Đơn vị thương vong quá nhiều, bản thân Trần Đức Hè cũng bị thương. Đồng đội bảo lùi về tuyến sau, anh nói: "Vết thương của tôi không thấm gì so với các đồng chí đã hy sinh và bị vùi lấp, tôi không nỡ lòng nào đi điều trị".

Mặc dù vết thương đã sưng tấy nhưng anh Hè vẫn lao đi đào bới, góp phần cứu sống chị Sâm, anh Hòa. Cùng quá trình phấn đấu và nhiều hành động dũng cảm, sau trận bom ấy Trần Đức Hè đã được kết nạp vào Đảng tại mặt trận Đường 12A, khi anh vừa tròn 19 tuổi. Lúc bấy giờ, cùng với Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Trần Đức Hè là tấm gương sáng cho toàn Binh trạm học tập, noi theo.

Năm 1967, đơn vị 759 được điều về tuyến đường Ba Trại, thuộc Đội 119. Đây là con đường có tính sáng tạo, "đi tắt" nối phà Gianh với các tuyến miền Tây để chuyển hàng vào Nam, ở đây đêm nào cũng pháo sáng trắng trời, bom rơi không ngớt. Trần Đức Hè phụ trách trinh sát, phá bom ở đường Ba Trại và làm luôn khu vực Nam phà Gianh, ở đâu có bom nổ chậm là đồng chí có mặt. Ngày 12-2-1968, máy bay địch tập trung đánh phá ở Km3, đường hỏng gần một cây số.

Đặc biệt, chúng đã thả xuống đây rất nhiều bom nổ chậm, có 13 quả nằm trên đường. Đội cảm tử được thành lập gồm 11 đồng chí, có 6 đảng viên và 5 cảm tình Đảng do Trần Đức Hè làm đội trưởng.

Bước qua ngổn ngang đất đá và mảnh bom, anh nhanh chóng gài bộc phá, một lúc phá được 4 quả nằm sát đường. Các chiến sỹ đánh lần thứ 2, phá thêm 6 quả nữa, chỉ còn 3 quả nằm ở vị trí xung yếu. Qua hội ý, tổ quyết định chỉ đánh 1 quả để kích nổ 2 quả còn lại. Nhưng cả 3 quả đều chui xuống đất, phải đào để cài bộc phá. Để hạn chế thương vong cho đồng đội, anh  nhận làm một mình. Đào mãi mới đến đít bom, thấy anh đã mệt nên C trưởng cử thêm đồng chí Niệm đến tiếp sức.

Sau khi đã ép bộc phá vào bom, các anh cẩn thận nện đất chặt và châm lửa dây cháy chậm. Vừa quay người chạy vài bước về hầm thì bom đã phát nổ, 2 quả khác cũng nổ theo. Trong ánh chớp lạnh lùng, thân thể hai đồng đội đã hòa vào đất đá của con đường Ba Trại đầy máu lửa. Đường đã thông nhưng cả đơn vị không ai cầm được nước mắt, xót thương đồng đội ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Người Kiện tướng phá được 36 quả bom nổ chậm và lăn hàng trăm quả khác xuống vực để thông đường đã nằm lại Ba Trại để nâng bánh cho nhiều chuyến xe qua.

Đứa con trai duy nhất của mẹ Trần Thị Loan ở Phù Hóa đã mãi mãi không về. Ngày ngày mẹ vẫn ngóng trông, nhìn về Ba Trại, nơi có những đồi thông và ngày đêm lửa cháy... Ghi nhận sự cống hiến và thành tích đặc biệt xuất sắc của Trần Đức Hè, Nhà nước đã truy tặng anh Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Hai.

Theo đề nghị của Hội cựu TNXP Quảng Bình và các cấp các ngành liên quan, Chủ tịch nước đã có quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sỹ Trần Đức Hè. Dẫu muộn nhưng thật xứng đáng, bởi 45 năm qua, anh đã là người anh hùng trong lòng đồng đội.

                                                                        Xuân Vui
                                                           (Đồng Sơn, Đồng Hới)






 

,
.
.
.