Những người miền Nam trên “đất lửa” Quảng Bình:

Kỳ 2: " Nuôi đất, canh làng" trên đất lửa

Cập nhật lúc 16:22, Thứ Hai, 13/06/2011 (GMT+7)

* Kỳ 1: Những người “khai sinh“ tên đất, tên làng

Vừa lập được tên làng, các thành viên của Nông trường Lệ Ninh lại dốc sức vào việc tập trung phát triển kinh tế, xây dựng Nông trường ngày một trù phú... Ấy vậy mà thời kỳ thăng hoa kéo dài chưa được bao lâu, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc, buộc đơn vị này phải chuyển sang hướng “vừa sản xuất vừa chiến đấu”. Chiến công “nuôi đất, canh làng” của những người miền Nam trên đất Quảng Bình ngày một dày lên trong từng trang sử... 

Vào những năm 1960, toàn Nông trường Lệ Ninh đã thu hút hơn 1.000 thanh niên nam, nữ, đến từ 27 tỉnh thành miền Nam. Chỉ với những cây cuốc, cây rìu, tất cả con em miền Nam nơi đây cùng với một số ít cư dân địa phương đã san hạ lau lách, chặt cây, bẫy đá khai hoang... Vượt lên trên sự khô cằn của đất đã, khó khăn của hoàn cảnh, họ đã trồng được gần 1.300 ha cây cao su. Ngoài ra, để lấy ngắn nuôi dài, những con người này đã khai hoang thêm hàng trăm ha đưa vào trồng lúa nước, ngô, lạc, đậu xanh, phát triển nuôi bò đàn và lợn...

Bắt đầu từ năm 1964, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá. Quảng Bình trở thành tuyến lửa, trong đó điểm ác liệt nhất lại là Lệ Ninh. Bởi Lệ Ninh vừa là nơi tập trung quân lương, bộ đội để trực tiếp chuyển vào miền Nam, vừa là nơi xây dựng nông trường XHCN, Lệ Ninh có Binh trạm 16 của Bộ đội Trường Sơn, đồng thời là nơi có ngã ba Dân Chủ trên đường 10 qua nước bạn Lào, có công trình Đại thủy nông Cẩm Ly với dung tích khoảng 41 triệu m3 nước… Đó là những yếu tố để máy bay B52 của địch chà đi xát lại vùng đất này. Địch đánh ban ngày, các đoàn viên lại sản xuất ban đêm. Với ý chí thống nhất nước nhà, nỗi trăn trở với quê hương miền Nam ruột thịt, những con người miền Nam ở Nông trường Lệ Ninh luôn sẵn sàng với tinh thần “Nhà tan cửa nát cũng ừ. Quyết thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau”.

"Thế hệ thứ 3" tại thị trấn Lệ Ninh

 Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, những người miền Nam ở Nông trường Lệ Ninh vẫn kiên cường bám đất bám làng. Họ bám lấy vườn cây, đồng ruộng, xưởng máy, đàn gia súc để sản xuất đồng thời phát động phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Tiếng hát át tiếng bom, tiếng loa hòa tiếng súng”, “Tất cả cho sản xuất”, “Quay như chong chóng, phóng như vệ tinh”... Ngày ngày họ ra đồng, lên nương, đến công xưởng làm việc, đêm đêm lại đến lớp học bổ túc văn hóa, sinh hoạt văn nghệ - thể thao, chính nhờ đó mà ngày một xuất hiện nhiều tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa, chiến sỹ thi đua. Những tấn lương thực lần lượt lại được chuyển vào miền Nam theo các đoàn quân ra trận. Trong những năm đánh Mỹ, Lệ Ninh là nơi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Chính phủ. Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp…đã từng vào thăm và động viên anh chị em bền gan vững chí chiến đấu, lao động sản xuất.

Ông Phạm Đình Khương, người vinh dự vừa nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng hào sảng kể về những tháng năm "vừa chiến đấu, vừa sản xuất" trên vùng đất Lệ Ninh: “Tui (tôi - PV) quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, sau nhiều năm quần nhau với giặc, bị thương và được đưa ra Bắc năm 1954. Tháng 7 - 1958, tui được điều động về Lệ Ninh cùng nhiều đồng chí thương binh miền Nam khác khai hoang, lập địa bàn, làm hậu cứ chuẩn bị chờ lệnh của cấp trên vào Nam chiến đấu.

Những năm tháng sống ở đây, tinh thần thi đua lao động sản xuất, chiến đấu giữa các tập đoàn “bất diệt” lắm. Ra khai hoang ở vùng Cồn Xiếc, ruộng lầy, cỏ rậm, nhiều lau lách... anh em vẫn hăng hái. Tôi còn nhớ câu chuyện hồi xây dựng sân vận động. Liên đoàn phát động thi đua, nhiều tập đoàn ban đêm trốn ra làm trộm để tăng khối lượng, cái thời sao mà nhiệt tình, vô tư, dễ thương đến thế! Rồi chuyện các anh thương binh còn một cánh tay vẫn hăng hái làm việc, ngày cuốc đất, đêm đốt lửa chặt cây khai hoang, tui từng phụ trách tập đoàn sản xuất Ba Tơ, gồm 25 đồng chí thương binh người miền Nam...”.

 

Đường làng ngõ xóm ở thị trấn Lệ Ninh
Đường làng ngõ xóm ở thị trấn Lệ Ninh

 Ông Khương kể thêm: “Chiến tranh khốc liệt, tui và bà xã cưới nhau trong hoàn cảnh nực cười lắm. Hồi đó, chúng tôi hầu như không có đủ thời gian để “lo” chuyện riêng tư, cũng may anh em đồng đội “mai mối” cho một cô gái... người miền Nam tập kết ra Bắc và sắp sửa đến khai hoang ở vùng Lệ Ninh này. Trước lúc cưới, tui chưa hề biết mặt bà xã ngang dọc như răng, nhưng khi nghe nói đó là một cô gái từng là cán bộ tiền khởi nghĩa, quê ở tận Quảng Ngãi, bị mất một cánh tay, rứa là tui “ưng” liền. Làm quen qua những bức thư một vài năm thì chúng tôi mới gặp mặt và cưới nhau ngay tại thị trấn này. Có riêng chi tui mô, nhiều anh em miền Nam ra mảnh đất nông trường này cũng cưới vợ trong những hoàn cảnh nực cười lắm, chiến tranh mà...”.

Suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, toàn Nông trường Lệ Ninh đã trực tiếp cùng với bộ đội chiến đấu hơn 200 trận, bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống 2 giặc lái, bốc xếp hàng chục ngàn tấn hàng hóa trong gần 7.000 ngày công huy động cho các kho hàng quốc phòng của tuyến 559 ở các binh trạm 16, tổng kho L830... Ngoài ra, những người dân Nông trường Lệ Ninh còn tham gia chôn cất hàng trăm liệt sỹ, vận chuyển thương binh trong gần 1.000 ngày công, góp phần vào chiến công đánh Mỹ và thắng Mỹ, góp phần làm nên danh hiệu Anh hùng LLVTNN của các đơn vị: Binh trạm 16, Sư đoàn 324, 325, 304 và bộ đội 559 cũng như các địa phương Sơn Thủy, Phú Thủy, Ngân Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy).

Kết thúc chiến tranh, có gần 200 cán bộ, đoàn viên của Lệ Ninh hy sinh anh dũng; 320 người để lại một phần cơ thể trên mảnh đất này. Nhiều tư liệu đã ghi lại về mảnh đất Nông trường Lệ Ninh trong những năm tháng chống Mỹ một cách tỉ mỉ: “Trên mảnh đất nông trường phải hứng chịu 32 nghìn tấn bom đạn, 17 đơn vị sản xuất của nông trường bị san phẳng, trên 13 vạn cây cao su, 1.000 gốc tiêu bị bom đạn thiêu hủy, 1.800 con lợn, 800 con bò, 80 vạn con cá bị giết...”. Cũng trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều tấm gương tiêu biểu đã xuất hiện trên mảnh đất Nông trường Lệ Ninh, nhiều tấm gương sản xuất, chiến đấu giỏi như chị Trần Thị Đoài (công nhân đội Phú Cường), bác Nguyễn Văn Nại (công nhân chăn nuôi đội 4)... Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Hồ (công nhân đội 5) người nhặt từng quả bom bi trên đồng ruộng để bảo đảm an toàn cho sản xuất; chị Nguyễn Thị Minh (y tá đội 4) đã lên thẳng trận địa tiếp đạn, tải thương, cổ vũ cho chiến sỹ cao xạ đội 3, tiểu đoàn 9 Quảng Bình bắn rơi máy bay Mỹ. “Tôi chưa có gia đình, con cái, rủi có hy sinh thì chỉ thiệt một mình”- câu nói của chị Hồ còn vang mãi cho tới ngày nay trên mảnh đất Nông Trường Lệ Ninh...

                                                                                          Văn Minh

                                                              Kỳ cuối: Lệ Ninh: tình đất, tình người

,
.
.
.