Cơm bồi món ăn độc đáo của người Minh Hóa

Cập nhật lúc 13:27, Thứ Hai, 30/05/2011 (GMT+7)

Thi nấu bồi ở xã Trung Hóa (Minh Hóa)
Thi nấu bồi ở xã Trung Hóa (Minh Hóa)

     Người Nguồn ở huyện Minh Hóa thuộc dân tộc Kinh, sinh sống chủ yếu ở các xã Hồng Hóa, Yên Hóa, Xuân Hóa, Minh Hóa, Tân Hóa, Trung Hóa, Hóa phúc, thị trấn Quy Đạt, Quy Hóa, Hóa Thanh, Hóa Hóa Sơn, Hóa Hợp, Thượng Hóa, Hóa Tiến. Kiểu ăn cơm bồi đã trở thành tập quán, là văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Nguồn.

 


Nguồn gốc của người Nguồn, theo nhà nghiên cứu Đinh Thanh Dự có cội nguồn là cư dân nguyên thủy. Họ sống bên cạnh dân tộc Chứt. Sách, Mày, Rục nên có sự giao thoa trong ngôn ngữ, và cả bản sắc văn hóa. Món cơm bồi được duy trì trong cuộc sống hàng ngày của người Nguồn ở Minh Hóa.


Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là ngô hạt(sậu), lúa (thóoc) và có thêm cả sắn gạo.Dụng cụ để chế biến cơm bồi  có cối giã, chày giã, mẹt sảy, dần sàng, nồi sân, chõ đồ. Ngô hạt được ngâm vào nước sôi khoảng 2-3 tiếng đồng hồ rồi vớt ra cho ráo, bỏ vào cối giã, giần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra , bỏ vào nghè hông(chõ đồ). Đổ nước vào nồi nân, lấy lá chuối khô vấn quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa đồ trong khoảng một tiếng đồng hồ là cơm bồi chín, đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành miếng cơm bồi để mang đi xa ăn.

Còn nếu ăn ngay thì đổ ra rá. Đối với món cơm bồi được làm từ gạo thì cũng đưa lúa đi xay bỏ hết trấu, sau đó vo gạo với nước nóng, để ráo, giã giần lấy bột, rồi thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra bỏ vào chõ đồ. Nếu có thêm sắn củ thì đưa sắn tươi đào về rửa sạch,bóc vỏ sắn, ép sắn, ép bớt nước, trộn với bột ngô, bột gạo, nhồi kỹ, đánh tơi, làm như làm với bột ngô sau đó cho vào chõ đồ chín thành món bồi. Với người Nguồn ngày hai bữa chính phải chế biến món bồi ngô là phải hai lần đâm ngô, giã lúa lấy gạo hay mài sắn để chế biến thành món cơm cho gia đình. Công việc khá vất vả này chỉ giành cho các chị em phụ nữ, những trụ cột của gia đình.

Cho nên người Nguồn có câu thơ :
Trời mưa dác chẵn queng hồi
Eng khôông lễ cấy, ai tâm pồi cho eng ăn
(Dịch: Trời mưa nước chảy quanh hồi
Anh không lấy vợ ai đâm bồi cho anh ăn).


    Món bồi được người Nguồn dùng ăn với món ốc đực  bắt ở suối và cà lào ở rừng, khoai lang nấu canh đã trở thành món ăn và tập quán ẩm thực đặc sắc của người Nguồn Minh Hóa. Nó là sản phẩm văn hóa do người lao động sáng tạo ra. Trong lễ hồi rằm tháng ba ở Minh Hóa được tổ chức hàng năm, món cơm bồi được đưa vào cuộc thi như một hình thức trình diễn dân gian giữa các làng, tạo ra không khí vui tươi của nhân dân, bảo tồn được bản sắc văn hóa của tộc người.

Món cơm bồi còn được bày bán ở chợ và được xem như một món ăn đặc sản cho du khách từ nơi xa đến dự lễ:
        Trôông mau cho tếng mùa pồi
Nhớ con ốôc tực tang ngồi trên vân
    (Dịch: Trông mau cho đến mùa bồi
Nhớ con ốc đực đang ngồi trên mâm).
Hay: Mặt trời gác tá các tôộng ngồi
Ti nô cúng nhớ cơm pồi, thâu lang.
(Dịch: Mặt trời đã gác đông rồi
Đi đâu cũng nhớ cơm bồi, rau khoai lang.)


Món cơm bồi ở Minh Hóa là sản phẩm của văn hóa ẩm thực của người Nguồn được duy trì từ bao đời nay. Thiết nghĩ đây cũng là loại hình di sản văn hóa phi vật thể thuộc tri thức dân gian, mục văn hóa ẩm thực cần được đưa vào kiểm kê để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

                                                                                 Trần Thị Diệu Hồng

,
.
.
.