Những người miền Nam trên “đất lửa” Quảng Bình:

Kỳ 1: Những người "khai sinh" tên đất, tên làng

Cập nhật lúc 08:03, Thứ Hai, 13/06/2011 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30 /4/1975 - 30/4/2011), chúng tôi đã có dịp tìm đến thị trấn Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy để cùng những người con miền Nam từng có công lao rất lớn trong việc khai hoang phục hóa, vượt qua mưa bom bão đạn san núi lập làng, làm nên một “biểu tượng” của quê hương ‘Hai giỏi”. Chiến tranh đã đi qua 36 năm. Bây giờ, người mất người còn, nhưng vẫn còn đó những nhân chứng sống. Họ - Những tấm gương bất khuất  đã trọn 51 năm gắn bó với mảnh đất hào hùng này...

Trước năm 1954, một vùng đồi núi hoang vu, khô cằn sỏi đá nằm ở phía Tây huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bỗng trở mình “thức giấc” và sau đó không lâu được mang một cái tên: Nông trường Lệ Ninh. Có được cái tên mang trọn niềm kiêu hãnh ấy không thể không nhắc đến những người con đất Việt mang gốc gác miền Nam...

 Biết chúng tôi có ý định muốn tìm hiểu về những người có gốc gác miền Nam có công lao rất lớn trong việc khai hoang phục hóa, khai sinh nên vùng đất Nông trường Lệ Ninh trên “đất lửa” Quảng Bình, anh Nguyễn Đình Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Lệ Ninh đã giới thiệu đến gặp nhiều “nhân chứng sống” người miền Nam, từng 51 gắn bó với mảnh đất này.

 

Nghĩa trang liệt sỹ tại thị trấn Lệ Ninh
Nghĩa trang liệt sỹ tại thị trấn Lệ Ninh

 

Người đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là ông Phạm Đình Khương (quê ở Bình Sơn - Quảng Ngãi). Ông Khương năm nay đã ngoài 80 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng và đã từng 50 năm sinh sống tại vùng đất này. Tiếp đến là ông Nguyễn Đình Khoa, 71 tuổi (quê ở Quảng Trạch – Quảng Bình), một nhân chứng đáng tin cậy bởi ông đã từng 15 năm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Công ty cao su Lệ Ninh. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp các ông Hiếu (quê Phú Yên), ông Cương (quê ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định)...cũng là những người đã trải qua hơn nửa thập kỷ gắn bó với mảnh đất do chính họ lập nên.

Khi được biết ý định của chúng tôi là muốn tìm hiểu về lịch sử của vùng đất thị trấn Nông trường Lệ Ninh cũng như những người miền Nam từng có một thời sinh sống tại mảnh đất này, tất cả những người nói trên đều hào hứng kể lại những khoảnh khắc mình nhớ được về môt quảng đời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào ấy. Để tăng tính thuyết phục, các ông còn đưa ra một cuốn sách trong đó có những bài viết của những nhà báo có uy tín, những người từng một thời là giám đốc, bí thư Đảng ủy của Công ty Cao su Lệ Ninh (trước đây còn có tên gọi Nông trường Lệ Ninh)...

Theo lời kể của những “nhân chứng sống” nói trên và dựa trên tư liệu những dòng lịch sử, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần chi viện cho miền Nam ruột thịt, năm 1958, rất nhiều anh em, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, từ các trại an dưỡng, trại thương binh, cán bộ, bộ đội phục viên đã tập trung về vùng núi của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) để thành lập nên các tập đoàn sản xuất.

Cùng thời điểm nói trên, Ban Thống nhất Trung ương đã cử đồng chí Phan Đình Lang, người quê ở huyện Quế Sơn (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) cùng một số đồng chí khác vào vùng đất này để khảo sát nhằm tiếp tục đưa thêm người về đây “tìm đất lập nghiệp”. Nhờ công lao khảo sát của ông Lang, ngày 15-2-1958, Ban Thống nhất Trung ương có quyết định thành lập bộ khung Liên đoàn sản xuất miền Nam tại Lệ Ninh và cử đồng chí Phan Đình Lang làm thủ trưởng của đơn vị.

 

Phóng viên Báo Quảng Bình trò chuyện với những người có gốc Miền Nam
Phóng viên Báo Quảng Bình trò chuyện với những người có gốc Miền Nam

 

Mãi đến cuối năm 1958, đã có 36 tập đoàn sản xuất lần lượt hình thành (bình quân mỗi tập đoàn có từ 15 đến 20 người) ngay tại vùng đất nói trên, bao gồm các tập đoàn: Trị Thiên, Thừa Thiên, Bình Minh, Ba Tơ, Sao Mai, Tiền Phong... Cũng vào dịp cuối năm 1958, do một số tập đoàn có tư tưởng cục bộ địa phương nên Liên đoàn này quyết định gộp 4 - 5 tập đoàn lại thành một khung sản xuất miền Nam. Một thời gian sau, do đã có một số cơ sở vật chất khá vững vàng, căn cứ vào tình hình đó, Chính phủ quyết định cho Liên đoàn Sản xuất miền Nam lấy tên là Nông trường Lệ Ninh vào ngày 24-12-1960. Điều đặc biệt, trong số các tập đoàn này, có tới 95 % là người miền Nam và rất nhiều người trong số đó là thương binh.

Từ một vùng đồi núi hoang vu, chỉ trong vòng chưa tới 10 năm khai hoang phục hóa, những tập đoàn sản xuất (chủ yếu là những người miền Nam) đã “khai sinh” nên tên đất: Nông trường Lệ Ninh ngay trên vùng “đất lửa” Quảng Bình. Nhiều người đến nay vẫn còn nhớ như in về những ngày đầu đặt chân tới vùng đất này. Đó là lúc ra đi, mỗi người chỉ mang theo một ba lô chứa một ít đồ dùng cá nhân và 150 đồng do Trung ương cấp để chi tiêu trong vòng 6 tháng, thời gian còn lại phải tự lực được.

Ngày đặt chân đến vùng đất này, mọi người chỉ thấy rừng thiêng nước độc, nhiều am miếu, cả một vùng chỉ lác đác vài ba căn nhà, đêm nằm thường nghe tiếng thú dữ... buồn nhớ quê nhà da diết. Khó khăn là vậy, nhưng tất cả đều cùng chung một ý nghĩ: mỗi người phải làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì sự thống nhất của nước nhà, chỉ sau 6 tháng, từ một vùng đất cằn cổi, hoang vu đã trở nên tràn đầy sức sống...

                                                                                              Văn Minh

                                                                 Kỳ 2: "Nuôi đất, canh làng" trên đất lửa

,
.
.
.