.

Bức tranh nhà công vụ giáo viên

Thứ Tư, 30/08/2017, 08:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện toàn ngành Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình có hơn 20 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên trực tiếp quản lý và giảng dạy tại 619 trường, cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Trong đó có nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn, nhu cầu về nơi ăn chốn ở cho các thầy cô giáo luôn là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, một thực tế nan giải đã kéo dài nhiều năm nay, đó là vấn đề nhà công vụ cho giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều giáo viên vẫn chưa thể “an cư lạc nghiệp” khi năm học mới đang đến rất gần...

Thực trạng nhà công vụ giáo viên

Theo số liệu thống kê từ Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Bình, toàn ngành hiện có 1.389 phòng ở nhà công vụ tại các đơn vị và đã bố trí cho 1.872 cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên ở lại phục vụ công tác giảng dạy tại các đơn vị trường học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 3.000 GV (trong đó, nữ GV trên 2.000 người) có nhu cầu nhà ở công vụ; số công chức, viên chức, lao động ngành Giáo dục phải tự thuê nhà ở là gần 1.000 người (trong đó hơn một nửa là  GV nữ).

Thầy Võ Hải Quân, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Bố Trạch trao đổi: Bố Trạch là một trong những đơn vị khó khăn nhất về nhà ở công vụ cho GV nhất là các xã miền núi; giải quyết nhà ở công vụ cho GV đang là vấn đề nan giải, khi 100% trường mầm non chưa có nhà công vụ, trong khi đó lượng GV trẻ từ đồng bằng lên khá nhiều và 100% GV đều có nhu cầu ở nội trú. Còn ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn các xã Tân, Thượng,  Phúc, Lâm, Xuân, Sơn, Hưng, Liên Trạch... cũng có một số phòng nội trú nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, luôn là nỗi lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về. Riêng ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Thượng Trạch, có 6 phòng được đầu tư xây dựng kiên cố, tuy không rộng nhưng cũng giải quyết được chỗ ở cho 3-4 người/phòng. Ngoài số rất ít giáo viên được ở nhà công vụ thì hầu hết GV khi lên với các trường miền núi Bố Trạch đều phải thuê hoặc xin ở nhờ nhà dân...

Từ huyện miền núi Tuyên Hóa, thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ: Đứng chân trên địa bàn xã Phong Hóa, một vùng quê thuần nông, thường xuyên bị ngập lụt, trường có gần 1.000 học sinh, với 24 lớp và 63 cán bộ, GV (trong đó có hơn 2/3 cán bộ, GV có nhu cầu ở nội trú). Hiện, trường có một khu nhà nội trú GV nằm trong khuôn viên trường học, với 20 phòng cấp 4 được xây dựng từ những năm 1992-1993 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp trầm trọng, dột nát và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (mỗi phòng ở từ 2-3 người). Vừa qua, Sở GD-ĐT có chủ trương di dời nhà công vụ GV ra khỏi khuôn viên trường học, chính quyền địa phương đã ưu tiên cấp đất nơi cao ráo cho nhà trường, nhưng đến nay vẫn chưa xin được kinh phí để xây dựng. Vì vậy, toàn bộ GV của trường vẫn phải cố thủ trong những căn phòng tạm bợ “nắng thì chói chang, mưa thì thấm dột” và lo lắng thắt lòng mỗi khi mưa lũ về...

 Một góc khu nhà công vụ giáo viên đã xuống cấp trầm trọng của Trường THPT Lương Thế Vinh (thị xã Ba Đồn).
Một góc khu nhà công vụ giáo viên đã xuống cấp trầm trọng của Trường THPT Lương Thế Vinh (thị xã Ba Đồn).

Không chỉ ở địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng miền núi khó khăn mà ngay tại trung tâm thị xã Ba Đồn, tình trạng nhà công vụ GV cũng không khá hơn là mấy. Được chứng kiến tận mắt, trò chuyện với các thầy cô giáo mới thấu tỏ những khó khăn, vất vả và cả những nỗi niềm của các nhà giáo “trồng người” nơi phố thị.

Trao đổi cùng thầy Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh được biết: Nhà công vụ của trường được xây dựng từ năm 1976, gồm 2 dãy nhà cấp 4, có 10 phòng, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn trường hiện có 102 cán bộ, GV và trong số đó 25 người có nhu cầu ở nhà công vụ. Nhà trường đã bố trí cho 12 cán bộ, GV, nhân viên được ở nhà công vụ; còn lại 13 người phải thuê nhà ở. Đa phần GV ở nhà công vụ đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều GV trẻ mới lập gia đình, con nhỏ, thu nhập thấp; nhiều GV không được bố trí ở nhà công vụ phải thuê nhà ở ngoài với giá tiền thuê cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống của GV. Trong quá trình sử dụng, mặc dù đã được nhà trường, Công đoàn hỗ trợ, cá nhân GV tự đầu tư sửa chữa nhiều lần, tuy nhiên do thời gian và tác động của thiên nhiên hiện nay nhà công vụ GV của Trường THPT Lương Thế Vinh đã xuống cấp nghiêm trọng: tường vôi bị bong tróc, ngói bị vỡ gây dột khi trời mưa, hệ thống đòn tay, rui, mèn xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ. Năm 2013, trong con bão số 10, một số phòng ở của nhà nội trú bị sập, tốc mái, nhà trường và Công đoàn đã tổ chức tu sửa, khắc phục để GV tiếp tục có chỗ ở. Trong các ngày mưa, bão GV ở trong khu tập thể phải sơ tán vào trường hoặc nhà dân xung quanh, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác.

Cô giáo Lê Thị Hồng Lam, GV dạy môn Công nghệ, có chồng là bộ đội công tác tại Khánh Hòa, gia đình chồng và bố mẹ đều ở Đồng Hới. Hiện nay, cô Lam sống cùng 2 con nhỏ (một cháu 7 tuổi và một cháu mới lên 4 tuổi), cô đã gắn bó với khu nội trú này từ khi ra trường đến nay.

“Tôi ở nội trú của trường hơn 10 năm nay. Nhiều năm qua, khu nội trú xuống cấp trầm trọng, ba mẹ con phải mua ni lông, giấy về dán tường và chống dột khi mùa mưa tới. Khi mưa bão cả gia đình phải ra ngoài xin ở nhờ nhà dân vì sợ bị sập. Tôi cũng như các giáo viên ở đây rất mong muốn có nhà nội trú mới để yên tâm công tác...” - cô giáo Lam chia sẻ.

“Thời gian qua, nhà trường và Công đoàn Trường THPT Lương Thế Vinh  đã kêu gọi nhiều nơi... nhưng vì điều kiện trường đóng ở trung tâm thị xã nên nguồn vốn kêu gọi rất khó khăn. Mùa mưa bão đang đến gần, chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện, bố trí nguồn vốn xây mới khu nội trú, để GV có chỗ ở an toàn, yên tâm cống hiến sức mình cho giáo dục...” - thầy Trần Thanh Hải tâm sự.

Có những gam màu sáng...

Khu nhà công vụ được xây dựng kiên cố vừa được khánh thành đưa vào sử dụng của Trường tiểu học số 1 Hưng Trạch (Bố Trạch).
Khu nhà công vụ được xây dựng kiên cố vừa được khánh thành đưa vào sử dụng của Trường tiểu học số 1 Hưng Trạch (Bố Trạch).

Trước thực trạng về nhà công vụ GV trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian qua, Sở GD-ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Bình đã kêu gọi sự hỗ trợ, sẻ chia của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa nhà công vụ GV... Nhờ những nỗ lực, cố gắng đó đã có gần 2.000 cán bộ, GV, nhân viên được ở nhà công vụ, ổn định cuộc sống, yên tâm giảng dạy.

Đặc biệt, trong năm học 2016-2017, được sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ngành GD-ĐT Hà Nội, các địa phương trong tỉnh... đã tiếp tục khởi công xây dựng 3 nhà công vụ GV cho 3 trường học ở những địa bàn khó khăn nhất. Đó là các nhà công vụ GV Trường tiểu học số 1 Hưng Trạch (Bố Trạch), có tổng đầu tư 900 triệu đồng, với 6 phòng ở; nhà công vụ giáo viên Trường tiểu học Trường Sơn tại bản Sắt, xã Trường Sơn (Quảng Ninh), có tổng mức đầu tư 700 triệu đồng, với 3 phòng ở kiên cố; và gần đây nhất đã khởi công xây dựng nhà công vụ GV trên địa bàn xã Quảng Thạch (Quảng Trạch), có tổng vốn đầu tư 541 triệu đồng, xây dựng quy mô 3 phòng ở kiên cố, 2 nhà vệ sinh chung có thể bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cần thiết cho GV cả 3 bậc học (mầm non, tiểu học, THCS).

Trước thềm năm học mới 2017-2018, nhà công vụ GV Trường tiểu học số 1 Hưng Trạch được khánh thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng không chỉ của cán bộ, GV, nhân viên trong trường mà còn cả các trường phụ cận khi năm học mới đã cận kề. Thầy giáo Nguyễn Hữu Thỉnh đã có 6 năm gắn bó với ngôi trường này bày tỏ: “Vậy là năm học mới này và cả về sau nữa chúng tôi không còn phải lo lắng sẽ ở đâu mỗi khi năm học tới; không còn cảnh lấy thau hứng nước mưa và cũng sẽ không còn cảnh tay xách, nách mang chạy bão, chạy lụt... Ai cũng phấn khởi vui mừng và chúng tôi hứa sẽ cùng nhau đoàn kết, không ngừng phấn đấu thi đua dạy tốt - học tốt để không phụ tấm  lòng quan tâm và tình cảm của toàn thể cán bộ, GV ngành GD-ĐT Hà Nội đã dành cho chúng tôi có được mái ấm như hôm nay”.

Ông Nguyễn Tất Thiện, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Quảng Bình cho biết: Để góp phần giảm bớt những khó khăn về nơi ăn chốn ở cho cán bộ, giáo viên, Sở và Công đoàn ngành đã và đang kêu gọi mọi nguồn lực xã hội hóa nhà công vụ giáo viên. Trong đó, chủ yếu kêu gọi sự hỗ trợ từ Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh... Vào năm học mới 2017-2018 này, ngành đang đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng thêm một số nhà công vụ giáo viên ở những đơn vị khó khăn nhất của tỉnh, để giúp đoàn viên, người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm thực hiện sứ mệnh “trồng người”.

Nội Hà