.
Nhân "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2015:

Nỗ lực "Xây dựng xã hội học tập"

Thứ Năm, 08/10/2015, 09:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Quyết định 281/QĐ-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả thiết thực.

Với vai trò nòng cốt trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT), Hội Khuyến học Quảng Bình đã không ngừng khuyến khích, hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường cũng như hoạt động khuyến học ngoài nhà trường. Hội đã làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, góp ý với ngành Giáo dục - Đào tạo về các chủ trương, chính sách, biện pháp để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện gắn kết giáo dục nhà trường với gia đình và xã hội; vận động nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp... nhằm từng bước hình thành XHHT. Bên cạnh đó, Hội phát huy mạnh mẽ vai trò liên kết, phối hợp hoạt động giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, đưa phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu và chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng xã hội học tập.

Xác định xây dựng XHHT vừa là yêu cầu cấp bách vừa là chiến lược lâu dài, nên Ban chỉ đạo xây dựng XHHT của tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn để thực hiện. Và để xây dựng được XHHT, mọi cá nhân đều có trách nhiệm học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Đồng thời các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng và gia đình có trách nhiệm học tập và tạo điều kiện để mọi người được học tập suốt đời; các cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ)... phải xây dựng mô hình học tập phù hợp, để mỗi cá nhân tự chọn cho mình một hình thức học tập: tự học, học từ xa....

Các em học sinh quyên góp sách xây dựng thư viện trường học vùng khó khăn nhân “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2015 tại huyện Minh Hóa.
Các em học sinh quyên góp sách xây dựng thư viện trường học vùng khó khăn nhân “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2015 tại huyện Minh Hóa.

Trên thực tế thời gian qua cho thấy gia đình, dòng họ, cộng đồng đóng vai trò quyết định trong xây dựng XHHT, đây là một trong những nhân tố cơ bản hình thành XHHT. Vì vậy Hội Khuyến học các cấp đã đẩy mạnh thực hiện hàng năm và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có 125.346 gia đình đăng ký trở thành gia đình hiếu học (tăng 2.495 gia đình so với năm 2014); 1.358 dòng họ đăng ký dòng họ hiếu học (tăng 37 dòng họ); 181 cộng đồng đăng ký phấn đấu trở thành cộng đồng khuyến học (tăng 19 cộng đồng).

Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của các trung tâm HTCĐ - một thiết chế giáo dục và là cơ sở của mô hình xây dựng XHHT của Việt Nam, nên sau hội thảo “Hội Khuyến học Việt Nam góp phần duy trì, củng cố Trung tâm học tập cộng đồng hướng tới xã hội học tập” do Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tại tỉnh ta vào cuối tháng 11-2014, các trung tâm HTCĐ, câu lạc bộ HTCĐ của tỉnh ta đã có nhiều đổi mới, nỗ lực cố gắng liên kết, lồng ghép các nội dung trong hoạt động của các các tổ chức, dự án để tổ chức các lớp học, tập huấn với nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã mở được 1.296 lớp, thu hút 60.330 lượt người tham gia học các chuyên đề chuyển giao công nghệ, học nghề, học bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ, thời sự, chính sách pháp luật...  

Đặc biệt, vừa qua tỉnh ta đã triển khai thí điểm mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” giai đoạn 2014-2015”, bước đầu đã mang lại hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thủy được tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo; đồng thời các huyện, thị xã còn lại cũng đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện tại địa phương mình.

Đến nay đã có 8/8 huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thí điểm và các kiến nghị, góp ý kiến về tiêu chí đánh giá công nhận các mô hình và tổ chức bình xét công nhận “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” tiêu biểu. Tham gia thực hiện mô hình này, toàn tỉnh có tổng số 50.360 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”, 327 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”, 383 cộng đồng đăng ký “Cộng đồng học tập” và 80 đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập”. Và đã có 37.762 gia đình đạt gia đình học tập, chiếm 74% số gia đình đăng ký; 212 dòng họ đạt dòng họ học tập, chiếm 55% dòng họ đăng ký; 200 cộng đồng đạt cộng đồng học tập, chiếm 60% cộng đồng đăng ký; đơn vị học tập có 80 đơn vị, đạt tỷ lệ 100%.

Qua cuộc vận động “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” đã và đang làm cho giáo dục nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn với giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, tạo được sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục và phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong các cơ sở giáo dục...

Bà Phạm Thị Bích Lựa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Để xây dựng XHHT, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người về mục đích, ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức; phối hợp, hỗ trợ ngành Giáo dục - Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong nhà trường, mở rộng nhiều hình thức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân; phát triển nhiều hình thức giám sát, phản biện, tư vấn về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tích cực huy động nguồn lực xã hội để tăng thêm các suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh tàn tật, mồ côi không nơi nương tựa, học sinh dân tộc thiểu số...; vận động các gia đình của cán bộ, hội viên, đoàn viên phấn đấu trở thành “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, góp sức xây dựng “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”; củng cố, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, câu lạc bộ học tập cộng đồng trở thành trường học cho người lớn có chất lượng, đạt hiệu quả thiết thực.

Nội Hà