.

Phát triển nguồn nhân lực: Nhiều giải pháp nhằm tạo sự đột phá

Thứ Sáu, 24/04/2015, 10:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những đột phá quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua huyện Bố Trạch chú trọng triển khai thực hiện đề án này, đưa nguồn nhân lực của huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Sau khi Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được ban hành, UBND huyện Bố Trạch đã ban hành Đề án phát triển nguồn nhân lực của huyện giai đoạn 2010 - 2015, đồng thời gắn việc thực hiện đề án với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi ban hành, đề án đã được triển khai sâu rộng và nhận được sự đồng thuận của các địa phương, đơn vị. Việc triển khai thực hiện đề án đã làm cho cơ cấu nhân lực của huyện có nhiều thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng (năm 2010 là 15,48%, năm 2015 là 15,96%) và lĩnh vực dịch vụ (năm 2010 là 19,24%, năm 2015 là 19,95%) ; giảm dần trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản (năm 2010 là 65,28%, năm 2015 còn 64,09%).

Thực hiện các chương trình và kế hoạch của UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về chấn chỉnh công tác đào tạo sau đại học, huyện Bố Trạch đã có văn bản gửi các phòng, ban, đơn vị, địa phương đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, tổng hợp và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015. Nhờ đó, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được nâng cao; từng bước tiêu chuẩn hóa bậc, ngạch theo quy định của Nhà nước, bảo đảm cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Về công tác tiếp nhận, tuyển dụng công chức, viên chức, thực hiện chính sách thu hút nhân tài tỉnh Quảng Bình giai đoạn  2012-2015, chính sách tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ, huyện Bố Trạch đã đăng ký thu hút nhân tài 6 chỉ tiêu, đăng ký tuyển chọn lao động 27 chỉ tiêu, đăng ký tuyển sinh viên giỏi và thạc sĩ 37 chỉ tiêu. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận công chức, viên chức được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy định. Các trường hợp được tuyển dụng, hợp đồng lao động được bố trí công tác ở các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát huy được chuyên môn, nghiệp vụ của mình trong từng vị trí công tác; góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của huyện ngày càng vững mạnh.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thời gian qua có nhiều bước tiến đáng kể. Chính sách về học nghề, dạy nghề nói chung và chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề bước đầu thực hiện trên địa bàn đã tạo thuận lợi cho nhiều lao động nông thôn học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến nay, tỷ lệ người lao động qua đào tạo của huyện đạt 34,37%; tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 23,65%; bình quân trong 5 năm đã tạo việc làm mới cho 3.600-3.700 người/năm; giảm số người trong độ tuổi lao động không có việc làm xuống 4,3%. Lĩnh vực giáo dục-đào tạo và y tế được quan tâm đầu tư phát triển cả về cơ sở hạ tầng lẫn chất lượng.

Để đề án tiếp tục phát huy hiệu quả, huyện Bố Trạch đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là lứa tuổi thành niên, học sinh về định hướng nghề nghiệp; tiếp tục rà soát nguồn nhân lực hiện có để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu xã hội; quan tâm, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức được cử đi học tập hoặc cán bộ giỏi được tiếp nhận, thu hút về địa phương công tác; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề...

Với những mục tiêu và giải pháp thiết thực, tin tưởng rằng Đề án phát triển nguồn nhân lực của huyện Bố Trạch chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá, tạo sự thay đổi tích cực cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực trên đại bàn huyện.

Th.H