.

Sự học ở bản "bốn không"

Thứ Sáu, 10/04/2015, 14:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm lọt thỏm trong bốn bề rừng núi thâm u, mây mù giăng trắng xóa, bản Sắt  ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được xem là bản "bốn không": không điện, không đường, không nước sạch, không nhà vệ sinh.

Để đến với bản Sắt phải vượt con đường xa xôi hơn 1 giờ đồng hồ, đi bộ qua những con đường dốc cao ngoằn ngoèo trơn trượt. Buổi sáng sớm những cơn mưa phùn và sương mù phủ dày đặc đến mức người đi sau nhiều khi không nhìn thấy người đi trước mình dù chỉ cách nhau chưa đến 10 mét. Vậy mà nhiều năm qua, bao thầy cô giáo vẫn vượt qua con đường khó khăn ấy đến gieo chữ cho những học trò mình.

Những lớp học ghép ở bản Sắt.
Những lớp học ghép ở bản Sắt.

Thầy Lê Công Toản, giáo viên có thâm niên hơn 10 năm cắm bản, cho biết ngày mới lên trường không có một chiếc bàn học, giáo viên cũng phải cầm búa, cầm đinh đóng từng chiếc bàn chiếc ghế cho học trò từ những tấm ván của bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều đưa đến. “May mắn là đồng bào ở đây nhận thức được việc cho con em mình học để biết cái chữ nên thầy cô cũng gặp thuận lợi. Sỹ số học sinh luôn ổn định không có trường hợp các em nghỉ học ở nhà làm nương làm rẫy giúp cha mẹ”- thầy Toản cho hay.

Điểm trường tại bản Sắt chỉ có 3 phòng với 26 học sinh chia làm 4 lớp ghép. Học sinh theo học ở đây tất cả các em đều là người dân tộc Bru Vân Kiều. Trong 3 phòng có một phòng là nơi ở và sinh hoạt của hai thầy giáo, một phòng học mượn tạm phòng văn hóa bản để các em học sinh học. Những hôm bản có việc cần họp hành, thầy trò phải ngồi bệt xuống đất dưới sân trường để học. Phòng học được làm hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp bằng tôn. Vào mùa mưa, thầy trò phải kéo bàn ghế thay đổi chỗ liên tục để tránh nước dột.

Việc dạy chữ của các thầy cô nơi đây cũng gặp muôn vàn khó khăn vì học sinh học tiểu học không hề qua học các lớp mầm non. Vừa nhận vào lớp 1 các thầy, cô phải gánh thêm việc dạy tiếng Kinh để các em có thể tiếp cận với kiến thức phổ thông. Việc truyền tải kiến thức cũng phải bắt đầu từ những chữ cái, con số đầu tiên vì các em không có cơ hội được biết mặt chữ, số đếm- những kiến thức từ trường mẫu giáo. Thầy cô cũng kiêm luôn công việc dạy học thể dục, tạo sân chơi cho học sinh trong những giờ ra chơi.

Những người thầy đêm đêm phải đội đèn pin soạn giáo án để kịp tiết dạy sáng mai.
Những người thầy đêm đêm phải đội đèn pin soạn giáo án để kịp tiết dạy sáng mai.

Bản Sắt là một trong năm bản của xã Trường Sơn chưa có lưới điện. Vì vậy sự học ở đây khó khăn gấp bộn phần. Thầy cô ở đây luôn phải linh hoạt thay đổi giờ giấc học tập để các em không bị ảnh hưởng từ việc không có điện. Lớp học được bố trí xây dựng ở khu đất cao ráo, ít cây cối để có nhiều ánh sáng. Cửa sổ được thiết kế làm bằng cửa kính. Mùa đông trời nhanh tối nên các thầy phải linh hoạt cho các em học sớm rồi nghỉ sớm để bảo đảm việc học tập của các em.

Thành lập từ năm 2001 nhưng đến nay điểm trường tiểu học xã Trường Sơn tại bản Sắt vẫn chưa có công trình vệ sinh cho giáo viên, nhà nội trú của giáo viên ở lại cắm bản cắm lớp thiếu thốn đủ thứ. Nước sinh hoạt cho giáo viên và dân bản dẫn từ nước suối về bể nước. Vào mùa hạn hán, suối ít nước thì thầy cô, học trò, dân bản lại chịu cảnh thiếu thốn nước sạch. Đêm đêm, các thầy phải đội đèn pin trên đầu soạn từng trang giáo án, chấm điểm từng bài kiểm tra cho học trò. “Có nhiều đêm bài vở nhiều ngồi một lúc với chiếc đèn pin trên đầu là vùng trán mình lại đau nhức, lúc đó phải cởi đèn ra, đi lại một lúc rồi lại phải vào tiếp tục công việc.”

Thầy Nguyễn Đức Lành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trường Sơn cho biết: “Điểm trường tiểu học đóng tại bản Sắt là một trong những điểm trường khó khăn nhất trong 8 điểm trường tiểu học của xã Trường Sơn. Tuy  gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy vẫn cắm bản, cắm lớp truyền dạy kiến thức cho các em học sinh. Nhà trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên giải quyết những khó khăn trên nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thể giải quyết những mong muốn cấp thiết của các giáo viên, học sinh.”

Hà Thế An
(Thôn Vĩnh Tuy 2, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh)