.
Chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Tuyên Hoá (1965-2015):

Tiếp tục phát huy truyền thống nửa thế kỷ qua, năng động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả sự nghiệp "trồng người"

Thứ Sáu, 24/04/2015, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây tròn nửa thế kỷ, vào tháng 8 năm 1965, Trường trung học phổ thông Tuyên Hóa, tiền thân là Trường cấp 3 Tuyên Hóa được thành lập theo quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của nền giáo dục tỉnh nhà. Trong 50 năm qua, các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường luôn nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn cả ở thời chiến, thời bình và thời kỳ đổi mới để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “dạy tốt- học tốt”, đóng góp to lớn vào sự nghiệp “trồng người” vẻ vang, cao quý.

Truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường gắn liền với trang sử hào hùng của quê hương, đất nước. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, Trường cấp 3 Tuyên Hóa đã vừa giảng dạy, học tập vừa sản xuất, chiến đấu, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học và đã đem lại kết quả thiết thực. Có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh là tấm gương sáng cho bao thế hệ noi theo.

Từ bàn tay không, thầy trò đã xây dựng nên trường lớp, lán trại, hệ thống hầm hào vừa là nơi học tập, nơi trú ẩn vừa là chiến hào trận địa bắn máy bay Mỹ. Trong thời gian này nhà trường không chỉ thực hiện nhiệm vụ cơ bản là dạy học mà còn tham gia, phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Ra đời trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, được nuôi dưỡng từ mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và hiếu học; được thử thách trong những năm thiếu thốn vất vả của thời kỳ bao cấp, cùng với cả nước phấn khởi bước vào công cuộc đổi mới, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế do Đảng ta lãnh đạo, trường đã trưởng thành về mọi mặt. Từ khóa học đầu tiên, trường  chỉ có 4 lớp, 158 học sinh và 14 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đến nay, trường đã phát triển lên quy mô 24 lớp với gần 1000 học sinh, 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên với một cơ ngơi khang trang, bề thế với khá đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng nhu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

 Đồng chí Lê Nam Giang, Thường vụ huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện, trao các danh hiệu thi đua cho các giáo viên của nhà trường.
Đồng chí Lê Nam Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, Tuyên Hóa trao các danh hiệu thi đua cho giáo viên của nhà trường.

Trải qua chặng đường 50 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành với bao thăng trầm, Trường trung học phổ thông Tuyên Hóa đã đạt được nhiều thành tựu  rất đáng tự hào. Trường đã đào tạo hàng vạn thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp một nguồn nhân lực có tri thức, có chất lượng cho quê hương, đất nước, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay.

Từ mái trường này, các thế hệ học sinh ra trường đã và đang cống hiến, thành đạt trên các lĩnh vực, khắp mọi miền Tổ quốc và ở nhiều nước trên thế giới, trong đó, có nhiều người là anh hùng, tướng lĩnh, tiến sỹ, giáo sư; nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, văn học, nghệ thuật, quân sự, ngoại giao, kinh doanh... Các thế hệ giáo viên của trường luôn giàu niềm tin và nghị lực, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, tích cực học tập, rèn luyện, tất cả vì học sinh thân yêu, là gương sáng cho học sinh noi theo. Nhiều thầy cô giáo được công nhận các danh hiệu Nhà giáo ưu tú, giáo viên dạy giỏi, được phụ huynh, học sinh và nhân dân tin cậy.

Kết quả đạt được trong 50 năm qua là kết tinh trí tuệ, ý chí, nghị lực, công sức của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh Trường trung học phổ thông Tuyên Hóa trong thời gian qua. Sự nỗ lực bền bỉ của thầy và trò nhà trường liên tục nhiều năm đã được ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng. Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 47 bằng khen và 52 cờ các loại.

Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu và thách thức mới đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước ta khẳng định: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 cũng đã xác định: “Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chú trọng chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn. Đẩy mạnh xã hội hóa để tiếp tục tăng trưởng cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên”.

Để thực hiện tốt sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”, cùng với sự góp sức của toàn xã hội, tập thể cán bộ, giáo viên Trường trung học phổ thông Tuyên Hóa cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, phải đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, tập trung xây dựng để Nhà trường ngày càng phát triển, đạt chất lượng của trường tiên tiến trong tỉnh. Kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa dạy chữ và dạy nghề với dạy người. Tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển khả năng sáng tạo, tự học. Chú trọng giáo dục đạo đức, gắn giáo dục kỹ năng sống, ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm công dân, giúp học sinh từng bước hình thành nhân cách và lý tưởng sống cao đẹp, có năng lực sáng tạo và tác phong công nghiệp.

Để làm được điều đó, đòi hỏi tập thể sư phạm nhà trường phải đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản lý học sinh, phải thực sự xem đây là khâu đột phá để phát triển sự nghiệp “trồng người”, trong đó chú trọng công tác quản lý của nhà trường, tăng cường cơ chế phối hợp giữa nhà trường với địa phương. Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm định chất lượng, công khai hóa hoạt động trong nhà trường. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong dạy và học.

Hai là, nói đến giáo dục, đào tạo là nói đến vị trí đặc biệt và sứ mệnh không thể thay thế của người thầy. Vì vậy, phải quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, xem đây là khâu then chốt, là vấn đề sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của nhà trường. Trong đó, cần tập trung mọi nguồn lực để chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất chính trị tốt, có trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm giỏi.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, nhà trường cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo nhằm nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, được học sinh kính trọng, nhân dân tin yêu, thực sự là tấm gương sáng về tự học, tự rèn luyện cho học sinh noi theo.

Ba là, tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, các thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục trong thời đại mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; bồi dưỡng năng lực ứng dụng tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh. Đẩy nhanh chương trình đưa ngoại ngữ vào trường học, hỗ trợ phát triển năng lực ngoại ngữ cho cán bộ và học sinh. Bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục hướng tới chuẩn hóa, hiện đại hoá trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Hai tốt”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, các phong trào thi đua do ngành phát động. Thông qua phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn của nhà trường để góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ thầy cô giáo. Đồng thời, nhà trường cần phải có kế hoạch chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, động viên đội ngũ nhà giáo phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành, năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả sự nghiệp “trồng người”.

PGS, TS Lương Ngọc Bính

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh