.

Hiệu quả từ mô hình "Phòng học lịch sử"

Thứ Sáu, 05/12/2014, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Để giúp học sinh thêm yêu thích và có những cái nhìn mới về môn lịch sử, Trường THCS Hải Đình (TP. Đồng Hới) đã triển khai thực hiện mô hình “Phòng học lịch sử”. Qua một năm thực hiện, mô hình này đã thực sự mang lại hiệu quả trong quá trình dạy và học môn lịch sử.

Cô Nguyễn Thị Thái Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Đình cho biết, cách đây một năm, khi nhà trường tiến hành chọn học sinh để tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, các môn học khác như văn, toán, lý hay hóa đều dễ dàng chọn, nhưng riêng môn lịch sử thì lại hết sức khó khăn.

Nhà trường phải vận động phụ huynh và thuyết phục học sinh rất nhiều lần, các em mới chịu vào đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn lịch sử. “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, phải làm gì đó để kích thích các em, làm cho các em cảm thấy thích thú khi học môn lịch sử và ý tưởng xây dựng “Phòng học lịch sử” đã ra đời  như vậy”, cô Hòa chia sẻ.

Cô Hòa đã cùng với Ban giám hiệu nhà trường tiến hành triển khai xây dựng mô hình “Phòng học lịch sử” và giao trách nhiệm cho tổ ngữ văn - lịch sử thực hiện. Sau một thời gian bàn bạc, thảo luận, tìm kiếm hiện vật để phục vụ cho công tác học tập và giảng dạy, đầu năm học 2013-2014 “Phòng học lịch sử” ở Trường THCS Hải Đình đã chính thức được đưa vào hoạt động và thu được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Phần lớn các em học sinh đều tỏ ra hào hứng, tích cực học tập. Sự hiểu biết của các em về truyền thống lịch sử dân tộc và lịch sử Quảng Bình được nâng lên rõ rệt.

Các em học sinh tại Trường THCS Hải Đình chăm chú xem các hiện vật  được trưng bày tại “Phòng học lịch sử”.
Các em học sinh tại Trường THCS Hải Đình chăm chú xem các hiện vật được trưng bày tại “Phòng học lịch sử”.

Có một điều rất thú vị ở Trường THCS Hải Đình mà chúng tôi bắt gặp là rất nhiều em học sinh chọn “Phòng học lịch sử” là điểm đến sau mỗi giờ ra chơi. Tại đây, sau khi tiếng trống trường vang lên là các em nhanh chóng chạy đến “Phòng học lịch sử”. Các em chăm chú tìm hiểu những hiện vật trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, hay tranh thủ tìm hiểu về những nhà lãnh đạo qua các thời kỳ, tên tuổi các anh hùng gắn liền với lịch sử dân tộc và quê hương Quảng Bình...

Cô Trần Thị Thanh Toàn, giáo viên dạy môn lịch sử ở Trường THCS Hải Đình cho biết: “Phòng học lịch sử” là nơi chứa đựng rất nhiều thông tin, tài liệu, hình ảnh và hiện vật về con người cũng như tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, lịch sử Quảng Bình. Sau khi có “Phòng học lịch sử, các em học sinh trở nên hứng thú và yêu thích học môn lịch sử hơn.

Trước đây, khi đến tiết học sử các em chỉ việc đem sách ra học và nghe thầy cô giảng bài nhưng nay thì trong giờ ra chơi các em đã quan sát và tìm hiểu các tư liệu tại “Phòng học lịch sử” trước khi bắt đầu vào tiết học. Trong quá trình học, các em vừa nghe thầy cô giảng vừa được nhìn tận mắt các hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan sẽ tạo cho các em cảm giác hứng thú, ham học hơn và các em cũng dễ tiếp thu kiến thức hơn.

Cô Toàn dẫn một ví dụ, trong tiết học về có liên quan đến danh tướng Lý Thường Kiệt thì ngay sau đó, các em có thể biết được tất cả các tư liệu liên quan đến vị tướng này ngay trên bảng thông tin về các nhân vật lịch sử được đặt trong phòng học. “Điều này sẽ làm cho học sinh dễ học hơn và nhớ lâu hơn”, cô Toàn nói.

“Phòng học lịch sử” không chỉ tạo môi trường học tập cho học sinh mà các thầy cô giáo cũng thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng, vật dụng dạy học vì đã có sẵn trong phòng. “Đúng là từ khi có phòng học lịch sử này, lớp em hứng thú với môn này hơn. Bởi nó không còn khô cứng như cách học trước đây nữa, mà chúng em có thể nhìn thấy các hình ảnh tư liệu, hiện vật ngay trước mắt mình”, em Nguyễn Thị Minh Ánh, lớp 8.1, Trường THCS Hải Đình chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thái Hòa cho biết thêm, mô hình này bước đầu đã mang lại kết quả rất khả quan trong việc dạy và học môn lịch sử. Chất lượng giáo dục môn lịch sử đã được nâng lên rõ rệt, các em học tập hăng say hơn, tiếp thu bài có hệ thống hơn, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi.

Sau hơn một năm áp dụng mô hình “Phòng học lịch sử”, mô hình này được xem là “luồng gió mới” góp phần đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử tại Trường THCS Hải Đình. Các thầy cô giáo trong nhà trường đã ngày càng tích cực hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử, làm cho các em học sinh thêm yêu thích môn lịch sử cũng như làm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của môn học này. Thiết nghĩ, đây là một mô hình có hiệu quả thiết thực và cần được nhân rộng tại các trường học trong toàn tỉnh.

Lan Chi