.

Hào khí cách mạng trên quê hương Lệ Thủy

Thứ Bảy, 02/09/2017, 15:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể hò khoan Lệ Thủy diễn ra ngay trước thềm lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một trong chuỗi sự kiện thiết thực chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. Khắp mọi nẻo đường quê Lệ Thủy những ngày thu Tháng Tám này rực rỡ băng rôn, khẩu hiệu, hệ thống loa truyền thanh ngân nga những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới và cổ vũ tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 bất diệt. Người dân Lệ Thủy đang ra sức thi đua, đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.

Ngược dòng lịch sử, rạng sáng ngày 23-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa huyện phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay lập tức, quần chúng cách mạng của hơn 70 làng trong huyện từ 3 cánh quân, mỗi cánh có 5 đến 7 mũi vượt sông Kiến Giang bằng cầu phao rầm rập tiến về huyện đường trong tiếng trống thúc dồn, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng kèn, tù và, phèng la... tạo nên khí thế cách mạng hừng hực, áp đảo kẻ thù.

Khi trời tảng sáng, màu cờ cách mạng đã đỏ rực cả một vùng trời. Đến 7 giờ sáng, lệnh bắt các nhân viên của bộ máy thống trị được ban ra. Các chiến sỹ tự vệ chiến đấu lập tức xông vào huyện đường khống chế các lại mục, thông nhất, thông nhì, cai ngục, lính lệ... quy hàng cách mạng. Viên tri huyện cuối cùng đã phải bỏ trốn từ trước đó.

Đúng 8 giờ sáng ngày 23-8-1945, một cuộc mít tinh lớn nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện đã diễn ra ngay tại huyện lỵ. Cả rừng người hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ chính quyền mới! Ủng hộ Việt Minh! Hoan hô Việt Nam hoàn toàn độc lập! Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!”. Người người bày tỏ niềm vui khôn xiết bằng tiếng reo hò rền vang cả một góc huyện đường để chào đón ngày vui thắng lợi mong mỏi bấy lâu...

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Khoảnh khắc chiến thắng hào hùng của nhân dân Lệ Thủy trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu tháng 8-1945 đã qua đi hơn 70 năm. Dẫu vậy, những ngày này, trên khắp mọi nẻo đường quê Lệ Thủy vẫn rực rỡ băng rôn, khẩu hiệu; hệ thống loa truyền thanh ngân nga những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới và cổ vũ tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 bất diệt...

Vui cùng quê hương trong những ngày thu tháng Tám lịch sử, đồng chí Nguyễn Quang Năm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chia sẻ: Những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện của Đảng qua các thời kỳ; sự quản lý, điều hành của chính quyền và nỗ lực của toàn thể nhân dân địa phương nhằm xây dựng Lệ Thủy trở thành huyện nông thôn mới. Nét nổi bật nhất là lĩnh vực nông nghiệp của huyện đang phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị.

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội cũng đã và đang tiếp tục được đầu tư, ngày càng phát triển đồng bộ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; quốc phòng - an ninh được giữ vững và tiếp tục tăng cường, tạo môi trường ổn định cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tất cả tạo nên một thế và lực mới thúc đẩy Lệ Thủy phát triển nhanh và bền vững.

Dẫu vẫn còn đó những khó khăn, hạn hán, bão lũ vẫn là thách thức mà người dân vùng chiêm trũng Lệ Thủy chưa thể chế ngự để hạn chế mất mát. Ảnh hưởng của sự cố môi trường biển vẫn còn rất nặng nề, nhất là với người dân các xã vùng bãi ngang vốn nhiều khốn khó. Dẫu vậy, bằng sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, quê hương Lệ Thủy vẫn từng ngày đổi thịt thay da.

Có mặt tại Lệ Thủy trong những ngày mùa thu tháng Tám lịch sử này, chúng tôi cảm nhận rất rõ những đổi thay của vùng đất được mệnh danh là “vựa lúa” phía nam của tỉnh. Đời sống người dân đang từng bước được nâng cao. Ngoài Tết Nguyên đán, người dân nơi đây ăn Tết Độc lập cũng có bánh trái, cỗ bàn gồm đủ các món xôi, gà, bánh chưng, hoa thơm quả ngọt. Với người dân Lệ Thủy, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc Lập đã trở thành máu thịt. Rất nhiều gia đình trên quê hương Lệ Thủy kính cẩn thắp những nén hương thơm để bày tỏ lòng tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi về cõi vĩnh hằng...

Cùng với lễ hội đua thuyền, năm nay, Lệ Thủy có thêm một sự kiện trọng đại, hò khoan Lệ Thủy, một nét văn hóa mang đậm dấu ấn người dân xứ Lệ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ đón nhận bằng di sản quý giá này được chính quyền địa phương tổ chức trọng thể ngay tại trung tâm huyện lỵ, bên dòng Kiến Giang...

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, khắp nơi trong huyện Lệ Thủy dấy lên không khí đua sức tranh tài với các môn bóng đá, bóng chuyền, ca hát, bài chòi... Người dân Lệ Thủy đã tạm gác lại việc đồng áng, những lo toan trăn trở với cuộc mưu sinh để cùng với cả nước, cả tỉnh vui một niềm vui thật trọn vẹn trong ngày Tết Độc Lập.

Nguyễn Hoàng