.

Học sự cần cù, tiết kiệm của Bác để làm giàu

Thứ Ba, 27/06/2017, 09:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là điều mà chị Nguyễn Thị Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Đông Thành, xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy), khẳng định khi nói về hành trình vượt khó, vươn lên làm giàu của gia đình mình.

Vươn lên làm giàu

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, chưa học xong lớp 11, chị phải nghỉ học để kiếm việc làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Khi lớn lên, lập gia đình và sinh con, đời sống của gia đình chị cũng không khá hơn là mấy. Hai vợ chồng dù cố gắng làm lụng vất vả hơn một mẫu ruộng nhưng cũng chỉ đủ ăn một trong một thời gian ngắn.

Chị Tâm chia sẻ, mặc dù cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nhưng quyết không cam chịu đói nghèo, hai vợ chồng chị luôn trăn trở tìm cách làm ăn để phát triển kinh tế. Sau một thời gian tìm hiểu, nhận thấy nhu cầu xay xát và thu mua lúa gạo phục vụ nghề phụ của bà con trong thôn khá lớn, chị đã mạnh dạn bàn với chồng vay vốn để phát triển kinh tế gia đình theo hướng mới.

Được Hội Phụ nữ xã Liên Thủy xét cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư mua máy xay xát để xay thóc lúa cho bà con trong thôn. Với bản tính chịu khó, hay lam hay làm, anh chị thu mua thêm lúa của người dân trong và ngoài làng để sản xuất, cung cấp gạo cho các gia đình làm bún, bánh và buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện.

Chị xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi lợn thịt để tận dụng các sản phẩm từ công việc xay xát. Trong quá trình đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt, hai vợ chồng chị luôn tích cực thay nhau tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức để có kiến thức và kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào chăn nuôi đem lại hiệu quả cao nhất. Ban đầu mỗi lứa, chị nuôi từ 7 đến 10 con lợn thịt và 3 con lợn nái. Mỗi năm chị bán hơn 3,2 tấn lợn thịt và trên 50 con lợn giống, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được từ 40-50 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Tâm đã vượt qua đói nghèo nhờ sự cần cù, chịu khó trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Tâm đã vượt qua đói nghèo nhờ sự cần cù, chịu khó trong cuộc sống hàng ngày.

Từ những khởi đầu thuận lợi, chị mở rộng quy mô thu mua lúa gạo của bà con từ 5.000 đến 6.000 tấn lúa mỗi vụ, cung cấp gạo chủ yếu cho thị trường trong huyện. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho con cái học hành, có điều kiện phụng dưỡng bố mẹ hai bên nội ngoại, vợ chồng chị còn làm thêm 2 mẫu ruộng. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, từ một gia đình thuộc hộ nghèo đến nay gia đình chị Tâm đã trở thành hộ làm ăn kinh tế giỏi ở xã Liên Thủy.

Chị Tâm bộc bạch: “Xuất phát điểm của mình là hộ nghèo nên muốn làm ăn lớn phải biết tính toán, tiết kiệm từ những việc nhỏ và phải chịu khó, cố gắng hết sức mình. Có vậy, mình mới mong làm giàu”.

Đóng góp vì cộng đồng

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đông Thành, chị Tâm cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh làm giàu trên mảnh đất của mình là hết sức quan trọng.

Để làm được công tác này, người cán bộ phải thực sự gương mẫu, bởi Bác đã từng dạy: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, chị Tâm luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các phong trào ở địa phương, gần gũi và gắn bó mật thiết với hội viên. Trong các buổi sinh hoạt, chị vừa tuyên truyền chủ trương của hội cấp trên, vừa thăm hỏi cách làm ăn, cuộc sống của hội viên.

Hội viên Chi hội phụ nữ Đông Thành không chỉ hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, chị Tâm đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; hiến đất, hiến cây, hiến tài sản để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Chị Tâm cho biết, dù bận rộn với công việc của gia đình, nhưng với những kiến thức, kinh nghiệm bản thân đúc rút được trong quá trình sản xuất chị vẫn dành thời gian để trao đổi kinh nghiệm và sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ bà con, chị em hội viên các kỹ thuật trong chăn nuôi, làm ruộng.

Là người đi lên từ nghèo khó nên chị hiểu rõ về những khó khăn, hoàn cảnh của từng hội viên và thường xuyên giúp đỡ chị em bằng hình thức cho vay vốn không lấy lãi, hỗ trợ con giống để chăn nuôi, với số tiền hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động nữ, với thu nhập 4 triệu đồng/ tháng... Qua đó, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Có thể nói, chị Nguyễn Thị Tâm là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng.  Những thành quả đạt được hôm nay của chị Tâm thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Lan Chi