.

Phong trào "Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt" ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đổi mới bộ mặt nông thôn miền núi

Thứ Bảy, 04/03/2017, 12:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta đã có những đổi thay đáng kể. Bà con không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực của đời sống. Kinh tế và các hoạt động xã hội có những bước phát triển mới bền vững hơn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con từng bước được cải thiện. Hiệu quả của phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” chính là một trong những “đòn bẩy” đưa đến những đổi thay tích cực đó.

Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Con, người dân tộc Bru-Vân kiều ở bản Bến Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh là hộ nghèo đặc biệt khó khăn của địa phương. Không cam chịu cuộc sống cơ cực, thiếu thốn, chị Con quyết tâm tìm đường thoát nghèo.

Để có kiến thức, tạo nền tảng xây dựng kinh tế, chị luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sau đó mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách, đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Sau bao nhọc nhằn, trăn trở, đến nay, gia đình chị đã có 10 ha rừng trồng keo lai vào độ thu hoạch, 3 ha đất trồng sắn, đậu xanh, lúa rẫy và cỏ chăn nuôi.

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh.
Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh.

Bên cạnh phát triển trồng trọt, chị còn tăng cường chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, cho thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm. Với suy nghĩ, mình làm được thì hướng dẫn bà con dân bản cùng làm theo để thoát nghèo, chị đã tích cực vận động bà con dân bản không phá rừng chặt cây lấy gỗ mà nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi để có cái ăn, cái mặc, nuôi con học hành, biết cái chữ để sau này về giúp bản, làng.

Noi gương chị, phong trào chăn nuôi trâu, bò đàn đã phát triển mạnh ở nhiều bản làng của xã Trường Sơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Ngoài việc tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, chị Hồ Thị Con còn là Phó Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn. Với cương vị công tác, chị luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước; phát huy tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Vân kiều xã Trường Sơn khá hơn nhiều so với trước. Xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3-4%.

Ngoài chị Hồ Thị Con, còn có rất nhiều điển hình tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta thực hiện tốt phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” như: anh Đinh Hợp, người Ma Coong-dân tộc Bru-Vân Kiều (Thượng Trạch, Bố Trạch), anh Hồ Viên, người Mã Liềng, dân tộc Chứt (Thanh Hóa, Tuyên Hóa), anh Hồ Soa, dân tộc Vân Kiều (bản Khe Dây, Trường Xuân, Quảng Ninh), chị Phạm Thị Lâm, người Mã Liềng, dân tộc Chứt (Lâm Hóa, Tuyên Hoá)...

Họ là những người táo bạo, dám nghĩ dám làm trong việc bứt phá tìm đường làm giàu hợp pháp, luôn tích cực hoạt động vì cộng đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của làng bản, trở thành tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Có thể khẳng định, phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” đã cổ vũ, lôi cuốn, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực tự cường, lao động cần cù, sáng tạo, biết bứt phá tìm đường làm giàu.

Nét nổi bật trong phong trào là đã chuyển đổi được nhận thức, thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu từ độc canh “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất “tự cung, tự cấp” sang thâm canh tăng vụ và sản xuất hàng hóa. Đồng bào tích cực phát huy thế mạnh của địa phương, giúp nhau vốn, vật tư, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm...

Nhiều hộ gia đình đã tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, cùng với tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai vùng đồi, vùng rừng, tích cực áp dụng KHKT, đưa cây con giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất nhằm tạo ra giá trị cao trong sản phẩm hàng hóa.

Với những bước chuyển biến quan trọng, phong trào đã góp phần tăng trưởng kinh tế nông thôn miền núi, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Từ trong phong trào nhiều hộ dân ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy và Bố Trạch đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi từ 20-40 con trâu, bò, trồng và bảo vệ 30-50 ha rừng đem lai thu nhập cao. Toàn tỉnh hiện có 659 hộ làm ăn khá, giỏi (trong đó có 472 hộ đồng bào có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm, 187 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm và cũng không ít hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm)...

Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt” trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới.

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, bà con phấn khởi, hăng hái tham gia lao động sản xuất, xóa đói  giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đ.V