.
Bài dự thi viết về chủ đề "Kỷ cương và trách nhiệm":

Chữ tâm của người đứng đầu

Thứ Năm, 02/03/2017, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1987, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã rồi luân phiên giữ các chức vụ đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại địa phương. 30 năm làm cán bộ chủ chốt xã, ông nhận được sự tin tưởng từ cấp trên, bà con nhân dân và góp công đầu cho sự đổi thay của một vùng đất nghèo khó. Ông là Biền Ngân, hiện là Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch.

Đã nhiều lần liên hệ công tác, ông đều rất nhiệt tình, nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn viết về ông thì luôn bị từ chối: "Trách nhiệm thôi, Đảng tin, dân bầu thì mình làm có chi mà viết hả chú"... Hẹn mãi rồi cũng gặp, trò chuyện với ông mới thấm thía những vất vả của người cán bộ cơ sở, và càng nể phục tinh thần trách nhiệm của người cán bộ đứng đầu.

Cha đẻ của "Nghị quyết cấm rừng"

Năm 1976, ông Ngân theo học tại Trường đại học Sư phạm Vinh. Một năm sau, ông được tuyển vào Trường sĩ quan không quân đào tạo phi công và công tác ở Bộ Tư lệnh không quân. Đến năm 1983, vì điều kiện gia đình, ông xin ra quân và trở về địa phương công tác. Năm 1987, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu đến năm 1989, giữ chức Chủ tịch UBND xã.

Thời điểm đó, Quảng Lưu là một trong những địa phương nghèo khó nhất của huyện Quảng Trạch. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, người dân Quảng Lưu cùng với các xã lân cận đổ vào khai thác rừng.

Trong vòng mấy năm, những dãy đồi ở Quảng Lưu bỗng chốc, loang lổ những vết cháy đốt rừng làm nương rẫy. Rừng bị tàn phá kéo theo hạn hán, ngập úng, khiến cuộc sống của người dân Quảng Lưu vốn đã khó nay càng khó hơn.

30 năm làm cán bộ xã, ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu, luôn nhận được sự tin yêu của cán bộ và nhân dân địa phương.
30 năm làm cán bộ xã, ông Biền Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu, luôn nhận được sự tin yêu của cán bộ và nhân dân địa phương.

Trước tình trạng đó, chính quyền xã luôn đau đầu tìm giải pháp. Ông Ngân khi đó là Chủ tịch UBND xã đã tổ chức họp dân và ra quyết sách cấm cửa rừng, không cho người dân vào rừng chặt phá, làm nương rẫy. Những cán bộ, đảng viên nào vi phạm sẽ bị kỷ luật, với người dân thì vận động, tuyên truyền cho họ hiểu. "Những ngày đầu, việc cấm rừng gặp phải phản ứng quyết liệt từ người dân. Nhiều người đến tận nhà  chửi bới, dọa kiện, không bầu vào hội đồng. Ngay cả những người bà con thân quen cũng phản ứng, nhiều cán bộ xã tỏ ra mơ hồ. Khi đó áp lực lớn lắm...", ông Ngân nhớ lại.

Để vào cuộc quyết liệt, chính quyền xã cũng lập hẳn một tổ bảo vệ rừng thường xuyên túc trực, tuyên truyền cho người dân hiểu được những lợi ích lâu dài của rừng mang lại. Bản thân ông Ngân, mỗi ngày nghỉ đều theo đội bảo vệ vào rừng khảo sát, tuần tra, ngăn chặn việc chặt phá rừng. Từ năm 1991 đến 1993, hầu như tuần nào, ông Ngân cũng vào rừng động viên, tổ chức dời dân khỏi các vùng nương rẫy. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân cũng ngộ ra. Họ không vào rừng đốt rẫy, lấy củi nữa mà còn chủ động phát giác người lạ vào chặt phá rừng. 

Đến hiện tại, xã Quảng Lưu có khoảng 2.000 ha rừng dẻ tự nhiên. Mỗi năm, người dân Quảng Lưu chẳng những không phải lo về hạn hán, lũ lụt mà còn thu về tiền tỷ từ việc đi nhặt hạt dẻ. Đến bây giờ, nhiều người dân Quảng Lưu khi xưa còn là "lâm tặc" cũng không khỏi tự hào khi giữ được rừng dẻ tự nhiên như hiện tại.

30 năm làm cán bộ chủ chốt và một lần bị kiện

Với những người làm cán bộ cấp cơ sở, chuyện bị dân kiện không phải là hiếm. Thậm chí ở nhiều địa phương, lãnh đạo xã bị dân kiện bởi những chuyện "trên trời rơi xuống". Ông Ngân có 30 năm là cán bộ chủ chốt, từ Bí thư luân phiên làm Chủ tịch, giai đoạn năm 2009-2016, ông giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch theo mô hình nhất thể hóa hai chức danh (toàn tỉnh có 5 địa phương áp dụng mô hình này) và chỉ duy nhất một lần ông bị kiện.

Đến bây giờ, khi nhắc lại chuyện này, ông Ngân vẫn nhớ rõ. Đó là vào năm 1994, sau khi Luật Đất đai được áp dụng, có người họ hàng xa với ông Ngân muốn biến đất hợp tác thành đất nhà mình. Nhưng ông Ngân, khi đó là Chủ tịch xã, kiên quyết không đồng tình. Ông quan điểm, đã đứng trước luật pháp thì ai cũng giống ai. Mặc dù khi đó, chỉ cần ông đồng ý, anh em cán bộ địa chính xã vẫn có thể  "làm lơ" cho qua việc này.

Sau nhiều lần nỉ non, vận động cả trong họ tộc không thành, cuối cùng người họ hàng nọ phát đơn kiện ông Ngân với lý do thiếu trách nhiệm với dân... Đến khi lãnh đạo huyện về làm rõ "trắng đen", người này mới chấp nhận rút đơn.

Mỗi lần việc triển khai, áp dụng các chính sách, nghị quyết đi vào cuộc sống gặp phải khó khăn do đội ngũ cán bộ lơ là, chủ quan, hay do thực tiễn còn vướng mắc, ông Ngân đều đứng ra phân giải, tiếp thu và giải quyết thắc mắc cho người dân. Nhiều trường hợp phát đơn đi kiện, nhưng khi gặp ông Ngân, được ông giải thích rõ ràng, người dân đều thỏa mãn.

Với tinh thần trách nhiệm cao, mấy chục năm qua, ông Ngân luôn nhận được sự tin tưởng từ cấp trên và bà con nhân dân. Đảng bộ xã Quảng Lưu nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Quảng Lưu cũng là một trong những xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Quảng Trạch.

Cùng đi cày để hiểu dân hơn

Hơn 30 năm nay, người dân Quảng Lưu đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Bí thư Ngân đánh trần cày ruộng vào các ngày nghỉ. Ông Ngân chia sẻ: "Mình vốn xuất thân từ nông dân, đi cày là chuyện bình thường. Ngày thường làm cán bộ, nhưng ngày nghỉ làm dân, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình lại gần gũi và hiểu được tâm tư của bà con..."

Những buổi đi cày, nhiều lúc lại trở thành những buổi nói chuyện về luật pháp hay những phân xử trong đời sống giữa ông Ngân với bà con. Ông tâm sự: "Mình làm cán bộ, có điều kiện tiếp xúc với các văn bản pháp luật, hiểu rõ hơn thì truyền đạt lại với họ. Nhưng điều kiện là mình hiểu, tuân thủ, thì bà con mới tin và làm theo được...".

Chuyện ông bỏ lỡ buổi cày ruộng để nói chuyện cùng dân trong mấy chục năm qua không phải là hiếm. Chuyện làng trên, xóm dưới, việc hiếu hỉ, vợ chồng cãi nhau nhiều lúc cũng phải mời ông Ngân đến phân giải. "30 năm làm cán bộ xã, mình chẳng có gì hổ thẹn với bà con nhân dân cả", ông Ngân cười chia sẻ.

X.Phú