.

Nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động

Thứ Sáu, 10/03/2017, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong đời sống xã hội nói chung và trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nói riêng, thời gian qua, công tác tuyên truyền PBGDPL cho CNVCLĐ, nhất là CNLĐ trong các doanh nghiệp luôn được các cấp công đoàn trên địa bàn quan tâm đổi mới, thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, đem lại hiệu quả. Qua đó, góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh.

Toàn tỉnh có 4.533 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 50.000 lao động. Trong những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong CNVCLĐ.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động trong các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ công nhân lao động chưa nắm bắt, cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật còn rất lớn, điều này đã làm hạn chế đến thói quen tuân thủ, thực hiện, sử dụng quyền và nghĩa vụ pháp lý của CNLĐ, nhất là hạn chế việc tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân.

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, khủng hoảng tài chính, thiên tai, dịch bệnh; điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang còn khó khăn, tình trạng CNLĐ thiếu việc làm tại một số doanh nghiệp vẫn còn, mức thu nhập hàng tháng của một bộ phận người lao động thấp; tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị, doanh nghiệp với số tiền lớn, kéo dài đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động cũng như các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa của công nhân lao động, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn, các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn đang xẩy ra ...

Những điều đó đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, đời sống của CNVCLĐ đòi hỏi các cấp công đoàn cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục trong CNVCLĐ.

 Một buổi tuyên truyền pháp luật bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn giao thông cho công nhân viên lao động.
Một buổi tuyên truyền pháp luật bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn giao thông cho công nhân viên lao động.

Trước yêu cầu đó, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới hoạt động tuyên truyền theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, xem công tác tuyên truyền PBGDPL là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần được thực hiện thường xuyên như một giải pháp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Vì vậy, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong CNVCLĐ nói chung và CNLĐ trong các doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp nói riêng. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, chỉ đạo các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đổi mới nội dung, hình thức, hướng hoạt động tuyên truyền về với cơ sở, nhất là với CNLĐ trong các doanh nghiệp, các địa bàn khó khăn.

Các các cấp công đoàn đã lựa chọn những nội dung thực sự cần thiết, phù hợp, có liên quan trực tiếp đến người lao động để thực hiện tuyên truyền như: đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, pháp luật về ATGT...; tăng cường tổ chức hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức đối thoại, diễn đàn, tư vấn pháp luật; biên soạn tài liệu tuyên truyền có nội dung ngắn gọn, thiết thực, dễ nhớ, dễ hiểu, tiện sử dụng để cấp phát cho CNLĐ; phát huy hiệu quả từ hoạt động tuyên truyền thông qua trang báo Công đoàn, chuyên mục Lao động và Công đoàn, trang web Liên đoàn Lao động tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng; quan tâm thực hiện xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...

Ban Thường vụ LĐLĐ động tỉnh đã tăng cường phối hợp với các ngành Tư pháp, Bảo hiểm xã hội, Ban ATGT, Công an, Báo Lao động, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, các ban chuyên đề của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... để đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL cho người lao động... LĐLĐ các cấp biên soạn cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật trên các lĩnh vực; tổ chức đối thoại, tư vấn các chế độ chính sách liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, hợp đồng lao động, an toàn vệ sinh lao động; tổ chức các diễn đàn xây dựng đời sống văn hoá công nhân, qua đó tuyên truyền những hành vi pháp luật tích cực như: thói quen tuân thủ pháp luật, thói quen áp dụng pháp luật... trong CNLĐ.

Các cấp công đoàn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ; thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ. Các cấp công đoàn đã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 908 cuộc tuyên truyền trong Tháng công nhân  năm 2016, tư vấn đối thoại các chế độ chính sách, tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cho 29.707 lượt CNVCLĐ.

Bằng các hình thức tuyên truyền, trong năm 2016, các cấp công đoàn đã thực hiện 4.043 cuộc đối thoại, tư vấn, tuyên truyền phổ biến chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của tổ chức công đoàn cho 45.264 CNVCLĐ; cấp phát 11.131 bộ tài liệu tuyên truyền trên các lĩnh vực.

LĐLĐ tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện chuyên mục Lao động và Công đoàn trên sóng truyền hình Quảng Bình và trang báo Công đoàn trên Báo Quảng Bình; nội dung trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh ngày càng phong phú và nâng cao chất lượng. Trong năm 2016, LĐLĐ tỉnh, các cộng tác viên, các cấp công đoàn đã thực hiện 77 phóng sự, 13 trang báo và trên 1.000 tin, bài, ảnh phản ánh phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh.

Những kết quả đạt được của các cấp công đoàn trong thực hiện hoạt động tuyên truyền PBGDPL đã góp phần truyền tải đưa pháp luật đi vào cuộc sống, giúp CNLĐ nắm được các chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ lao động. Người sử dụng lao động nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, góp phần hạn chế việc tranh chấp lao động, từng bước cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; góp phần ổn định trật tự ATXH, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong thời gian tới, để hoạt động tuyên truyền PBGDPL trong CNVCLĐ nói chung, CNLĐ trong các doanh nghiệp nói riêng ngày càng có hiệu quả, đòi hỏi các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động của tổ chức công đoàn. Nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện tuyên truyền phải phù hợp với đối tượng, tính chất công việc của từng ngành, nghề, lĩnh vực công tác và điều kiện thực tế của từng địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

Các cấp công đoàn cần chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, nhất là các chế độ, chính sách được sửa đổi, bổ sung, mới ban hành và có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của CNVCLĐ; tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện PBPL cho người lao động và thực hiện đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn pháp luật và các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguyễn Lương Bình, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình