.

10 sự kiện Việt Nam năm 2016

Thứ Tư, 25/01/2017, 08:16 [GMT+7]

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội
Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, diễn ra từ ngày 20-28/1/2016, đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã tổng kết 30 năm đổi mới và đề ra định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Hoạt động đối ngoại sôi động và hiệu quả

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Công tác đối ngoại đã được đẩy mạnh trong năm 2016 với việc đăng cai tổ chức thành công các hội nghị cấp cao ACMECS-7, CLMV-8, WEF Mekong, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế, và triển khai thành công nhiều chuyến thăm ngoại giao song phương quan trọng…. Các hoạt động này đã khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán và quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, góp phần tiếp tục duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Thể thao Việt Nam lập kỳ tích tại Olympics và Paralympics

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho vận động viên Hoàng Xuân Vinh, Vận động viên Đội tuyển bắn súng Quốc gia đã thi đấu xuất sắc, giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và phá kỷ lục nội dung 10m bắn súng ngắn hơi nam tại Thế vận hội Olympic tổ chức tại Brazil năm 2016; Huân chương Lao động hạng Nhì cho bà Nguyễn Thị Nhung, Huấn luyện viên Đội tuyển bắn súng quốc gia; Huân chương Hữu nghị cho ông Park Chung Gun, Chuyên gia Huấn luyện Đội tuyển bắn súng quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho vận động viên Hoàng Xuân Vinh, Vận động viên Đội tuyển bắn súng Quốc gia đã thi đấu xuất sắc, giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc và phá kỷ lục nội dung 10m bắn súng ngắn hơi nam tại Thế vận hội Olympic tổ chức tại Brazil năm 2016; Huân chương Lao động hạng Nhì cho bà Nguyễn Thị Nhung, Huấn luyện viên Đội tuyển bắn súng quốc gia; Huân chương Hữu nghị cho ông Park Chung Gun, Chuyên gia Huấn luyện Đội tuyển bắn súng quốc gia.

Tại Olympics Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành HCV nội dung súng ngắn hơi 10m nam, HCB nội dung 50m súng ngắn tự chọn nam, lập kỷ lục Thế vận hội bài bắn chung kết nội dung súng ngắn hơi 10m nam với thành tích 202,5 điểm. Tại Thế vận hội mùa hè dành cho người khuyết tật Paralympics 2016, VĐV Lê Văn Công đã giành HCV đồng thời phá kỷ lục Paralympic và kỷ lục thế giới hạng cân 49 kg nam môn cử tạ. Đây là những tấm HCV đầu tiên và cũng là thành tích cao nhất của thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympics và Paralympics đã tham dự.

4. Bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây xem danh sách niêm yết cử tri.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây xem danh sách niêm yết cử tri.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức công khai, dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân. Thành công của cuộc bầu cử đã tạo tiền đề cho việc kiện toàn tổ chức, nhân sự bộ máy nhà nước, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.

5. Quyết liệt đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Năm qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ được đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã được ban hành và bắt đầu được triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

6. Vượt qua khó khăn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, bất chấp những khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố môi trường biển miền Trung và tác động bất lợi từ kinh tế thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay, môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt, khu vực kinh tế tư nhân khởi sắc, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và tổng vốn đăng ký.

7. Thêm ba di sản Việt Nam được thế giới vinh danh

"Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế", “Mộc bản trường học Phúc Giang” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 5/2016, và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2016.

8. Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành đọc lời thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung thời gian vừa qua; xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cùng các cam kết bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố môi trường và các cam kết liên quan khác, trước đại diện các bộ, ngành Trung ương và cơ quan thông tấn, báo chí, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Hà Nội, chiều 29-6-2016.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh Trần Nguyên Thành đọc lời thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung thời gian vừa qua; xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cùng các cam kết bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố môi trường và các cam kết liên quan khác, trước đại diện các bộ, ngành Trung ương và cơ quan thông tấn, báo chí, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Hà Nội, chiều 29-6-2016.

Vi phạm xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, gây hậu quả nặng nề đối với sản xuất và đời sống của người dân. Với chủ trương “Không đánh đổi môi trường lấy dự án”, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã quyết liệt vào cuộc xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân; và buộc Formosa đền bù thiệt hại.

9. Thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng

Rét đậm rét hại trên diện rộng ở miền núi phía Bắc, mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu và tác động tiêu cực của con người, đã ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất, đời sống của người dân trong năm 2016. Các cấp, các ngành và cả cộng đồng đã chung tay hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, sớm ổn định đời sống, chuyển đổi mô hình sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

10. Việt Nam đón 10 triệu lượt du khách quốc tế

Lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016, tăng 25% so với năm 2015, đạt kỷ lục cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm. Đồng thời, ngành du lịch đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu toàn ngành đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.