.

Bước tiến mới trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ Ba, 13/12/2016, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã được thể hiện rõ trong các Hiến pháp của Việt Nam; qua các nghị quyết của Đảng. Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2004, tạo hành lang pháp lý để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng như chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo, quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Nội dung của pháp lệnh đã quán triệt, thể chế hóa cơ bản những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính tương thích với luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Pháp lệnh cũng thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tôn giáo tự giải quyết theo hiến chương, điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Điều đó đã đã tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo vì lợi ích chung của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế. Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống "Tốt đời, đẹp đạo".

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, pháp lệnh bộc lộ những bất cập. Đó là: Một số quy định của pháp lệnh còn thiếu cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, như quy định về hoạt động tín ngưỡng, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo...

Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong pháp lệnh như: Vấn đề tổ chức tôn giáo ở Việt Nam gia nhập tổ chức tôn giáo quốc tế; việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm cho người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; việc người nước ngoài vào tu tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được quy định cụ thể trong pháp lệnh, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này và hoạt động của tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi rất quan trọng về chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là của “công dân” Việt Nam mà là của “mọi người”, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Hiến pháp cũng đã phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong quyết định các chính sách tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo.

Từ những căn cứ nêu trên, yêu cầu phải có một đạo luật để điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, phù hợp với Hiến pháp 2013, phù hợp với các điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác về tín ngưỡng, tôn giáo là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Việc xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các giá trị dân chủ, văn minh của loài người và chủ nghĩa xã hội được phát huy; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; góp phần thực hiện tốt chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống Đảng và Nhà nước.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016 với 9 chương, 68 điều bên cạnh các nội dung kế thừa từ các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 18-12-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, luật đã bổ sung các quy định mới nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Đó là việc mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”; bổ sung riêng một chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phản ánh rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật cũng như thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Điều chỉnh về quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo để mọi người có quyền bày tỏ niềm tin tôn giáo; thay đổi thẩm quyền giải quyết đối với một số hoạt động tôn giáo giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi hơn cho các tổ chức tôn giáo; mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài ở Việt Nam nhằm phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; mở rộng các hoạt động của tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo theo hướng phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào các  hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo.

Luật cũng phân định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, luật cũng có các quy định về trách nhiệm của công dân, của người có tín ngưỡng, tôn giáo trong thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo...

Có thể nói, việc xây dựng và ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những ưu điểm của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng được đánh giá là một bước tiến mới trong vấn đề bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập của thế giới trong tình hình hiện nay.

Hoàng Huế