.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (tiếp theo)

Thứ Sáu, 07/10/2016, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi: Việc triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện như thế nào?

- Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2012/QH13, ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; sau đó đã rút kinh nghiệm và bổ sung, sửa đổi Quy định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung chỉ đạo tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XI đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 người; kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã được thông báo công khai, được cử tri cả nước đánh giá cao, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Nhìn chung, việc lấy phiếu tín nhiệm đã thực hiện nghiêm túc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, khách quan, đúng quy định của Trung ương.

- Hỏi: Việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã được thực hiện như thế nào?

- Trả lời:

- Đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban đảng ở Trung ương đã ban hành hệ thống các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện.

Chính phủ đã ban hành quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm của đồng chí bí thư, các đồng chí trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý cán bộ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền; loại bỏ các quy định không còn phù hợp.

- Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Ban Bí thư ban hành Kết luận về đổi mới và nâng cao chất lượng điều tra dư luận xã hội, tập hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch hoặc quy chế để triển khai thực hiện các quy định, kết luận nêu trên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, nhất là những vấn đề đã được kết luận qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

- Hỏi: Việc quy định cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết kịp thời các vướng mắc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện như thế nào?

- Trả lời:

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường đi cơ sở, gặp gỡ, tiếp xúc với nhân dân, thông qua đối thoại, giải đáp kịp thời những vấn đề cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân nêu ra; đồng thời, tiếp thu những ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị xác đáng của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân đề nghị tổ chức, cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời và chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành những quy định, cơ chế, chính sách phù hợp.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh, từng bước hạn chế tác động tiêu cực của những thông tin sai trái, xuyên tạc; kiên quyết phê phán và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với những cán bộ, đảng viên nói, làm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp thực hiện chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Ủy ban kiểm tra các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét việc giải quyết các vụ việc do dư luận phản ánh, những đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc bức xúc mà dư luận quan tâm.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)