.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (tiếp theo)

Thứ Năm, 06/10/2016, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi: Nghị quyết Trung ương 4 đã mang lại hiệu quả gì trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí?

- Trả lời:

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cấp ủy, chính quyền các cấp có quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, với thành phần của Ban Chỉ đạo phù hợp hơn và lựa chọn khâu trọng tâm đột phá, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; đồng thời đã chọn một số khâu vướng mắc, việc khó, phức tạp để tập trung chỉ đạo tháo gỡ.

Ban Chấp hành Trung ương quyết định thành lập lại Ban Nội chính Trung ương để tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Công tác rà soát, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện.

- Quốc hội khóa XIII đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật quan trọng để quản lý, sử dụng, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản của Nhà nước nhằm phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra tham nhũng, lãng phí.

- Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm quản lý, sử dụng, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản của Nhà nước; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn để quản lý, kiểm soát, sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản... đồng thời phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng.

- Một số địa phương, đơn vị đã chú trọng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số cơ chế, chính sách, quy định về quản lý tài chính, mua sắm tài sản công, thực hành tiết kiệm trong cơ quan; về quản lý, sử dụng xe công, sử dụng ngân sách nhà nước đối với việc đi công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; về quản lý, sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư của Nhà nước.

Nhiều cấp ủy, bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội trực thuộc Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, đề án, chỉ thị và tổ chức thực hiện. Có cơ chế, chính sách và biện pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, phát hiện nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, chuyển nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp cho cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Hằng năm đã tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức theo quy định; quản lý, khai thác, sử dụng bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức đúng mục đích, yêu cầu.

- Hỏi: Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện như thế nào?

- Trả lời:

Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác cán bộ. Thực hiện Đề án quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và các chức danh chủ chốt của tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2015-2020; các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương thực hiện và hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2014-2016 và giai đoạn 2016-2021.

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ được phê duyệt, Bộ Chính trị đã quyết định luân chuyển 52 cán bộ từ các cơ quan trung ương về các tỉnh ủy, thành ủy; các tỉnh ủy, thành ủy đã thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ trong quy hoạch để đào tạo, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, kiện toàn nhân sự lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2010-2015 và chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị một bước cho đại hội các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và Đại hội XII của Đảng.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)