.

Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển Quảng Bình: Hướng đến mục tiêu bền vững, chuyên nghiệp và phát triển

Thứ Hai, 19/09/2016, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Thành lập ngày 5-11-2012, theo Quyết định số 2739/ QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển (HTPNPT) tỉnh Quảng Bình được hợp nhất từ các nguồn vốn thuộc chương trình tín dụng - tiết kiệm NAPA, Quỹ khởi đầu mới và chương trình tín dụng dự án DPPR. Với mục tiêu “bền vững, chuyên nghiệp và phát triển”, quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà hướng tới hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống thông qua hoạt động tín dụng - tiết kiệm với những khoản vay nhỏ; hỗ trợ kỹ thuật và liên kết thị trường.

Từ nguồn vốn ban đầu trên 30 tỷ đồng khi hợp nhất, sau một năm đi vào hoạt động, dư nợ cho vay của quỹ tăng trên 40 tỷ đồng. Phạm vi hoạt động của quỹ mở rộng đến 70 xã, phường, thị trấn, cung cấp dịch vụ tài chính và phi tài chính cho 11.000 phụ nữ nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp tại 5 huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới.

Qua 4 năm phát triển vững chắc, tổng nguồn vốn của quỹ đạt 96.939 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2016 tăng được 13.970 triệu đồng. Phạm vi phát triển tại 78 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Dư nợ toàn quỹ đến ngày 30-6-2016 là 91.703 triệu đồng, 6 tháng đầu năm tăng 10.597 triệu đồng, đạt 103% kế hoạch, trong đó: cho vay sản xuất, kinh doanh 78.345 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 85.4%; cho vay xây dựng nhà vệ sinh 12.831 triệu đồng; cho vay mua máy giặt 93 triệu đồng và cho vay bổ sung, khẩn cấp 434 triệu đồng.

Quỹ HTPNPT Quảng Bình thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho chị em phụ nữ. Quỹ đi tiên phong và mở ra sự kết hợp trong giải quyết các vấn đề kinh tế, song hành cùng các vấn đề xã hội đối với phụ nữ nghèo, cận nghèo và phụ nữ có thu nhập thấp một cách bền vững. Từ tinh thần này, Quỹ HTPNPT được chị em phụ nữ đón nhận tự nguyện. Thông qua các nguồn vay vốn của quỹ, chị em vươn lên làm ăn kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

 Những mô hình trồng hành trên cát cho thu nhập cao của phụ nữ xã Bảo Ninh mang đậm dấu ấn hỗ trợ của Quỹ HTPNPT Quảng Bình.
Những mô hình trồng hành trên cát cho thu nhập cao của phụ nữ xã Bảo Ninh mang đậm dấu ấn hỗ trợ của Quỹ HTPNPT Quảng Bình.

Hạt nhân trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ HTPNPT chính là các nhóm tín dụng - tiết kiệm (TDTK) ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Đến nay toàn tỉnh có 1.223 TDTK, thu hút 18.245 thành viên tham gia, tăng 2.051 thành viên, trong đó: thành viên vay vốn 13.370 chị em; thành viên chỉ tham gia tiết kiệm 4.875 người.

Tại địa bàn 12 xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Quỹ HTPNPT thành lập 41 nhóm TK vốn vay thôn bản, thu hút 632 thành viên tham gia; số tiền tiết kiệm trên 297 triệu đồng cho 73 thành viên vay; đóng góp quỹ xã hội giúp chị em thăm hỏi nhau lúc ốm đau hoạn nạn trên 15 triệu đồng.

Trong tháng 6-2016, Quỹ HTPNPT phối hợp với BQL dự án SRDP triển khai tuyên truyền, thành lập thêm nhóm TK vốn vay thôn bản tại 4 xã: Kim Thủy, Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy); Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); Thanh Thạch (huyện Tuyên Hóa). Như vậy đã có 20 nhóm TK vốn vay thôn bản hoạt động tại địa bàn các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Quỹ HTPNPT Quảng Bình là quỹ xã hội, luôn quan tâm đến mục tiêu kinh tế song hành với mục tiêu xã hội; ưu tiên cung cấp vốn vay cho phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo làm chủ hộ, phụ nữ cận nghèo, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để đầu tư sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập cho gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống tiến bộ, văn minh.

Thành viên của quỹ là phụ nữ; trong đó 2% là phụ nữ dân tộc thiểu số, 19% thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, 63% thành viên là hộ có thu nhập thấp và trung bình, 18% thành viên gồm các hộ khá và hộ doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, quỹ góp phần giúp 264 hộ nghèo có thành viên vay vốn thoát nghèo, 872 hộ cận nghèo có thành viên vay vốn lên hộ trung bình, 1.075 hộ trung bình có thành viên vay vốn lên hộ khá, 192 thành viên vay vốn có mô hình làm kinh tế ăn giỏi (trong đó 68 mô hình điển hình sản xuất kinh doanh giỏi).

Sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế- xã hội tỉnh ta. Những địa phương vùng biển trong tỉnh các hoạt động khai thác thủy sản, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chế biến... bị ngưng trệ. Đối tượng Quỹ HTPNPT quản lý là phụ nữ cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững cho hội viên, Quỹ HTPNPT tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên cho phụ nữ vùng biển trong cơ chế hoạt động TDTK của mình, nhằm giúp họ tiếp cận với ngành nghề mới, ổn định sản xuất kinh doanh...

Bền vững, chuyên nghiệp và phát triển đó là 3 tiêu chí định hướng giúp Quỹ HTPNPT Quảng Bình đến năm 2020 sẽ trở thành tổ chức tài chính vi mô, tiến tới đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế bền vững cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ thu nhập thấp, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm của tỉnh, vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ.

Thanh Long