.

Viếng thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Thái Lan

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù đã đến nhiều địa điểm có hình bóng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng khi được đặt chân đến làng Nỏng Hang (Nỏng Ổn), xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon Thani (Thái Lan), chúng tôi rất bồi hồi xúc động và cảm phục tấm lòng vì dân, vì nước của Người. Trải qua 30 năm tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã có lần dừng chân ở nơi đây để khơi dậy phong trào cách mạng và tinh thần yêu nước thương nòi của người Việt.

Một góc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Nỏng Hang  (Nỏng Ổn), xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon Thani (Thái Lan).
Một góc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Nỏng Hang (Nỏng Ổn), xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon Thani (Thái Lan).

Viêng Chăn nằm ở tả ngạn sông Mê Kông nên chỉ đi quãng đường khoảng 20km, và vượt qua cầu Hữu Nghị với chiều dài trên 1.200m là chúng tôi đã đặt chân đến cửa khẩu Noong Khai, Vương quốc Thái Lan. Từ đây, đoàn xe tay lái nghịch chở du khách nhập vào tuyến đường nhựa cao tốc phẳng lỳ, rộng rãi, thoáng đãng trực chỉ đến tham quan Vườn tượng Phật ở Noong Khai. Là đất nước xem Phật giáo là quốc đạo nên trên đất Thái Lan rất dễ bắt gặp những hình ảnh của tôn giáo này.

Cũng như ở Lào, vào dịp tháng 4 người Thái cũng chuẩn bị ăn Tết cổ truyền nên trong chuyến hành trình, chúng tôi thấy người Thái ngược xuôi về nhà đón năm mới, và ở mỗi điểm đường giao nhau đều có người bán những tràng hoa để treo trong xe cầu phúc lành, mong bình an đến. Ở vườn tượng-một công trình nghệ thuật-có hàng trăm tượng Phật cao lớn với muôn vẻ hình dáng, sắc thái được làm bằng vật liệu sắt, thép, xi măng... thu hút rất đông du khách thập phương đến chiêm ngưỡng, tìm hiểu về Phật pháp.

Suốt tuyến đường từ Noong Khai đến Uđon Thani, ngoài vẻ đẹp của hoa giấy đủ màu sắc, hoa muồng vàng, cây xanh... là hình ảnh của các thành viên hoàng gia Thái Lan được đặt ở những vị trí rất trang trọng. Điều đặc biệt là trong hơn một giờ ngồi trên xe ô tô nhưng chúng tôi không hề nghe thấy bất cứ một tiếng còi xe nào, còn việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông thì những gì người Thái thể hiện rất đáng để học hỏi. Như để chuyển làn đường vào vườn tượng, cậu Tài-một Việt kiều điều khiển xe ô tô dẫn đầu đoàn-phải dừng đợi ở rất lâu ở ngã rẽ cho đến khi thấy không có phương tiện lưu thông có thể gây nguy hiểm mới tiếp tục cuộc hành trình.

Uđon Thani nằm ở vùng đông bắc Thái Lan, là nơi mà trong suốt 30 năm đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã dừng chân để xây dựng phong trào cách mạng trong cộng đồng Việt kiều. Ông Trần Trọng Tài, 72 tuổi, Việt kiều Thái Lan có quê nội ở Nam Định, quê ngoại ở Quảng Trị bồi hồi kể lại, để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân của nhân dân Việt Nam, tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Uđon Thani là tỉnh có đông Việt kiều sinh sống.

Khi đó ở Uđon Thani, chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Hội Thân ái và Hội Hợp tác cũng đã ra đời. Vì vậy, khoảng đầu tháng 8-1928, Nguyễn Ái Quốc đã đến Uđon Thani sinh sống và hoạt động. Thời gian ở Thái Lan, Bác Hồ có nhiều tên gọi khác nhau như: ông Thọ, Nam Sơn... ở Uđon, Bác Hồ lấy tên là Chín. Khi mới tới Uđon Thani thì thầu Chín đã trú chân một thời gian ở khu vực Nỏng Bùa gần ga xe lửa Uđon Thani hiện nay. Sau đó, thầu Chín chuyển ở tại làng Nỏng Ổn, xã Xiêng Phin thuộc huyện Mương, tỉnh Uđon Thani.

Những ngày tháng ở đây, thầu Chín đã được bà con Việt kiều và nhân dân bạn giúp đỡ đùm bọc rất nhiều. Cho nên, Bác Hồ có chủ trương phải mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đặc biệt phải làm cho người Xiêm có cảm tình hơn với người Việt Nam và cách mạng Việt Nam; giáo dục Việt kiều tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân Xiêm; khuyên mọi người học chữ Xiêm và chữ quốc ngữ. Các buổi tối, Người thường tổ chức nói chuyện với Việt kiều.

Ngoài ra, Bác cũng đã sinh sống và sinh hoạt như mọi người ở đây như cùng đào giếng, vỡ đất làm vườn trồng rau, chăn nuôi lợn gà và lập nên trại cưa... Năm 1929, Bác Hồ rời Uđon Thani để tiếp tục đi các địa danh khác hoạt động cách mạng và khơi dậy tinh thần yêu nước trong bà con kiều bào ở Thái Lan. Uđon Thani là điểm dừng chân của Bác Hồ trong quá trình hoạt động cách mạng cứu nước, nhưng Việt kiều và nhân dân Thái Lan nói chung còn nhiều người chưa biết về địa danh lịch sử đáng tự hào này.

Do vậy, năm 2002, ngài Xaydaphon Rắttananakha tỉnh trưởng Uđon Thani đã khởi sự cho tiến hành phục hồi, xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh làng Nỏng Ổn. Đến ngày 29-10-2002, ông chính thức ký phê duyệt bản tóm tắt dự án phát triển Trung tâm giáo dục và du lịch lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Nỏng Hang (Nỏng Ổn), xã Xiêng Phin, huyện Mương, và quyết định số 3474/2545 về bổ nhiệm Uỷ viên Ban huy động vốn; Ban thu thập tư liệu và thiết kế nhà cùng khuôn viên của trung tâm du lịch lịch sử này.

Vào ngày 1-7-2003, ông Phixụt Khôxịt, Chủ tịch huyện Mương ký quyết định số 389/2546 thành lập Ban xây dựng phát triển do Chủ tịch huyện làm trưởng ban. Các quan chức địa phương thuộc các cấp, ngành có liên quan và một số bà con trong cộng đồng Việt kiều tỉnh Uđon Thani cùng tham gia. Huyện đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý và làm lễ động thổ khởi công xây dựng Khu di tích có khuôn viên rộng 1ha vào ngày 21-9-2003. Ban đầu, ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc đã được khôi phục, về sau các hạng mục dự án khác được triển khai và hoàn thiện dần (năm 2009).

Tại Khu di tích, được sự giúp đỡ, tư vấn và cung cấp tư liệu lịch sử của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban quản lý đã bố trí trưng bày triển lãm rất nhiều hình ảnh hoạt động của Bác Hồ và cuộc sống sinh hoạt của bà con Việt kiều, những hoạt động quan hệ Việt-Thái, của cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan. Ngoài ra, tại Khu di tích còn có hệ thống chiếu phim, trưng bày hình ảnh tư liệu, phòng đọc sách báo..., góp phần làm nơi nghiên cứu học tập lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ hữu nghị giữa Thái Lan-Việt Nam.

Minh Văn