.

Hiệu quả từ việc thành lập đảng bộ bộ phận

Thứ Sáu, 13/02/2015, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) các cấp và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên (ĐV) là nhiệm vụ then chốt được Thành ủy Đồng Hới triển khai có hiệu quả trong những năm qua. Việc thành lập Đảng bộ bộ phận (ĐBBP) ở các Đảng bộ xã, phường tạo ra những thuận lợi căn bản trong kiện toàn, sắp xếp TCCSĐ đồng bộ, thống nhất, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương.

Sự cần thiết thành lập ĐBBP

Theo đồng chí Hà Quốc Phong, Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới phụ trách cơ sở, ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành chương trình hành động số 03-CTr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng các cấp giai đoạn 2011- 2015”. Bước sang năm 2012, Thành ủy tiến hành khảo sát nêu lên vấn đề kiện toàn, sắp xếp các TCCSĐ cơ sở, hoàn thiện mô hình tổ chức chi bộ trên 30 ĐV.

Năm 2012, thành phố Đồng Hới có 327 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, trong đó 261 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường. 100% số thôn, tổ dân phố đều có chi bộ đảng. Một thực tế là ở các chi bộ có đông ĐV (90 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường trên 30 ĐV, trong đó 31 chi bộ trên 50ĐV), điều kiện sinh hoạt, địa điểm sinh hoạt thường khó đáp ứng đầy đủ việc sinh hoạt đảng thường kỳ của đảng viên và chi bộ.

Khảo sát tại 12 chi bộ trên 50 ĐV cho thấy: các chi bộ thành lập theo địa bàn dân cư, tổ dân phố, ĐV phần lớn tuổi cao, là cán bộ nghỉ hưu. Số lượng ĐV đông trong khi đó, địa điểm các nhà văn hóa dùng làm nơi sinh hoạt định kỳ hàng tháng chật hẹp nên tỷ lệ ĐV tham gia sinh hoạt chỉ đạt từ 70 đến 80%. Mỗi lần sinh hoạt rất ít ý kiến, nhiều ĐV muốn đóng góp, tham gia nhưng bị bó hẹp về không gian, thời gian; một bộ phận ĐV trong phê bình và tự phê bình còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm. Chi bộ đông ĐV chia thành nhiều tổ đảng, các tổ đảng thiếu sự thống nhất, chưa phát huy hết vai trò, chức năng.

Để khắc phục những tình trạng trên, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động chi bộ thôn, tổ dân phố, Ban Thường vụ Thành ủy Đồng Hới quyết định chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án thành lập ĐBBP ở các chi bộ 50 ĐV trở lên. Các chi bộ dưới 50 ĐV hoạt động ổn định vẫn giữ nguyên, nơi nào thấy cần thiết có thể thành lập ĐBBP, nếu không thì thành lập các tổ đảng, mỗi tổ đảng không quá 20 ĐV.

ĐBBP thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh thành lập tháng 8-2012.
ĐBBP thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh thành lập tháng 8-2012.

ĐBBP có vai trò vừa là cầu nối triển khai mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước nhanh chóng, kịp thời đến với ĐV và quần chúng nhân dân, đồng thời xây dựng nghị quyết lãnh đạo các chi bộ trực thuộc, làm tốt công tác vận động quần chúng và làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Nâng chi bộ lên thành ĐBBP, các tổ đảng chuyển sang chi bộ trực thuộc bảo đảm chất lượng sinh hoạt, khâu quản lý ĐV chặt chẽ hơn, từng ĐV phát huy được tính tích cực trong xây dựng chi bộ đảng trong sạch vững mạnh. Công tác phê bình và tự phê bình cụ thể, sâu sát. Khi số lượng ĐV phù hợp, việc góp ý chân tình, dễ nói thẳng, nói thật với nhau, nâng cao tình đoàn kết, tính Đảng trong từng ĐV từ đó cao hơn.

Những kết quả bước đầu

Ngay sau khi ban hành Đề án thành lập ĐBBP ở các Đảng bộ xã, phường, các Đảng ủy cơ sở tiến hành khảo sát các chi bộ đảng trực thuộc trên 50 ĐV, xây dựng phương án đầy đủ về cơ cấu tổ chức, nhân sự của ĐBBP, chi bộ trực thuộc ĐBBP trình Ban Thường vụ Thành ủy. Được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý, Đảng ủy xã, phường ra quyết định thành lập ĐBBP, thành lập chi bộ trực thuộc ĐBBP trên 50 ĐV.

Qua hơn 2 năm triển khai, đến nay toàn thành phố Đồng Hới thành lập được 31 ĐBBP, 99 chi bộ trực thuộc ĐBBP với 2.202 ĐV. Trong quá trình triển khai thành lập ĐBBP đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận của cán bộ, ĐV và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghỉ hưu; cán bộ, ĐV đương chức tham gia sinh hoạt tại địa phương; dân chủ cơ sở phát huy, tinh thần, ý thức, trách nhiệm trong mỗi một ĐV nâng cao hơn.

Với vị trí, chức năng là cấp trên của chi bộ, ĐBBP có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng ủy cơ sở ở các chi bộ, thẩm định nghị quyết của chi bộ về kết nạp ĐV, về thi hành kỷ luật, khen thưởng...

Hiệu quả hoạt động của mô hình ĐBBP có thể khẳng định qua ĐBBP tổ dân phố 2, phường Đồng Phú. Là một địa bàn trung tâm, trước đây chi bộ tổ dân phố 2 có số lượng ĐV trên 120 người. ĐV đông, địa điểm sinh hoạt thường kỳ chật hẹp, chất lượng sinh hoạt vì thế bị ảnh hưởng. Nhiều ĐV sinh hoạt trong cùng chi bộ nhiều lúc không biết nhau, vì thế tinh thần đoàn kết, phê bình và tự phê bình hạn chế, tập trung dân chủ chưa cao. Kể từ khi chuyển sang mô hình ĐBBP cùng các chi bộ trực thuộc, chất lượng sinh hoạt đảng, chất lượng ĐV thay đổi rõ rệt.

ĐBBP chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Từ vai trò cầu nối giữa chi bộ cơ sở với Đảng ủy xã, phường, ĐBBP nắm chắc tình hình cơ sở, vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

Như vậy, mô hình hoạt động của ĐBBP vốn phù hợp hơn ở vùng nông thôn với địa bàn rộng, ĐV và dân cư phân tán khi triển khai vào thực tế tại thành phố Đồng Hới cũng đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Đồng chí Hà Quốc Phong khẳng định: “Hoạt động của ĐBBP góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức cơ sở đảng được kiện toàn, củng cố, phát triển. Đội ngũ cán bộ ĐV cơ sở tăng thêm cả về số lượng lẫn chất lượng, công tác kết nạp ĐV được chú trọng, quan tâm.

Các ĐBBP hoạt động hiệu quả là một trong những thành công khi triển khai Chương trình 03-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng các cấp giai đoạn 2011-2015”.

Thanh Long