.

Đi dọc đường Xuân

Thứ Sáu, 13/02/2015, 15:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi con người có một số phận riêng của mình. Mỗi dân tộc có một con đường lịch sử từ quá khứ tới tương lai. Chúng ta vừa phi nước đại qua năm Giáp Ngọ. Vó ngựa còn âm vang hào khí lịch sử 60 năm Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu. 70 năm, một mốc son chói lọi đánh dấu ngày ra đời của quân đội ta mang tên “Bộ đội Cụ Hồ”, từ vũ khí thô sơ, từ 34 chiến sỹ đã làm nên bao chiến công vang dội và trưởng thành nhanh chóng với những quân binh chủng hiện đại...

Đi dọc đường xuân, ta đi từ Pắc Bó (Cao Bằng) có suối Lênin, núi Các Mác, nơi cột mốc 108 Bác Hồ trở về hôn lên hòn đất Tổ quốc. Một cử chỉ thân thiết tự nhiên mà sâu sắc cội nguồn dân tộc cũng như giữa Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 đang đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”.

Đường xuân đưa ta trở về Nam Đàn, còn đó cánh võng đung đưa theo nhịp gió đồng thổi mát. Ta lại trở về Bến Nhà Rồng, nơi Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Những con sóng vỗ bờ thao thiết và lắng trong ngàn trùng khơi là tiếng còi tàu giục giã những chuyến hàng tỏa đi muôn nơi. Từ một anh Ba thủy thủ đến một vị lãnh tụ kính yêu-Hành trình của Bác chính là hành trình cách mạng “Hình của Đảng lồng trong hình của nước”.

Đi dọc đường xuân với bao công trình nhà máy. Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nhịp cầu Vĩnh Tuy đã vươn dài, vươn xa dáng rồng bay. Khi tốc độ, nhịp độ của đời sống công nghiệp tăng nhanh thì hình như đời sống tâm linh riêng tư chậm lại-Chầm chậm để trở lại mình và tới mình. An dân lòng người bắt đầu từ những hào quang của quá khứ lịch sử. Nhưng chính hiện tại mới là những hồi quang để thanh lọc, để chưng cất hội tụ và kết tinh vẻ đẹp đời thường tinh khiết và ấm nóng tình người, tình đời. Đó là lòng nhân ái, là sự vươn chồi đón lộc của khí xuân, sắc xuân khi trời đất giao hòa.

Đường xuân tỏa đến biên cương hải đảo. Những dấu chân bấm vào đá núi, dốc tai mèo, đèo sương phủ. Chặng đường tuần tra biên giới của các anh chập chùng bao hiểm nguy rình rập. Nhưng màu áo lính xanh biên phòng vẫn bền bỉ màu rừng thân thuộc. Những chấm lửa heo hút gió đến với bản làng đánh thức con chữ, cho bữa cơm thêm thịt, cho tấm chăn thêm bông. Lòng nhân ái chính là điểm tựa của niềm tin. Và tôi gặp nơi biên cương những chóp núi mang hình cánh buồm lại nhớ đến những người lính ngoài đảo khơi xa xôi “Những nhà giàn như tán cây bằng thép-bốn mùa tươi không thể héo lá cờ!”.

Quê mẹ thân thương đã ra với các anh bằng cả những khay rau mang theo màu đất ruộng đồng tươi xốp-màu đất nâu như tấm áo mẹ mặc. Và mái chùa đất Việt ngàn đời cũng đã vượt sóng gió ra đây. Đó là những cột mốc tâm linh bên cạnh cột mốc chủ quyền. Đường xuân - đường sóng trắng đó là con đường thức.

Thức dậy trong ta bao nỗi niềm canh cánh. Khi cách đây mấy chục năm những đoàn tàu không số đã lặng lẽ chở vũ khí vào Nam đánh giặc. Tàu không số, người không tên, không một tượng đài, một nấm mồ trên biển. Sự hy sinh lặng lẽ ấy Tổ quốc không bao giờ quên. Các anh đã hóa thân thành “Những con sóng băn khoăn ngày giấu lửa-Khi về đêm mới chớp sáng giật mình”. Các anh-những con sóng vẫn viền quanh đảo, những đảo nổi, đảo chìm như những quả cân-cân sức nặng tình yêu Tổ quốc.

Đường xuân đang mở rộng sang năm Ất Mùi với bao sự kiện lịch sử trọng đại. Những chùm con số chẵn: 85 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 40 năm giải phóng miền Nam, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 60 năm Cách mạng Tháng Tám... Những mốc son chói lọi đó đánh dấu một chặng đường lịch sử vẻ vang với hình ảnh Bác Hồ kính yêu, người thuyền trưởng vĩ đại đã lái con thuyền cách mạng vượt qua bao sóng gió.

Tư tưởng và Di chúc của Người luôn là kim chỉ nam cho con đường cách mạng trên hành trình mới. Đường xuân đã mở nhưng chưa hết những khó khăn thử thách. Đi dọc đường xuân chính là chúng ta đang đi dọc chiều dài quá khứ với bao trầm tích lịch sử hào hùng, với bao tiềm năng tương lai trỗi dậy. Đường xuân là con đường khởi đầu cho một năm hứa hẹn của sức xuân, sức trẻ...

Nguyễn Ngọc Phú