.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015):

Trên mảnh đất nghĩa tình - Bài 1: "Phố đổ nơi này, nơi khác phố khai sinh"

Thứ Năm, 29/01/2015, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi gọi vùng quê ấy là “mảnh đất nghĩa tình” bởi trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, mảnh đất ấy tựa như người mẹ hiền đã dang rộng vòng tay chở che, đùm bọc bao thế hệ người dân Đồng Hới. Và quyết định sơ tán hơn 10.000 người dân Đồng Hới vào tháng 2-1965 là một trong những quyết sách sáng suốt nhất của Đảng bộ tỉnh ta ngày đó để bảo vệ an toàn tính mạng cho cán bộ và nhân dân, đồng thời xây dựng một hậu cứ vững chắc, vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu, chống Mỹ lâu dài.

 

Ông Lê Văn Ly và bà Phạm Thị Vy-những cán bộ lãnh đạo của thị trấn Đồng Sơn những năm chống Mỹ.
Ông Lê Văn Ly và bà Phạm Thị Vy-những cán bộ lãnh đạo của thị trấn Đồng Sơn những năm chống Mỹ.

Tròn 50 năm trôi qua kể từ ngày người Đồng Hới rời nhà, rời phố lên sơ tán nơi vùng quê phía tây Đồng Hới, nhưng trong thẳm sâu ký ức của bao con người đã từng sống trong những tháng ngày đầy đau thương mà rất đỗi tự hào ấy, đó mãi mãi là những năm tháng không thể nào quên.

“Sơ tán là để đánh Mỹ!”

Cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình đã tái hiện một bức tranh sinh động về Đồng Hới những ngày khói lửa. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ vào ngày 5-8-1964, chiến tranh thực sự đã diễn ra trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa mà trọng điểm đánh phá của kẻ thù là Vĩnh Linh, Quảng Bình, trong đó có thị xã Đồng Hới.

Trước đó, những năm 1961-1962, theo chỉ thị của Tỉnh ủy, một số hợp tác xã (HTX) ở Đồng Hới đã cử người đi tiền trạm lên vùng gò đồi miền tây nghiên cứu địa thế chọn đất, lập trại chăn nuôi để sẵn sàng sơ tán dân nội thị và xây dựng hậu cứ. Ngày 9 và 10-2-1965, máy bay Mỹ liên tục trinh sát trên vùng trời Quảng Bình. Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp khẩn cấp, quyết định sơ tán dân thị xã về các vùng lân cận. Ngay trong đêm 10-2 đó, 7.000 người dân Đồng Hới và 40 cơ quan cấp tỉnh rời khỏi khu vực nội thị.

Nhờ phong trào hợp tác xã đã có cơ sở khắp trong nhân dân, đại bộ phận nhân dân đều là xã viên và gia đình xã viên nên lệnh sơ tán được mọi người chấp hành nghiêm túc. Một số người vì lưu luyến quê nhà, nên vẫn bịn rịn, sáng đi, chiều tối lại trở về, hy vọng chiến tranh sẽ không xảy ra, thế giới sẽ ngăn chặn được bàn tay đẫm máu của đế quốc Mỹ.

Ngày 4-4-1965, một trận ném hủy diệt của không lực Hoa Kỳ đánh vào Đồng Hới với ý đồ “đẩy lùi Bắc Việt về thời kỳ đồ đá” đã làm chết 72 người, làm bị thương 37 người, hàng trăm ngôi nhà, trường học bị đánh sập. Lúc ấy, người Đồng Hới mới thực sự “dứt áo ra đi”. Đến thời điểm đó, hơn 10.000 người Đồng Hới rời đô thị lên miền tây thị xã và các vùng nông thôn ở Quảng Ninh, Lệ Thủy để sơ tán, lập làng.

Tháng 5-1965, Ban xây dựng quê mới được thành lập do đồng chí Trương Duy Bình, Chủ tịch UBHC thị xã làm trưởng ban, đồng chí Hà Đầu, Phó Chủ tịch UBHC thị xã làm phó ban. Được Nông trường Việt Trung nhượng lại 160 ha đất, xã Nghĩa Ninh nhượng thêm 238 ha, sau gần một tháng vận động, vùng quê mới đã tập hợp được 1.590 hộ, với 7.772 nhân khẩu, hình thành 8 khu vực dân cư: Cúp Cúp (còn gọi là Cầu Cúp), Trị Thiên, Zét, Hà, Cồn Chùa, Trạng, Ba Đa và Cộn. Đó là cách bố trí cụm dân cư theo đơn vị HTX, theo ngành nghề sản xuất kết hợp linh hoạt với gốc địa bàn dân cư ở Đồng Hới trước chiến tranh.

Tháng 8-1966, Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập thị trấn Đồng Sơn. Vùng quê mới được chính thức mang tên Đồng Sơn từ ngày ấy.

“Những xóm làng mọc lên trong khói lửa”

Để giảm bớt khó khăn cho nhân dân, Thường trực Tỉnh ủy đã quyết định trợ cấp bình quân 13 kg gạo, 6 kg muối, 1 chiếc màn, 2 chiếc chiếu cho mỗi nhân khẩu trong 6 tháng đầu; hỗ trợ kinh phí dời nhà, làm nhà cho mỗi hộ 200 đồng (trị giá 5 tạ gạo lúc bấy giờ).

Ở vùng đất mới, vượt qua nỗi buồn li hương, vượt lên trên những khốn khó, ngặt nghèo bởi bom đạn chiến tranh, người Đồng Hới lại bắt tay vào dựng làng, sản xuất, phục vụ chiến đấu. Trong số họ, có không ít người chưa một lần sống trong cảnh khó nghèo, vậy mà lúc bấy giờ, họ nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh mới với một mái nhà tranh, một mảnh vườn, một góc đồi, vẫn sống “đàng hoàng” và làm ra sản phẩm từ chính bàn tay, khối óc, sự cần cù chịu thương, chịu khó.

Chỉ trong một thời gian ngắn, những người dân “đi guốc đường nhựa” đã biến những mảnh gò đồi hoang hóa, đầy vết tích chiến tranh thành những mảnh vườn xanh tươi khoai, sắn... Với quyết tâm bám trụ lâu dài để đánh Mỹ, ngay từ đầu, họ trồng thêm các loại cây ăn quả lâu năm. Bà Phạm Thị Vy (tiểu khu 9, Đồng Sơn), nguyên là cán bộ thị trấn Đồng Sơn lúc bấy giờ nhớ lại: “Thời nớ, một không khí sản xuất sôi nổi bao trùm tất cả các HTX. Cùng với việc đẩy mạnh trồng trọt là đẩy mạnh chăn nuôi. Gia đình mô cũng nuôi heo, gà và bò. Riêng HTX Hải Đình và Phú Mỹ nuôi hơn 100 con bò, vừa để kéo, vừa giải quyết nguồn thực phầm cho cán bộ, nhân dân, chiến sỹ trên địa bàn”.

Với việc phân tách 8 khu vực dân cư gắn với ngành nghề sản xuất, cả một thị trấn Đồng Sơn lúc bấy giờ sôi nổi với nhiều hoạt động sản xuất, làm ra những sản phẩm hữu ích phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đời sống và chiến đấu của nhân dân. HTX Kim khí ở khu vực Zét sản xuất hàng ngàn tấn nông cụ, hàng ngàn tấn đinh dùng để dựng nhà, làm hầm. HTX Quyết Tiến ở khu vực Cồn Chùa với 120 xã viên nữ sản xuất hàng trăm lít tương, hàng chục tấn đậu phụ, bún, bánh, miến mỗi ngày. HTX Hồng Hải chuyên sản xuất bàn ghế, bảng đen phục vụ ngành Giáo dục, đóng quan tài phục vụ việc chôn cất liệt sỹ và những người dân ngã xuống vì bom đạn.

Ông Lê Văn Ly (Đồng Sơn) nguyên là Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Sơn (1966-1973) nhớ lại: “Để giải quyết những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, Đảng ủy thị trấn đã có chủ trương thành lập HTX Mua bán. Những chị em trong HTX vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, “trên bom, dưới đạn” về tận Bảo Ninh, Đồng Thành mua mắm, ruốc phân phối cho xã viên các HTX. Mà việc vận chuyển lúc nớ khó khăn vô cùng, có chuyến về tới nơi thì trời sáng”.

Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại “làng mới” năm 1967.
Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại “làng mới” năm 1967.

Vậy là chỉ trong vòng một năm kể từ ngày người dân Đồng Hới quyến luyến rời phố, rời biển lên với đồi, với núi, vượt qua những khó khăn buổi ban đầu, cuộc sống của những người dân nội thị nơi vùng đất mới đã dần đi vào ổn định. Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bất kể ngày đêm, người Đồng Hới miệt mài vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đùm bọc, hy sinh

Nhiều người dân Đồng Hới kể lại rằng, chính trong những ngày đầu gian khó, họ đã được người dân Đồng Sơn đùm bọc, chở che. Người Đồng Sơn đã dang rộng vòng tay giúp đỡ họ dựng nhà, sản xuất, cùng chia ngọt, sẻ bùi. Cảm động hơn khi trong những đợt không quân Mỹ bắn phá ác liệt, khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, người dân Đồng Sơn vẫn không ngần ngại nhường hầm, nhường nhà cho bộ đội, cho bà con sơ tán.

Bà Phạm Thị Vy hồi tưởng lại trong niềm xúc động đong đầy: “Thời điểm nớ, kho lương thực dự trữ của thị xã đặt ở Trạng, Zét được bỏ trong nhà dân nhưng kể cả khi đói, vẫn không mất đi dù chỉ một cân thóc”. Cũng theo lời kể của bà, trong những ngày đau thương ấy, nhiều gia đình đã không tiếc sức, tiếc của, vượt qua mọi kiêng kỵ của phong tục tập quán, tháo cánh cửa nhà mình để làm cáng khiêng cho người bị thương và làm chỗ nằm cho người chết khi khâm liệm. “Và cũng vì nhường hầm, đùm bọc, giúp đỡ người dân sơ tán mà không ít người dân Đồng Sơn lúc bấy giờ đã chết vì bom đạn”, bà Vy bồi hồi nhớ lại.

Đầu năm 1965, Thị ủy và UBHC thị xã Đồng Hới thành lập Đại đội thanh niên ba sẵn sàng nhằm giúp nhân dân vận chuyển tài sản và ổn định cuộc sống nơi sơ tán. Chỉ trong vòng ba tháng, Đại đội ba sẵn sàng đã bốc dỡ và vận chuyển hơn 2.000 ngôi nhà từ Đồng Hới đổ nát về vùng quê mới. Chính nơi đây, hơn 2.500 ngôi nhà, hàng chục phòng học, trụ sở ủy ban, cửa hàng mua bán đã được mọc lên bằng chính bàn tay, khối óc của những người thanh niên trẻ tuổi.

Nhà thơ Văn Lợi, hiện là Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh cũng từng là đội viên của Đại đội Ba sẵn sàng ngày đó. Nhớ về những tháng ngày “biến núi rừng thành mảnh đất miền xuôi” ấy, ông đã không thể giấu được nỗi xúc động: “Chứng kiến những mất mát đau thương của người dân Đồng Hới trong những ngày chiến tranh ác liệt nên khi được kêu gọi đi xây dựng làng mới sơ tán cho nhân dân, ngọn lửa thương tiếc lại bùng lên, thôi thúc lớp trẻ chúng tôi hưởng ứng. Vất vả, hy sinh không gì kể nổi nhưng anh em vẫn dồn hết tâm sức để lao động và để cống hiến”.

Và trong những ngày khói lửa ấy, biết bao tấm gương hy sinh quên mình đã xuất hiện trong Đại đội ba sẵn sàng. Đó là tấm gương anh Nguyễn Văn Thiện, vượt qua mọi đau đớn của căn bệnh ung thư xương, vẫn cùng đồng đội đêm đêm vác cột dựng đường dây điện thoại. Anh gục xuống khi đang làm nhiệm vụ. Trong những ngày nằm trên giường bệnh, những dòng nhật ký của anh thấm đẫm nước mắt: “Thế là mình không còn được cùng các bạn đi mắc đường dây... Mình không còn chân nữa rồi!... Đau đớn! Một ngàn lần đau đớn!”.

Diệu Hương

Bài 2: Đất không phụ công người