.
Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2014):

Thủ đô anh hùng

Thứ Sáu, 10/10/2014, 08:06 [GMT+7]

(Tiếp theo kỳ trước)

2. Hà Nội trong thời kỳ đổi mới đất nước (1986 đến nay)

a) Giai đoạn từ năm 1986 - 2007

Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đạt được thành tựu nổi bật sau đây:

- Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, phát triển theo hướng bền vững. So với năm 1985, kinh tế của Thủ đô năm 2003 tăng 5,1 lần, bình quân tăng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và từng bước hiện đại hóa; tỷ trọng công nghiệp tăng từ 27,9% năm 1985 lên 40,4% năm 2003; tỷ trọng dịch vụ giảm từ 66,5% xuống 57,2%; nông nghiệp giảm từ 5,6% xuống 2,4%; chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh có chuyển biến rõ rệt. Giai đoạn 2001-2003, bình quân tổng đầu tư xã hội đạt 21.735 tỷ đồng/năm, tăng 3,3 lần so với bình quân giai đoạn 1991-1995 (6.515 tỷ đồng/năm). Tỷ trọng huy động vốn đầu tư xã hội của Thủ đô luôn đạt mức cao và có xu hướng tăng lên: năm 2000 là 49%, năm 2001 là 50,9%, năm 2003 là 52,8% (tỷ trọng của cả nước tương ứng là 28%, 33,8% và 35,9%).

Đầu tư trong nước giữ tỷ trọng chủ yếu, năm 2003 chiếm 86%, nguồn vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng chiếm 14%. So với năm 1985, thu nhập bình quân đầu người năm 2003 đã tăng 3,1 lần. Thời điểm đó, Thủ đô Hà Nội chỉ chiếm 3,6% về dân số và 0,3% diện tích lãnh thổ quốc gia, nhưng đóng góp gần 8% GDP, trên 10% giá trị sản xuất công nghiệp, 11% giá trị dịch vụ, 10% tổng đầu tư xã hội, trên 9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và 14,5% tổng thu ngân sách quốc gia.

- Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ, đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang. Các cửa ngõ ra vào thành phố được mở rộng và xây dựng nhiều tuyến đường mới, xây dựng một số khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại, mạng lưới thông tin liên lạc được mở rộng và trang bị hiện đại.

- Văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ rệt. Khoa học công nghệ tăng cường quản lý chất lượng, mở rộng việc tuyển chọn các đề tài khoa học, thu hút các tổ chức, cá nhân nhà khoa học tham gia. Y tế và công tác xã hội bảo đảm chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn. Văn hóa và thể dục thể thao luôn được thành phố quan tâm và dành những điều kiện tốt nhất để phát triển, đã tổ chức thành công SEA GAMES 22 và PARA GAMES 2 (năm 2003), tạo không khí phấn khởi, để lại cho Hà Nội một loạt công trình văn hóa, thể thao lớn và có đẳng cấp quốc tế để phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao của Thủ đô.

- An ninh-quốc phòng được giữ vững, đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hoà bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình. Thế trận an ninh - quốc phòng toàn dân vững chắc, đó là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển trong hoà bình, ổn định và an toàn, xứng danh là “Thành phố vì hoà bình”.

- Hệ thống chính trị ở Thủ đô không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo. Đảng bộ thành phố đã thực hiện có kết quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức nhằm thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ. Bộ máy chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng được kiện toàn, củng cố theo hướng nâng cao hiệu quả và phát huy hiệu lực; từng bước cải tiến chế độ hội họp, theo hướng thiết thực, chất lượng, tránh hình thức, ít thông tin, kém tác dụng.

- Công tác đối ngoại được mở rộng, phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội; thiết lập mối quan hệ hữu nghị với trên 60 thủ đô và thành phố của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật,... giữa Thủ đô Hà Nội với các thủ đô và thành phố trên thế giới cũng diễn ra thường xuyên với nội dung phong phú, đa dạng. Hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt được kết quả đáng khích lệ, được chính quyền và nhân dân các địa phương đồng tình, trân trọng, góp phần thực hiện chủ trương: “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".

Thủ đô Hà Nội-trái tim của cả nước không ngừng phát triển sau 60 năm giải phóng.    Ảnh: Báo Hà Nội mới điện tử
Thủ đô Hà Nội-trái tim của cả nước không ngừng phát triển sau 60 năm giải phóng. Ảnh: Báo Hà Nội mới điện tử

b) Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (từ năm 2008 đến nay)

- Kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực.

Giai đoạn 2008-2014 bình quân đạt 9,23%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 9,8%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,26%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 7,4%, bằng khoảng 1,5 lần mức tăng cả nước. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2014 (theo giá thực tế) ước đạt 70 triệu đồng/người, gấp 4,49 lần năm 2005 (15,6 triệu đồng/người). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm. Nếu cơ cấu năm 2008 là: dịch vụ 52,3%; công nghiệp - xây dựng 41,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 6,5%, thì năm 2014 cơ cấu các ngành tương ứng là: 53,5%; 41,7% và 4,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8,24%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%.

Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được phát triển. Ngành ngân hàng duy trì tốt việc huy động vốn đảm bảo cho nền kinh tế phát triển, tăng trung bình hàng năm 18,3%, dư nợ cho vay cũng tăng tương ứng tăng 2,5 lần, trung bình hàng năm tăng 26,2%. Ngành thông tin truyền thông có bước phát triển nhanh, số cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ năm 2013 gấp 1,7 lần so năm 2009, doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông tăng gấp 9 lần.

Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng đầu tư, phát triển. Đến nay trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 121 siêu thị và 414 chợ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ duy trì tăng trưởng khá, trung bình hàng năm tăng 23%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm, trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 13,3%/năm. Kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 1,1%/năm. Hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển, đã hoàn thành đưa vào xây dựng khoảng 2.500 phòng khách sạn, với công suất sử dụng phòng duy trì ở mức khá cao (trên 60%). Số lượt khách du lịch Hà Nội hàng năm tăng 6,3%, trong đó, khách quốc tế chiếm 1,5% tổng lượng khách, khẳng định Hà Nội vẫn là nơi thu hút khách du lịch quốc tế lớn của các thành phố trong khu vực.

Lĩnh vực công nghiệp được tiếp tục phát triển: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân tăng trưởng đạt 12,97%. Đã đầu tư xây dựng 107 cụm công nghiệp với tổng diện tích 3.192 ha, tăng 5 cụm và tăng 2,8% về diện tích so với năm 2008...

Ngành xây dựng tăng trưởng liên tục, giá trị tăng thêm đạt trung bình 10,57%/năm. Tổng diện tích nhà ở xây mới đạt 12,6 triệu m2. Nhiều khu đô thị mới hiện đại được đầu tư xây dựng.

Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất tăng cao, năm 2012 đạt 199 triệu/ha canh tác, gấp 1,63 lần năm 2008; năng suất bình quân đạt 58,80 tạ/ha; sản lượng bình quân 1,2 triệu tấn/năm. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng dần, đạt 51,54% năm 2012; trồng trọt, lâm nghiệp 43,93%; dịch vụ nông nghiệp 3,53% so với năm 2008 tương ứng là 46,5%; 51,61% và 1,9%. 100% số thôn, xã có điện sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt. Các đường ô tô đến trụ sở xã được cứng hóa (trước hợp nhất tỷ lệ đạt 83,8%), đường liên thôn 95% được bê tông hóa (so với trước hợp nhất là 84%).... Công tác vệ sinh môi trường được quan tâm, tỷ lệ xã, thôn được thu gom rác thải đạt 98% (so với trước hợp nhất là 72%).

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 21,36 triệu đồng năm 2012 (tăng 2,6 lần). Trên 90% số hộ gia đình có vô tuyến truyền hình; trên 95% số xã và 30% số thôn có máy tính kết nối Internet; 70% số hộ có điện thoại.

Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2008-2014 liên tục đạt và vượt dự toán, tăng trung bình 10,05%/năm. Huy động vốn đầu tư trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh, bình quân hàng năm giai đoạn 2008-2014 đạt mức tăng 16,6%. Năm 2013 tổng vốn đầu tư xã hội đạt 232.659 tỷ gấp 1,87 lần so năm 2008. Năm 2014 tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 312.705 tỷ đồng, gấp 2,51 lần so với năm 2008.

Vai trò vị trí kinh tế Thủ đô đóng góp ngày càng lớn so với cả nước. Năm 2013, với dân số chiếm 7,84% dân số cả nước, thành phố Hà Nội đã đóng góp 10,06% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu; 13,5% giá trị sản xuất công nghiệp; 23,5% vốn đầu tư phát triển, 19,73% thu ngân sách (trong đó, thu nội địa đóng góp 26,67%) và 23,5% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước.

- Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ. Trong giai đoạn 2008-2012, đã hoàn thành 230.195 km đường, 2,1 km cầu. Quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh và đẩy nhanh tiến độ một số dự án điểm, bãi đỗ xe trên địa bàn. Tổ chức cải tạo hạ tầng, lắp đặt hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại một số nút giao thông quan trọng. Các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, nhà ở xã hội được triển khai tích cực. Chấn chỉnh kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới.

- Phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội.

Các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục, tập quán đẹp của văn hoá Tràng An, xứ Đoài ngày càng được phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã có những chuyển biến tích cực với nhiều nội dung hoạt động phong phú. Các mô hình gia đình văn hoá, làng thôn bản văn hoá, tổ dân phố và đơn vị văn hoá dần dần đã được ổn định và tiếp tục phát huy vai trò tích cực. Tăng cường giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.

Hoạt động thể thao tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Đã tổ chức thành công Indoor Games với quy mô lớn và đạt được nhiều giải thưởng cao. Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững. Đã hoàn thành xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4 nguy hiểm, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, cải tạo hệ thống điện cho các trường học. Hà Nội đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục trung học phổ thông và trong đào tạo. 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt 42,1%. 100% các trường được kết nối mạng Internet.

Lĩnh vực y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ. Đến tháng 6/2013, đã có 133 xã/phường được công nhận chuẩn quốc gia về y tế, nâng số xã/phường đạt chuẩn nâng lên 570, đạt tỷ lệ 98,78% (năm 2008 đạt 76%). Tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ tăng từ 86,1% năm 2008 lên 90,1% năm 2012.

Tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, giải quyết việc làm cho trên 133 nghìn lượt lao động mỗi năm. Mục tiêu giảm nghèo được triển khai tích cực, hàng năm hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5-2%, đến năm 2013, thực hiện hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,35%.

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ. Đã triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề và các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, dịp tổ chức các sự kiện lớn trong nước và quốc tế. Đã xử lý, giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp về tôn giáo, các vụ biểu tình, kích động. Kịp thời nhận diện, phát hiện, đấu tranh xử lý các loại tội phạm mới, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm lợi dụng công nghệ cao,...

- Hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Thành phố đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, xã hội với Thủ đô các nước và các tổ chức quốc tế. Duy trì quan hệ đối ngoại quân sự với Lào, Cam-pu-chia; tăng cường hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Hà Nội là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động đối ngoại, hợp tác, hỗ trợ phát triển với các cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục được duy trì tốt. Sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban ngành khi xây dựng, trình phê duyệt các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô, đặc biệt là Luật Thủ đô có hiệu lực từ 01/7/2013. Vị thế và vai trò của Thủ đô với các địa phương cả nước và với các nước khu vực và trên thế giới được nâng lên.

- Công tác cải cách hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham những, lãng phí được đẩy mạnh.

Ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, Thành phố đã tập trung rà soát, đối chiếu các văn bản qui phạm pháp luật, các cơ chế chính sách đã ban hành của Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hoà Bình. Để tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị làm việc vào ngày thứ 7 và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; triển khai Đề án "Thí điểm mở lớp đào tạo 1.000 công chức nguồn của thành phố giai đoạn 2012 - 2015", và 500 công chức nguồn (của Thành ủy), coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Thủ đô.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được Thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ngày càng đi vào nề nếp, tạo được chuyển biến tốt từ cơ sở đến Thành phố. Công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công khai, minh bạch trên các lĩnh vực như đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý tài sản công; công tác tổ chức, tuyển dụng cán bộ... Tiến hành thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị.

3. Những danh hiệu thi đua của Thủ đô Hà Nội đạt được

- Năm 1999, Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.
- Năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký bằng tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu “Thủ đô anh hùng” vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
- 5 năm liền (2008 - 2012), Thành phố được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.
- Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (lần thứ 3).
- Nhiều tập thể, cá nhân của Thành phố cũng được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Nhà nước:
+ 18 Anh hùng Lao động, 09 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
+ 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 67 Huân chương Độc lập, 709 Huân chương Lao động.
+ 1.772 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, 133 Cờ thi đua Chính phủ.
+ 05 Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
+ 144 Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động về thành tích cống hiến cho các cá nhân nguyên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Thành phố.
+ 1.672 Huân chương, Huy chương về thành tích kháng chiến.

Theo tài liệu của Ban Tuyên  giáo Trung ương