.

Hội Cựu chiến binh huyện Minh Hóa: Đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 03/10/2014, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Minh Hóa có 2.868 hội viên, đang sinh hoạt tại 16 cơ sở hội, đạt tỷ lệ 98% trên tổng số CCB tại địa bàn. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trong 5 năm (2009-2014), Hội CCB huyện đã làm tốt công tác tập hợp hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Thời gian qua, các cấp hội CCB huyện đã chú trọng công tác tập hợp, thu hút các CCB tham gia vào hội. Mọi hoạt động của hội đều tập trung hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, hội viên, gắn kết từng cá nhân với tổ chức hội bằng cách vận động, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Hàng năm, 100% cán bộ, hội viên được học tập, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước do các cấp ủy Đảng tổ chức; hơn 1.200 lượt hội viên học tập, nghiên cứu các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, Hội CCB huyện phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp nghiên cứu những chuyên đề về kinh tế - xã hội, dân vận, tập huấn công tác hội cho hàng trăm lượt hội viên...

Toàn huyện hiện có 938 hội viên CCB là đảng viên, 214 hội viên dân tộc thiểu số, 216 hội viên nữ... Kết quả phân loại hàng năm, 100% tổ chức hội đạt trong sạch vững mạnh, trong đó đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc chiếm từ 30-35%.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế, giúp hội viên xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội CCB trong huyện đã tập trung đẩy mạnh nhiều nội dung như: Tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn tạp, đất đai và thực hiện các mô hình kinh tế điểm, hướng nhận thức của hội viên từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa...

Là huyện miền núi, các cấp hội tại cơ sở dựa trên lợi thế của từng địa phương khuyến khích các gia đình hội viên phát huy thế mạnh của đồi, rừng để trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Qua 5 năm, các cấp hội đã khai thác gần 9 tỷ đồng từ các nguồn vốn, cho trên 1.000 lượt hộ hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hội viên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại VAC, chăn nuôi gia súc, trồng rừng kinh tế góp phần tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu.

Điển hình như mô hình trồng rừng kinh tế của hội viên Đinh Quang Vinh (Hóa Phúc) cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng; hội viên Đinh Minh Phượng (Yên Hóa) kết hợp trồng tiêu, tràm, chăn nuôi bò cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi cũng được CCB khác thực hiện nhằm đem lại thu nhập cao như hội viên Đinh Xuân Khách (Xuân Hóa), Đinh Xuân Hiền (Trung Hóa) phát triển nuôi ong lấy mật cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm; hội viên Đinh Xuân Liêm (Thượng Hóa) trồng trên 3.000 cây cao su cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm; hội viên Đinh Phương Đông (Hóa Hợp) chăn nuôi trên 150 con lợn giống, lợn thịt, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” còn xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của các đồng chí thương binh, bệnh binh phát triển sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập như hội viên Đinh Tuấn Mỹ (Quy Đạt) cố gắng vươn lên làm giàu chính đáng bằng hai bàn tay của người lính với nghề sửa chữa xe đạp - xe máy và buôn bán tạp hóa.

Đặc biệt, mô hình kinh doanh và dịch vụ tổng hợp của hội viên Cao Văn Hường (Quy Đạt) có doanh thu hàng năm 5-8 tỷ đồng, đã tạo công ăn việc làm cho trên 30 công nhân, trong đó 15 người là CCB và con của CCB, đồng thời giúp đỡ cho hội viên, nhân dân nghèo vay vật liệu xây dựng không tính lãi hàng trăm triệu đồng...

Đồng chí Đinh Mạnh Thường, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, các cấp hội còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau bằng việc xây dựng quỹ hội, quỹ đồng đội 800 triệu đồng giải quyết luân phiên giúp hội viên vay vốn sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, xóa nhà tạm, chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động trong tổ chức hội. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hội viên từng bước được nâng lên rõ rệt.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2013 của hội theo tiêu chí mới đã giảm xuống còn 19%. Số nhà tranh, tre dột nát trong hội cơ bản đã xóa xong, không còn nhà tạm bợ. Nhiều hội viên được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó cấp tỉnh có 15 đồng chí, cấp huyện có 90 đồng chí, cấp cơ sở 223 đồng chí.

Thông qua các hình thức hỗ trợ phát triển kinh tế, lực lượng CCB huyện càng gắn bó với hội và tích cực tham gia các phong trào khác ở địa phương. Các CCB luôn đóng vai trò nòng cốt trong những phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, các hoạt động đền ơn - đáp nghĩa, vì người nghèo; đồng thời tham gia hòa giải, quản lý, giáo dục thanh - thiếu niên tại địa bàn và tích cực xây dựng nông thôn mới.

Quỳnh Thư
 (Đài TT-TH Minh Hóa)