.

Những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua của đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 11/09/2014, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - LTS: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II diễn ra tại thành phố Đồng Hới trong hai ngày 9 và 10-9-2014. Đại hội là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của 180 đại biểu dân tộc ưu tú đến từ 107 bản, làng thuộc 27 xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Báo Quảng Bình xin giới thiệu một số điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta...

>> Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II

Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao bằng khen của UBND tỉnh cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc.
Đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao bằng khen của UBND tỉnh cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc.

Thực hiện tốt chính sách dân tộc gắn liền với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới

* Hoàng Kim, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy

Lâm Thủy là xã biên giới nằm phía nam huyện Lệ Thủy, diện tích tự nhiên 24.100 ha. Dân số 333 hộ, 1.451 khẩu sinh sống tại 6 bản. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chương trình, chính sách, dự án triển khai trên địa bàn xã, góp phần làm thay đổi đời sống, kinh tế- xã hội của đồng bào, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua hàng năm.

Trên địa bàn của xã có các đơn vị Đồn biên phòng Làng Ho, Đoàn 79, Binh đoàn 15, Lâm trường Khe Giữa đứng chân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp có hiệu quả với các đơn vị này trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đoàn 79 hỗ trợ cho xã 2 trường mầm non trị giá trên 4 tỷ đồng tại hai bản Bạch Đàn và Eo Bù- Chút Mút; các mô hình sản xuất, lúa nước của Bộ đội biên phòng cũng phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Nằm trên địa bàn biên giới, có đường biên giáp nước bạn Lào dài trên 30 km, tiếp giáp với hai huyện Bualapha và Thà Khẹc, Đảng bộ, chính quyền xã xác định rõ: phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách dân tộc cần phải gắn chặt với công tác bảo vệ an ninh biên giới.

Những năm qua, nhân dân cung cấp cho xã 255 nguồn tin, trong đó 130 nguồn tin có giá trị liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh phòng chống tội phạm; tổ chức tuần tra, kiểm soát 7.240 lượt người, 1.278 lượt phương tiện ra vào khu vực biên giới; xử phạt 44 vụ với 110 đối tượng. Lực lượng dân quân, tự vệ xã cùng Bộ đội biên phòng tổ chức 30 đợt tuần tra với 150 lượt cán bộ, chiến sỹ bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc, các biển báo, vành đai biên giới, thực hiện kế hoạch tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới.

Trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự thôn bản khu vực biên giới”, UBND xã Lâm Thủy đã phối hợp với Đồn biên phòng Làng Ho, xã Kim Thủy tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện. 9 bản biên giới, 493 hộ, 1.776 khẩu đăng ký tự quản đường biên; 8 bản, 131 hộ, 561 khẩu đăng ký tự quản cột mốc; 18 tổ với 921 người tham gia tổ an ninh tự quản.

T.Long (thực hiện)

Gương mẫu vận động đồng bào tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

* Ông Đinh Mề, già làng người Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch

Thượng Trạch quê tôi là một địa phương cực kỳ khó khăn, xa xôi của huyện Bố Trạch. Hiện tại tôi đang giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã.

Một đời tôi đi theo Đảng, theo Bác Hồ, tham gia cách mạng rồi về sống định cư tại vùng biên giới Thượng Trạch. Cuộc sống hiện tại của đồng bào Ma Coong nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Tuy nhiên so với ngày xưa, khi đường 20 Quyết Thắng chưa được sửa chữa, nâng cấp, giao thông cách trở, đi lại khó khăn, đồng bào vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan thì nay đời sống của đồng bào khá hơn nhiều.

Tham gia công tác xã hội, tôi cùng với cán bộ xã, các già làng, trưởng bản, người có uy tín động viên đồng bào cố gắng chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Phải chiến thắng đói nghèo trước mắt mới tính đến chuyện bền vững, lâu dài sau này. Đời sống vật chất của bà con ổn định góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong bản làng.

Bản thân cùng với các già làng, trưởng bản dưới sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đã xây dựng thành công các quy ước, hương ước trong bản; vận động người thân, đồng bào không nghe lời kẻ xấu, người lạ tuyên truyền, xúi giục làm mất đoàn kết nội bộ, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Tôi luôn ý thức động viên gia đình, dòng tộc, bản làng thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” bắt đầu từ mỗi một cá nhân. Muốn có cuộc sống ấm no trước hết phải xóa bỏ các hủ tục, lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới, ăn chín, uống sôi, bảo vệ môi trường sống... Những nét đẹp văn hóa, bản sắc riêng của mình thì đồng bào cố gắng chung tay khôi phục, giữ gìn và phát huy, đừng để mai một.

Muốn xóa đói giảm nghèo, muốn có đời sống mới, tôi chân tình với đồng bào mình rằng: cho trẻ Ma Coong đến trường để học lấy cái chữ, đừng để con cháu thất học như đời mình. Bây giờ thì cuộc sống đồng bào Ma Coong thay đổi nhiều rồi. Tôi rất tự hào khi trong sự thay đổi đó có một phần đóng góp của bản thân mình.

P.V (thực hiện)

Vận động bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

* Ông Hồ Hơn, Trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh

Được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng bản Lâm Ninh, thời gian qua, bản thân tôi đã tích cực phối hợp với chính quyền xã Trường Xuân, các già làng và những người có uy tín trong xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Nhờ đó, hiện nay các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở bản Lâm Ninh đã được đẩy lùi, loại bỏ, thay vào đó là bà con rất tích cực với việc thực hiện nếp sống văn minh. Năm 2013, bản Lâm Ninh đã được công nhận là làng văn hoá cấp huyện; có 37/46 hộ ở bản được công nhận là gia đình văn hoá.

Bên cạnh việc chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bà con Vân Kiều bản Lâm Ninh hiện rất có ý thức trong chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau trong việc xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Với trách nhiệm được giao, trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động bà con dân bản giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Văn Minh (thực hiện)

Tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào chăm lo bảo vệ rừng

* Hồ Pung, dân tộc Khùa, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa

Trọng Hóa là xã biên giới của huyện Minh Hóa, có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, năm 2013 là 87%. Xã Trọng Hóa có 18 bản với 735 hộ, 3.856 người, trong đó 99% là đồng bào dân tộc Khùa. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm từ Nhà nước, sự lãnh đạo của đảng ủy, chính quyền xã mà bộ mặt địa phương có nhiều thay đổi. Đáng kể là công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới...

Tuy nhiên, đồng bào đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư cho sản xuất, thiếu kiến thức về xây dựng kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, đồng bào còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của các cấp, các ngành mà chưa tự lực vươn lên..

Là người có uy tín, tôi luôn liên hệ mật thiết với bà con, bởi chúng tôi hầu hết là người cao tuổi. Bà con sinh sống trên địa bàn đều là con cháu, anh em, họ hàng. Bên cạnh đó, địa vị của tôi trong cộng đồng dân cư rất cao, được cộng đồng dân cư mến phục, tin tưởng. Đây là điều kiện thuận lợi giúp tôi tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chú trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Được nhân dân tín nhiệm, bầu chọn làm người uy tín bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, tôi xác định mình phải luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nắm bắt thật chắc để vận động, giải thích cho bà con hiểu và làm theo. Trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng, bản thân là người thực hiện đầu tiên, sau đó động viên con cháu làm theo. Tôi nhắc nhở bà con không phá rừng Nhà nước giao, không đốt rừng làm rẫy mới mà phải thực hiện định canh, định cư, phát triển chăn nuôi gà, lợn, trồng cây ăn quả cải thiện cuộc sống...

Kết quả cho thấy trong bản Ông Tú của chúng tôi nói riêng và địa bàn xã Trọng Hóa nói chung, đa số bà con thấu hiểu và chấp hành tốt hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Nhờ tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng mà bà con có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Đến nay, bản Ông Tú đảm nhận khoanh nuôi, bảo vệ hơn 500 ha rừng, góp phần quan trọng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Hương Trà (thực hiện)

Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

* Bà Hồ Thị Con, Phó Chủ tịch Ủy ban MTQVN xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội ở xã Trường Sơn luôn coi trọng công tác dân tộc, bám sát vào đó để cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác dân tộc bằng rất nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Cụ thể, với đặc điểm là xã miền núi rẻo cao, có hai dân tộc cùng sinh sống là dân tộc Kinh và Bru-Vân Kiều, có đường biên giới giáp với nước bạn Lào..., thời gian qua, xã Trường Sơn luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực vận động mọi người thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống; kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào, để từ đó có định hướng chỉ đạo kịp thời, sâu sát, không để bị động trong mọi tình huống. Việc làm này đã góp phần thực hiện rất hiệu quả các tiêu chí về an ninh trật tự, văn hoá...

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể ở xã Trường Sơn còn chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để huy động mọi nguồn lực tập trung cho việc xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, các tổ chức đoàn thể ở xã Trường Sơn đã huy động được hàng trăm triệu đồng để trao tặng cho các hộ đồng bào có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; bê tông hoá được 5 sân nhà văn hoá thôn, bản; ký hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Ninh cho đồng bào vay vốn để phát triển sản xuất, tổng trị giá trên 1 tỷ đồng; huy động trên 300 ngày công giúp đỡ các hộ đồng bào nghèo làm nhà "Đại đoàn kết" và nhà ở thuộc Chương trình 167 của Chính phủ...

Vài năm trở lại đây, bên cạnh tranh thủ nguồn đầu tư từ bên ngoài, các tổ chức đoàn thể ở xã Trường Sơn đã đứng ra vận động nhân dân phát huy "nội lực", tích cực hiến đất, tài sản, tiền mặt, ngày công... để chung sức xây dựng nông thôn mới, với tổng giá trị tiền mặt trên 200 triệu đồng, 500 ngày công cùng hàng trăm cây cối các loại...

Với những việc làm nói trên, đã chứng minh vai trò quan trọng của các tổ chức đoàn thể ở xã Trường Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới, rất cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

V.M (thực hiện)