.

Những chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta

Thứ Bảy, 06/09/2014, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta có dân số hơn 22.000 người, sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng cao Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Thành phần chủ yếu gồm dân tộc Bru-Vân Kiều với dân số hơn 16.000 người (chiếm 72% dân số dân tộc thiểu số); dân tộc Chứt với dân số gần 6.000 người (chiếm 26,9% dân số dân tộc thiểu số) và khoảng hơn 200 nhân khẩu thuộc các thành phần dân tộc thiểu số khác sinh sống đan xen.

>> Miền biên viễn... xa hóa gần! - Bài 1: "Cú hích" kỳ diệu

>> Kỳ vọng hơn về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Tuy số lượng dân cư ít, song các dân tộc thiểu số cư trú trên một địa bàn rộng lớn, có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng-an ninh và môi trường sinh thái của tỉnh. Đây cũng là địa bàn khó khăn nhất về điều kiện tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.

Để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước vươn lên hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình, chính sách như: Chương trình 135, 134, chính sách di dân, định canh định cư; chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng các xã biên giới; Nghị quyết 30a và các chương trình chính sách khác,... đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô về trung tâm xã; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trở thành mạng lưới giao thông thuận tiện, mở ra cơ hội giao thương, trao đổi hàng hóa cho bà con; 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế được xây dựng kiên cố (có 4 trạm đạt chuẩn quốc gia); 100% xã phủ sóng phát thanh, truyền hình; mạng điện thoại di động và mạng internet đã về đến trung tâm xã; 88% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt trên 80%. Hệ thống chợ trung tâm cụm xã, chợ xã được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho việc trao đổi, giao thương hàng hoá trong vùng.

Nhờ kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường, nên sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc có bước phát triển khá hơn trước, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Một bộ phận đồng bào đã chuyển đổi tập quán sản xuất từ sản xuất nương rẫy sang sản xuất thâm canh lúa nước, đặc biệt là các tộc người như: Rục, Khùa, Mày, Macoong, Mã liềng,... trước đây chỉ biết “phát, đốt, cốt, trỉa”, thì nay đã biết cách thâm canh lúa nước. Nhiều hộ mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây cao su, hồ tiêu, trám trắng, bời lời, keo, các giống lợn rừng, nhím, bò lai sind... vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Số hộ làm ăn khá giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng.

Hiện nay, có hơn 700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn khá, trong đó có gần 200 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Công tác giao đất, giao rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết; đã có hơn 4.230 hộ được giao đất lâm nghiệp với diện tích gần 16.000 ha, trong đó đã giao hơn 4.420 ha đất có rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý và giao hơn 3.250 ha rừng cho 533 hộ khoanh nuôi, bảo vệ...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm đồng bào Mã Liềng, xã Lâm Hoá (Tuyên Hoá). Ảnh: Thanh Tân
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm đồng bào Mã Liềng, xã Lâm Hoá (Tuyên Hoá). Ảnh: Thanh Tân

Nhờ vậy, đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm bình quân 6%/năm.

Song song với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống cho đồng bào, trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Giáo dục, đào tạo có nhiều chuyển biến quan trọng. Các loại hình trường lớp được mở rộng đến các bản vùng sâu, biên giới tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đến nay 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, 95% xã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Các trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư xây dựng góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh hiện có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (trong đó có 1 trường tỉnh và 4 trường huyện). Từ năm 2009 đến nay, có 115 em học sinh dân tộc thiểu số được cử đi học các trường cao đẳng, đại học theo diện cử tuyển, trong đó có cả con em của một số tộc người trước đây hoàn toàn mù chữ như Macoong, Rục, Mã Liềng. Nhiều em trong số này ra trường đã được bố trí việc làm.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm. Mạng lưới y tế từng bước được mở rộng, phục vụ cho việc khám chữa bệnh cho người dân; các chương trình y tế đã được triển khai đến các bản vùng sâu, vùng xa, các dịch bệnh từng bước được đẩy lùi. Phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tạo được những chuyển biến tích cực trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đến nay, có hơn 2.200 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 22 bản được công nhận bản văn hóa cấp huyện; nhiều bản là điểm sáng về xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao như: Cây Bông, Khe Khế, Tân Ly, Khe Giữa (huyện Lệ Thủy); Khe Dây, Khe Cát, Sắt, Lâm Ninh (huyện Quảng Ninh); Lương Năng, Ông Tú, Y Leng, Bãi Dinh, La Trọng (huyện Minh Hóa).

Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số từng bước được tăng cường về số lượng và chất lượng. Có 119 cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số, trong đó gần 50% có trình độ trung học phổ thông, hơn 34% có trình độ trung cấp đến đại học, hơn 16% được đào tạo lý luận chính trị trung, cao cấp. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Vai trò của đội ngũ người có uy tín được phát huy; quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững và phát huy.

Có thể nói rằng, những chuyển biến trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua là rất quan trọng, tạo đà cho vùng đồng bào dân tộc từng bước hòa nhập với sự phát triển của cả nước. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta cũng còn rất nhiều khó khăn, đó là: kinh tế phát triển chậm; kết cấu hạ tầng đã được đầu tư song chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo còn trên 51%, hộ cận nghèo hơn 28%); chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. 

Để tiếp tục đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, phương hướng, nhiệm vụ của công tác dân tộc giai đoạn 2014-2019 được xác định là phải tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái; quan tâm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh - xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào; giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc.

Với những định hướng đó, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tin tưởng rằng trong thời gian tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh nhà sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Đặng Thái Tôn
Trưởng ban Dân tộc tỉnh