.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà "*"

Thứ Năm, 11/09/2014, 07:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát biểu của đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II, ngày 10-9-2014.

>> Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ủy ban Dân tộc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dân tộc thiểu số.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ủy ban Dân tộc chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dân tộc thiểu số.

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,
Thưa đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc  của Chính phủ,
Thưa các vị đại biểu Đại hội và các vị khách quý,

Đến dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khỏe các đồng chí đại diện Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đại biểu khách mời của Đại hội và 180 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 2,2 vạn đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh về dự Đại hội. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa Đại hội,

Trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, cùng với các dân tộc trong cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta đã cùng với quân và dân trong tỉnh không ngại hy sinh, gian khổ, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần yêu nước, đóng góp sức người, sức của để giữ vững hậu phương, phục vụ tiền tuyến, góp phần cùng cả nước, cả tỉnh đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, quê hương.

Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

Từ Đại hội thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ nhất đến nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước và tỉnh ta có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành trong tỉnh, cùng sự nỗ lực của toàn thể nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân tộc tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, diện mạo vùng dân tộc, miền núi tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc.

Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư xây dựng và có bước cải thiện rõ rệt. Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã có trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trạm y tế; 100% xã phủ sóng phát thanh, truyền hình và mạng điện thoại di động; trên 97% số xã có điện lưới quốc gia.

Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, như: tỉnh lộ 20 (huyện Bố Trạch), đường lên bản Lòm xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa). Nhiều chợ trung tâm cụm xã, chợ xã được xây dựng, thuận lợi cho việc trao đổi, giao thương hàng hoá. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống của đồng bào dân tộc.

Qua báo cáo trình bày tại Đại hội, chúng ta rất phấn khởi nhận thấy đến nay sản xuất nông, lâm nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Một bộ phận đồng bào đã chuyển đổi tập quán sản xuất, đặc biệt như các tộc người: Rục, Khùa, Mày, Macoong, Mã liềng,... trước đây chỉ biết “phát, đốt, cốt, trỉa”, thì nay đã biết thâm canh lúa nước, cải tạo vườn đồi, trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại. Số hộ đồng bào dân tộc làm ăn khá, giỏi ngày càng tăng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 hộ người dân tộc làm ăn khá, giỏi, trong đó, có 187 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm và hơn 200 hộ có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ đói nghèo vùng đồng bào dân tộc giảm bình quân 6%/năm.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ, các loại hình trường lớp được mở rộng đến các bản làng vùng sâu, vùng xa tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường; tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 1, phổ cập tiểu học, phổ cập trung học cơ sở được nâng lên hàng năm. Cùng với hệ thống trường phổ thông, các trường dân tộc nội trú được đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào được chú trọng, các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác được khống chế có hiệu quả. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được mở rộng, phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân; các chương trình y tế đã được triển khai đến các bản vùng sâu, vùng xa và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động đã thu hút được sự tham gia của đồng bào dân tộc. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện ngày càng nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng cao. Công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được quan tâm, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, một số lễ hội truyền thống của đồng bào được khôi phục và phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường. Công tác phát triển đảng trong đồng bào dân tộc được chú trọng; cùng với đó, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số được bổ sung, kiện toàn. Hiện nay có 119 cán bộ, công chức cấp xã và 186 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là người dân tộc thiểu số; 231 già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia Ủy ban Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở. 100% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có các tổ chức đoàn thể. Đội ngũ người có uy tín đã phát huy tốt vai trò đoàn kết, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Đồng bào dân tộc thiểu số cùng với các lực lượng khác trên địa bàn đã tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ cột mốc, đường biên, cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều nguồn tin quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn vận chuyển ma túy, vật liệu nổ qua biên giới, vượt biên trái phép góp phần bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ.

Những kết quả nói trên đã khẳng định công sức và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh; khẳng định tính ưu việt và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã chung sức, chung lòng từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc và miền núi, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Thưa Đại hội,

Những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc và những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta trong thời gian qua là rất quan trọng và đáng phấn khởi. Nhưng nhìn lại, vẫn còn những khó khăn, hạn chế.

Tuy chúng ta đã tập trung đầu tư trên tất cả các mặt, các lĩnh vực nhưng nhìn chung kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc vẫn còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập quán canh tác còn lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Việc tổ chức thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc thiểu số còn thiếu giải pháp đồng bộ; nhiều tiềm năng lợi thế chưa được khai thác, phát huy đúng mức, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả còn thấp; cơ sở hạ tầng đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại, các giá trị văn hóa truyền thống của của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một; việc thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước đối với các hộ nghèo đồng bào dân tộc bên cạnh mặt tích cực, cũng làm nảy sinh tâm lý ỷ lại của không những một số hộ mà ngay cả cấp ủy, chính quyền vùng miền núi, dân tộc “muốn được nghèo” để được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, gây khó khăn cho công tác giảm nghèo.

Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở một số xã, một số địa bàn còn yếu; công tác tham mưu về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc còn hạn chế. Cán bộ làm công tác dân tộc tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp với yêu cầu; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập.

Tại Đại hội này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận kỹ những khó khăn, hạn chế, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của hạn chế, khuyết điểm để đề ra giải pháp thực hiện tốt hơn công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Thưa Đại hội,

Công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định: công tác dân tộc là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đó là quan điểm nhất quán đòi hỏi Đại hội chúng ta phải quán triệt một cách sâu sắc, từ đó tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác dân tộc theo quan điểm của Đảng ta. Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã trình bày tại Đại hội. Đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, trên cơ sở xác định vai trò, vị trí quan trọng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước các âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc để chống phá sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Đi liền với nhiệm vụ trên, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020

Thứ hai, căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh  để lựa chọn các công trình ưu tiên trong việc phát triển vùng đồng bào dân tộc.

Chú trọng tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, trước hết là điện, đường, trường, trạm y tế, chợ, các công trình nước sinh hoạt, thông tin liên lạc....; thực hiện tốt chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển; tập trung giải quyết tốt về nhu cầu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số nhằm phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh để vùng đồng bào dân tộc sớm hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh, của nước và khu vực, xứng đáng là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, nhất là các dân tộc thiểu số rất ít người, đời sống còn khó khăn, lạc hậu.

Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch phát triển cây, con cho từng vùng, phát huy lợi thế so sánh trong quy hoạch phát triển vừa đảm bảo điều kiện sản xuất cho đồng bào, vừa phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng để đồng bào yên tâm lao động, sản xuất; tận dụng diện tích đất trống, đồi núi trọc hoặc nương rẫy cũ để đồng bào trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.

Phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng dân tộc - miền núi để phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ đồng bào phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế rừng... gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có chính sách ưu tiên và thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông, lâm sản trong vùng để tạo điều kiện cho đồng bào đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cần quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào; tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố và duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Làm tốt đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc; quan tâm công tác phòng chống suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.

Thứ tư là, tăng cường quốc phòng - an ninh, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hậu phương biên phòng tại chỗ, hình thành thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng cụm dân cư biên giới đối với các bản ở những vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới. Ngăn chặn việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đoàn kết giữa các dân tộc, làm mất ổn định xã hội. Thực hiện  tốt chính sách đối ngoại trong quan hệ hợp tác với các tỉnh của nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào có chung biên giới tỉnh ta.

Thứ năm là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác củng cố và phát triển tổ chức đảng và đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nguồn cán bộ tại chỗ và thực hiện chính sách thu hút cán bộ, nhất là sinh viên ra trường là người dân tộc thiểu số đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc.

Tăng cường sự phối hợp của các ngành, với Mặt trận và các đoàn thể trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bằng các chính sách, biện pháp cụ thể, động viên đồng bào các dân tộc phát huy nội lực, ý chí, tự lực tự cường, tinh thần vươn lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tôi đề nghị đồng bào chúng ta hãy phát huy tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đoàn kết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh. Ra sức thi đua hăng hái trong lao động sản xuất để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Xứng đáng với truyền thống quý báu từ ngàn đời nay của các dân tộc trong tỉnh.

Nhân đại hội này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thưa Đại hội,

Năm 2015 và những năm tiếp theo đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh ta nói chung và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số những nhiệm vụ và trách nhiệm hết sức nặng nề. Nhưng với truyền thống quý báu của dân tộc và quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”, chúng ta tin rằng, thời gian tới, đồng bào các dân tộc tỉnh ta sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết một lòng, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp xứng đáng cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và các mục tiêu mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II đã đề ra.

Với niềm tin tưởng đó, một lần nữa, tôi xin gửi đến quý vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể Đại hội lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình lần thứ II thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

---------------------------------------

"*" Đầu đề do Tòa soạn đặt.