.
Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo 1-8:

Ngành Tuyên giáo với công tác tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu, 01/08/2014, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ đầu năm 2009, tỉnh ta đã chủ động triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy, công tác tuyên giáo đã đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc quán triệt các quan điểm, chủ trương, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cổ vũ quần chúng tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương...

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt là người nông dân. Để đạt được những lợi ích ấy đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, toàn xã hội và người dân phải thống nhất về tư tưởng, có nhận thức đầy đủ, từ đó tích cực và chủ động tham gia.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, công tác tuyên truyền được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm nội dung, đúng định hướng, đa dạng, phong phú sáng tạo về hình thức, phù hợp với đối tượng, chú trọng vào số lượng và chất lượng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), các kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh phổ biến những kiến thức xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, góp phần làm rõ hơn nhận thức, tư tưởng, mong muốn của người dân trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, điều hành chương trình xây dựng nông thôn mới. Định hướng tuyên truyền Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới tại các hội nghị giao ban các cơ quan báo chí hàng tháng.

Chỉ đạo Ban Tuyên giáo các cấp chủ động xây dựng kế hoạch; tham mưu tổ chức các hội nghị cán bộ chủ chốt của huyện, thị xã, thành phố và cơ sở để quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; thường xuyên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là khu vực nông thôn khơi dậy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, phát huy cao độ quyền làm chủ, tích cực đóng góp sức người, sức của và trí tuệ xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thông qua công tác tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động và hiểu sâu sắc rằng: xây dựng nông thôn mới là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa...

Bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại hội nghị giao ban các cơ quan báo chí hàng tháng về tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở đã tăng thời lượng phát sóng, mở các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, các tin, bài về xây dựng nông thôn mới; phản ánh các gương điển hình, cách làm hay cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh-truyền hình, bản tin của các địa phương cũng được quan tâm đúng mức, thời lượng phản ánh tin, bài viết về hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới của các tổ chức, đặc biệt là những bài phản ánh cách làm hay, mới, sáng tạo, hiệu quả, phản ánh những mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới được tăng cường. Ban Tuyên giáo các cấp đã biên soạn và cung cấp tài liệu hỏi và đáp, sổ tay, tờ gấp, đĩa CD, bảng trích lục 19 tiêu chí với nội dung liên quan chương trình xây dựng nông thôn mới một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhằm phổ biến rộng rãi đến người dân và làm cho mỗi hộ gia đình biết rõ phải làm gì, xóm mình làm công trình nào trong năm nay, đóng góp bao nhiêu, bằng hình thức gì... để thực hiện.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện rộng khắp, thu hút các tầng lớp nhân dân và các ngành trong tỉnh chung sức tham gia. Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới tỉnh ta đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Các cấp, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đồng tình, phấn khởi về chủ trương xây dựng nông thôn mới; xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện; góp phần hoàn thành  chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra diện mạo mới cho vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, chợ, trường học, trạm xá... phục vụ tích cực cho đời sống và sản xuất, kinh doanh của địa phương. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã có bước phát triển nhanh, năng suất cây trồng, vật nuôi gia tăng đáng kể, giá trị sản xuất đạt ở mức cao.

Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi, đem lại hiệu quả thiết thực ở nhiều cơ sở; đã xuất hiện một số tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới được rút kinh nghiệm, tuyên truyền và nhân ra diện rộng. Từ năm 2011 - 2013, tổng mức huy động các nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 2.064 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.323 tỷ đồng (chiếm 64%); vốn tín dụng 158 tỷ đồng (8%), vốn doanh nghiệp 33 tỷ đồng (2%); nhân dân đóng góp 299 tỷ đồng, vốn lồng ghép 175 tỷ đồng (8%); nguồn vốn khác 75 tỷ đồng (4%).

Đặc biệt, toàn tỉnh đã có 20.415 hộ dân tự nguyện hiến trên 1,4 triệu m2 đất, giá trị trên 97 tỷ đồng; 2.674 hộ tự nguyện phá dỡ 287.074m hàng rào, giá trị 26 tỷ đồng và các tài sản khác gần 35 tỷ đồng. Đến tháng 4 năm 2014, các địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới đã triển khai, thực hiện các tiêu chí khá đồng bộ; cụ thể, có 06 xã đạt từ 17 - 19 tiêu chí, tăng 06 xã so với khi mới triển khai, 48 xã đạt từ 10 - 16 tiêu chí. Hiện, tỉnh đang huy động mọi nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình và phấn đấu đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 11 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Từ những kết quả đã đạt được, để góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản như:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục, bảo đảm cả chiều rộng lẫn chiều sâu để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Khơi dậy và phát huy các nguồn lực trong nhân dân để tham gia xây dựng nông thôn mới, làm cho người dân hiểu được mục đích xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích thiết thực của người dân và dân là người làm chủ.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hỉnh tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống truyền thanh, bản tin cơ sở nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, tạo sức lan tỏa rộng khắp tới mọi tầng lớp nhân dân.

- Hệ thống tuyên giáo các cấp thường xuyên tham mưu giúp cấp ủy định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền xây dựng nông thôn mới hằng tháng,  hằng quý, đảm bảo tính sát thực, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng báo cáo viên các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.

- Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, cấp ủy và Ban chỉ đạo các cấp cần gắn nội dung tuyên truyền tiêu chí xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân để củng cố niềm tin và động viên các tầng lớp nhân dân tham gia công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Trần Kiên