.
Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc (2 và 5-8-1964 - 2 và 5-8-2014):

Ký ức nửa thế kỷ

Thứ Bảy, 02/08/2014, 12:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 5-8-1964, nhằm gây sức ép với Hạ viện Mỹ đồng ý đưa quân đội tham chiến, Mỹ hóa cuộc chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Johnson tạo ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngang nhiên cho không quân tiến hành chiến dịch "Mũi tên xuyên" bắn phá hầu hết các căn cứ Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) trên toàn miền Bắc. Lực lượng Hải quân Việt Nam chẳng những không bị bất ngờ mà còn giáng cho không quân Mỹ những đòn thất bại nặng nề. Chiến thắng vang dội trên sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, ghi nhận sự kiện ra quân đánh thắng trận đầu của HQNDVN và quân, dân miền Bắc.

>> Hồi ức đánh tàu Maddox

Bia di tích chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam  và quân, dân miền Bắc.
Bia di tích chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc.

Tượng đài bên dòng Gianh

Những ngày cuối tháng 7-2014, chúng tôi trở lại thăm vùng đất ven sông Gianh, chiến trường xưa, nơi cách đây 50 năm diễn ra sự kiện đánh thắng trận đầu của HQNDVN và quân, dân miền Bắc. Trong âm vang hào hùng của một thời lửa đạn cách đây nửa thế kỷ, dọc một dãy bờ bắc từ phường Quảng Thuận xuôi về phía Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn) ra đến tận cửa biển, nơi nào cũng rợp cờ Tổ quốc...

Đúng 8 giờ sáng ngày 28-7, Lữ đoàn công binh 83, Quân chủng Hải quân cùng với các ban, ngành trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Ba Đồn trang trọng tổ chức lễ khánh thành, bàn giao Bia di tích chiến thắng trận đầu của HQNDVN và quân, dân miền Bắc. Bia di tích nằm phía bờ bắc, sát cạnh chân cầu Gianh thuộc phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn.

Đại tá Trần Bá Bình, Chính ủy Lữ đoàn công binh 83, trò chuyện với chúng tôi không giấu hết tự hào: "Đơn vị không trực tiếp tham gia trận đầu ra quân đánh thắng giòn giã nơi dòng Gianh này. Nhưng trong tâm khảm những người lính hải quân chúng tôi luôn ghi lòng, tạc dạ chiến công của lớp người đi trước. Đơn vị được Quân chủng giao trọng trách thi công sửa chữa Bia di tích, thời gian thực hiện chỉ trong vòng một tháng. Bia di tích hoàn thành, nằm kiêu dũng bên sông Gianh, để những người lính trở về thăm lại chiến trường xưa tưởng nhớ đến đồng đội mình, ai còn, ai mất".

Trong câu chuyện của đại tá Nguyễn Phong Cảnh, Phó Chủ nhiệm chính trị, Quân chủng HQNDVN dưới chân Bia di tích, chúng tôi tìm thấy được những ký ức một thời lửa đạn...

Thời khắc tháng 8 cách đây 50 năm về trước, ngày 5-8-1964, Mỹ sử dụng 64 máy bay trinh sát, máy bay tiêm kích, cường kích trên hai tàu sân bay Côn-xten-lây-sơn và Ti-cơn-đô-rê-ga bất ngờ tiến công hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của Hải quân trên tuyến ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.

Từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ, thực hiện kế hoạch “Mũi tên xuyên”, không quân Mỹ đã cho cất cánh gần 100 lần chiếc máy bay, mở 3 đợt tiến công hòng tiêu diệt hải quân ta. Nhiều tốp máy bay phản lực Mỹ đã đánh vào cảng Gianh, cửa sông Roòn. Bộ đội hải quân, phòng không, bộ đội địa phương, công an vũ trang và dân quân tự vệ kịp thời tổ chức lực lượng, phối hợp đánh trả chúng quyết liệt.

Tại cảng Gianh, các tàu hải quân của ta đã nhanh chóng cơ động nổ súng kịp thời từ đợt công kích đầu tiên của máy bay Mỹ. Tiếp đó, các tàu 173, 175, 177 và các trận địa súng máy, cao xạ hai bên bờ sông Gianh đều nổ súng đánh trả. 16 giờ 18 phút, Mỹ lại cho 5 chiếc F8U tiếp tục lao vào đánh phá cảng Gianh lần thứ hai. Các tàu 167, 181, 161 đã cơ động nhanh, bắn trả quyết liệt, vô hiệu hóa các đợt tiến công của địch. Tự vệ ngư trường Sông Gianh, công an vũ trang, lực lượng dân quân các xã: Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Thuận, Thanh Trạch, Bắc Trạch... đã hiệp đồng chiến đấu, chi viện kịp thời cho lực lượng hải quân. Trước lưới lửa dày đặc của bộ đội và nhân dân ta, bọn giặc lái Mỹ không dám sà xuống thấp...

Tại vịnh Hòn La, chiếc tàu tải trọng 50 tấn của lực lượng hải quân, chở 22 cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị Phòng bảo đảm hàng hải, Quân chủng Hải quân khi đang khảo sát tại vịnh thì máy bay Mỹ xuất hiện cắt bom đánh phá. Trên đài chỉ huy, chiến sĩ phụ trách tín hiệu thông tin bị thương. Ba  máy bay hiện đại của Mỹ bay với tầm cao chừng 3 km hung hãn như muốn nuốt chửng con tàu. Bom nổ quanh con tàu, nhiều chiến sỹ bị thương.

Quán triệt và nắm vững âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ tạo cớ đánh phá miền Bắc nên dù lần đầu tiên nhìn thấy máy bay kẻ thù, đơn vị không hề lúng túng, bị động mà khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu. Hỏa lực của tàu lúc đó chỉ có súng 25mm, 12,7mm, trung liên nhưng những loạt đạn bắn cấp tập làm máy bay Mỹ hoảng sợ vội vã rút quân. 15 giờ ngày 5-8, biên đội máy bay đông đến 6 chiếc của Mỹ lại bổ nhào bắn phá lần thứ hai. Đội trưởng đo sâu Hoàng Văn Quý quê vùng biển Lý Hòa bị rốc két phang cụt chân, khi đưa vào bờ thì hy sinh...

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm của các chiến sĩ hải quân, của quân dân Quảng Bình, trận đánh máy bay Mỹ đã giành được thắng lợi. Trong chiến thắng trận đầu, quân dân Quảng Bình cùng với bộ đội hải quân, bộ đội phòng không ba thứ quân đã bắn rơi 3 chiếc và bắn bị thương 1 chiếc máy bay Mỹ. Chiến thắng này mang ý nghĩa hết sức quan trọng cả về quân sự và chính trị, cỗ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, củng cố niềm tin cho quân dân cả nước.

Dù chiếm ưu thế về hỏa lực và cơ động, lại làm chủ bầu trời nhưng không quân Mỹ đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt, ngoan cường của lực lượng hải quân Việt Nam, pháo phòng không, các loại súng bộ binh... Chiến dịch "Mũi tên xuyên" với những tham vọng to lớn đặt ra ban đầu của Nhà Trắng thất bại thảm hại, bị bẻ gãy ngay từ trận đánh đầu tiên.

Một thời lửa đạn

Ông Mai Văn Nhiệm đang kể lại trận đầu đánh trả máy bay Mỹ.
Ông Mai Văn Nhiệm đang kể lại trận đầu đánh trả máy bay Mỹ.

Tham gia đánh thắng trận đầu trong các trận đánh ngày 2 và 5- 8-1964, ngoài lực lượng hải quân còn có sự phối hợp của bộ đội pháo phòng không, dân quân, du kích các xã ven sông Gianh.

Tại buổi lễ khánh thành và bàn giao Bia di tích chiến thắng trận đầu của HQNDVN và quân, dân miền Bắc, chúng tôi may mắn gặp ông Mai Văn Nhiệm, 71 tuổi, ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, nguyên chiến sỹ pháo thủ phân đội 6, khu tuần phòng 2, Quân chủng Hải quân.

Ông Nhiệm bồi hồi nhớ lại:  "Lúc đó đơn vị tôi có 3 phân đội 5, 6 và 7, tàu đang neo đậu tại cảng Gianh. Trận đấu diễn ra, máy bay lao xuống cắt bom, bộ đội có chút bị động vì tất cả các tàu vướng dây neo, không cơ động được, trở thành mục tiêu cố định cho máy bay địch. Sau ít phút định hình, tổ chức lại lực lượng, các tàu đồng loạt chặt xích dây neo, cơ động chiến đấu, giáng trả quyết liệt máy bay địch. Sau hơn một giờ đồng hồ chiến đấu, chúng rủ nhau chuồn thẳng ra biển".

"Nhắc lại trận đầu đánh trả máy bay Mỹ, tôi nhớ như in. Trở thành bài học xương máu cho những người lính hải quân chúng tôi sau này, khi mỗi lần đối mặt với tàu chiến, thần sấm, con ma trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc"- Ông Mai Văn Nhiệm chia sẻ. Khi đứng dưới Bia ghi danh một phần chiến công nhỏ của mình trong đó, ông Nhiệm rưng rưng: "Tôi chỉ có một mong ước nho nhỏ, nhưng cháy bỏng. Đồng đội cùng nhau tham gia đánh thắng trận đầu tiên năm ấy, bây giờ ai còn, ai mất. Xin cho chúng tôi gặp mặt nhau, ngay dưới Bia di tích này!".

Ông Nguyễn Trọng Quế, 77 tuổi ở xã Quảng Phúc, nguyên Xã đội trưởng xã đội Quảng Phúc. Ông Quế từng huy động 70 dân quân du kích xã mình tham gia trận đánh ở cảng Gianh cùng bộ đội phòng không, bộ đội hải quân. Nhắc lại trận đánh năm xưa, ông nhớ nhớ, quên quên. Cô cán bộ văn hóa xã dẫn đường cho chúng tôi nói khẽ: "Từ ngày bà mất, sức khỏe ông xuống hẳn. Chứ trước đây mỗi lần có đoàn khách nào về tìm hiểu trận đánh trên sông Gianh, ông cụ nhớ vanh vách, nhớ đến từng tên đồng đội của mình".

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Quế có vẻ vui vui: "Hơn một tháng ni trí nhớ cứ lẩn thẩn dần. Biết rõ về sự kiện 50 năm trước lắm chớ. Trận nớ máy bay bắn rát lắm nhưng Đại đội dân quân của xã Quảng Phúc không có ai bị thương vong. Nhớ rứa thôi, còn chi tiết sợ kể tầm phào". Ông thú nhận vậy, khuôn mặt phúc hậu đọng lại nụ cười như có lỗi với khách. Khi chúng tôi đề cập đến những đồng đội tham gia trận đánh, ông Quế lần tìm tên từng người: "Huyên, Huề, Long, Diệu... còn sống. Huệ thì đã mất rồi! Riêng Huề thì ở gần đây". Ông đưa tay chỉ về phía bờ sông Gianh.

Theo lời ông Nguyễn Trọng Quế, chúng tôi thăm ông Nguyễn Văn Huề, 82 tuổi. Tuổi cao nhưng ông còn rất minh mẫn. Ông Huề nhớ rõ đến chi tiết: "Lúc xảy ra trận chiến, đơn vị 23 Hải quân của ta sau ít phút tổ chức lực lượng đã xác định đúng mục tiêu địch. Hỏa lực của ta ken dày bầu trời gồm súng 37 ly, 14 ly 5, 12 ly 7... bắn trả quyết liệt. Bác lúc đó đang phục vụ chiến đấu trên tàu, nghe phía bên hông đau nhói, nhìn lại đã thấy máu chảy ướt đẫm". Ông Quế, vén một bên hông cho tôi xem vết thương, mảnh bom Mỹ năm nào sắc ngọt phạt ngang một phần mông, in dấu sẹo sâu hoắm  trên cơ thể.

Những người lính từng tham gia trận đánh 50 năm về trước trên sông Gianh bây giờ biết ai còn, ai mất... những ai quê quán ở đâu? Thời gian 50 năm, những cựu chiến binh hiếm hoi mà chúng tôi may mắn gặp được đều có chung mong ước, sớm về lại với nhau một lần bên dòng sông Gianh lịch sử, đứng dưới Bia ghi danh trận đầu ra quân đánh thắng không quân Mỹ của HQNDVN và quân, dân miền Bắc để nói với nhau rằng một thời lửa đạn ngày xưa ấy không thể nào quên.

Hương Trà