.
Đưa Hiến pháp vào cuộc sống:

Những điểm mới cần quan tâm trong tổ chức thi hành Hiến pháp

Thứ Hai, 14/04/2014, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là một sự kiện chính trị- pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp lần này thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tổng hợp được nhiều ý kiến, trí tuệ của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp (sửa đổi) có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến.

Phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Để triển khai thi hành Hiến pháp, trong tuyên truyền, giới thiệu cần quan tâm đến một số điểm mới, quan trọng trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này:

Một là, về bố cục: Hiến pháp sửa đổi có 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). Bố cục gọn, kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, hiện đại hơn, ngôn ngữ chắt lọc, ý tứ lựa chọn, bảo đảm đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài. Lời nói đầu gọn hơn, Hiến pháp cũng thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ XHCN và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Đây là quan điểm, nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp; bổ sung đầy đủ các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và HĐND như Hiến pháp năm 1992 mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Hai là, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa Điều 4 của Hiến pháp 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan, được nhân dân ghi nhận, tín nhiệm. Tuy nhiên để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp xác định rõ hơn và sâu sắc hơn tính tiên phong, bản chất giai cấp công nhân và nhân dân của Đảng; bổ sung một quy định rất quan trọng đó là: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Ba là, Hiến pháp năm 1992 quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Chương 5, nhưng Hiến pháp (sửa đổi) lần này đưa lên Chương 2, riêng bố cục đó cũng thể hiện tầm quan trọng về quyền con người. Đồng thời, tên chương cũng đổi thành: "Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân". Qua đó để khẳng định rằng, quyền con người là quyền tự nhiên, thể hiện tính nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, đúng như công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể Điều 14 quy định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Thay cụm từ "mọi công dân "thành" mọi người", theo đó Điều 16 nêu rõ: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". Bổ sung thêm quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật".

Bốn là, Hiến pháp làm nổi bật vai trò của MTTQ Việt Nam, bổ sung và làm rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đoàn kết, tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội, giám sát phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân. Hiến pháp (sửa đổi) cũng đã hoàn thiện một bước cơ bản quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, làm nổi bật và phù hợp vị trí, vai trò của các tổ chức này trong xã hội nước ta, tạo cơ sở pháp lý, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong đời sống chính trị của đất nước thời kỳ mới.

Hiến pháp lần này đã được điều chỉnh khá hợp lý, quy định tách biệt vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành hai khoản riêng biệt (Khoản 1 và 2 Điều 9). Hiến pháp (sửa đổi) dành một khoản riêng (Khoản 2) để quy định về 5 tổ chức chính trị - xã hội: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam chứ không chỉ quy định riêng cho Công đoàn Việt Nam như Hiến pháp 1992.

Nguyễn Ngọc Phương

 Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

(còn nữa)