.
Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam (3-1-1946 - 3-1-2014):

Nỗ lực hoàn thiện công tác lưu trữ

Thứ Sáu, 03/01/2014, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay trong thời gian đầu Cách mạng Tháng Tám mới thành công, ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP về công tác công văn, giấy tờ, trong đó Người đã chỉ rõ: “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Thông đạt có ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân trong việc giữ gìn hồ sơ, tài liệu và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia.

Với ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của công tác lưu trữ đối với xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 17-9-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam, trong đó đã nêu: “Ngày 3 tháng 1 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam, lấy tên Ngày Lưu trữ Việt Nam”.

68 năm qua là một chặng đường dài phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lưu trữ trong cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Ở tỉnh ta, sau khi thành lập Uỷ ban hành chính (UBHC) và Uỷ ban hành chính kháng chiến (UBHCKC) tỉnh Quảng Bình, Tỉnh uỷ và UBHCKC đã hình thành bộ phận Văn thư, Lưu trữ trong Phòng Hành chính, Quản trị thuộc Văn phòng UBHCKC có nhiệm vụ giúp Chánh Văn phòng UBHCKC tham mưu quản lý công tác văn thư, lưu trữ.

Để tăng cường quản lý công tác lưu trữ và tài liệu trong tình hình mới, ngày 16-9-1998, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 55/1998/QĐ-UB thành lập Trung tâm Lưu trữ tỉnh, trên cơ sở kiện toàn bộ phận Lưu trữ - Phòng Hành chính - Quản trị thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Lúc đó đa số là cán bộ, công chức đều kiêm nhiệm, chỉ có 2 công chức chuyên trách làm công tác lưu trữ. 10 năm sau, ngày 25-3-2008 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 526/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban Thi đua Khen thưởng, Ban Tôn giáo, Trung tâm Lưu trữ từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Nội vụ.

Lưu trữ viên đang tra cứu tài liệu phục vụ độc giả tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình.
Lưu trữ viên đang tra cứu tài liệu phục vụ độc giả tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình.

Nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp văn thư, lưu trữ, ngày 15-12-2010, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 16/2010/QĐ-UB thành lập Chi cục Văn thư - Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình.

Từ ngày thành lập đến nay, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh với số lượng 30 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm công tác văn thư, lưu trữ đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành tốt công tác quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp văn thư, lưu trữ; từng bước đưa công tác văn thư, lưu trữ của tỉnh nhà đi vào nền nếp.

Cùng với việc cơ cấu lại tổ chức, bố trí nhân sự, thực hiện các chế độ phụ cấp cho cán bộ lưu trữ theo quy định, Chi cục đã tập trung nhiệm vụ trọng tâm là thu thập, chỉnh lý, bảo quản và khai thác sử dụng tài liệu. Đặc biệt trong năm 2013, Chi cục đã tham mưu kịp thời cho Sở Nội vụ về công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lưu trữ, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lưu trữ; tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ; kiểm tra, hướng dẫn và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác văn thư, lưu trữ;  khảo sát tài liệu lưu trữ tồn đọng ở các cơ quan, tổ chức và trực tiếp chỉnh lý tài liệu theo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra.

Tuy nhiên, công tác lưu trữ của tỉnh Quảng Bình cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là kho lưu trữ chuyên dụng của tỉnh chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định, do đó gây khó khăn trong việc thu thập những tài liệu có giá trị lịch sử. Khối lượng tài liệu lưu trữ tồn đọng, tích đống tại các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử còn nhiều, đòi hỏi một nguồn kinh phí không nhỏ trong công tác chỉnh lý tài liệu. Bên cạnh đó công tác lập hồ sơ công việc và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong những năm tới đây, có thể xem việc tập trung giải quyết những khó khăn trên tại các cơ quan, tổ chức là những bước cơ bản để hoàn thiện công tác lưu trữ ở tỉnh ta.

Nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam 3-1-2014, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng đã nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lưu trữ “...Năm 2014 và những năm tiếp theo triển khai thực hiện Luật Lưu trữ, chúng ta đang có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bảo vệ an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào công tác văn thư, lưu trữ phục vụ đắc lực cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Vinh dự và tự hào trước những kết quả đạt được, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức lưu trữ tỉnh Quảng Bình càng ý thức được sâu sắc trách nhiệm của mình và tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo quản và khai thác, phát huy giá trị tài liệu quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới hiện nay của tỉnh nhà.

P.V