.

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI: Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và kiến nghị của cử tri

Thứ Năm, 02/01/2014, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo quy định tại Điều 13, Luật BHYT thì mức đóng hàng tháng của Cựu chiến binh (theo quy định của pháp luật về Cựu chiến binh) do ngân sách Nhà nước đóng.

Lĩnh vực xã hội

- Cử tri huyện Bố Trạch kiến nghị, chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng thanh niên xung phong được hưởng lúc khám, chữa bệnh là 100%, trong khi đối tượng Cựu chiến binh chỉ được hưởng 80% là chưa hợp lý.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời: Theo quy định tại Điều 22 Luật BHYT thì mức hưởng BHYT của đối tượng Cựu chiến binh là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Phần chi phí còn lại, người bệnh phải tự chi trả. Về ý kiến của cử tri nêu, BHXH tỉnh sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Luật BHYT.

- Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ những người tham gia quân đội từ sau năm 1975 chưa được hưởng chế độ BHYT.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời: Theo quy định tại Điều 13, Luật BHYT thì mức đóng hàng tháng của Cựu chiến binh (theo quy định của pháp luật về Cựu chiến binh) do ngân sách Nhà nước đóng. Do đó, BHXH tỉnh đề nghị các trường hợp tham gia quân đội từ sau năm 1975 chưa được cấp thẻ BHYT đang sinh hoạt trong các Hội Cựu chiến binh (có thẻ hội viên) liên hệ với Hội Cựu chiến binh nơi đang sinh hoạt để được làm thủ tục cấp thẻ BHYT đúng theo quy định.

- Cử tri TP. Đồng Hới kiến nghị việc điều chỉnh lương cho cán bộ nghỉ hưu cấp xã theo Nghị định 31 và 35 đến nay chưa được giải quyết. Đề nghị tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời: Nghị định số 31/2012/NĐ-CP, ngày 12-4-2012 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung; Nghị định số 35/2012/NĐ-CP, ngày 18-4-2012 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ đã nghỉ việc. Theo quy định tại Nghị định số 35/2012/NĐ-CP thì cán bộ xã, phường, thị trấn được điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng gồm 2 nhóm đối tượng sau: Nhóm 1 gồm: cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 35/2012/NĐ-CP. Nhóm đối tượng này được ngân sách Nhà nước chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng thông qua quỹ BHXH.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhóm này có tổng số là 220 người và đã được BHXH tỉnh thực hiện điều chỉnh, chi trả hàng tháng từ ngày 1-5-2012. Nhóm 2 gồm: cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 4, Điều 1 Nghị định số 35/2012/NĐ-CP. Nhóm đối tượng này do ngân sách địa phương thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng; Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện chi trả đối với cán bộ xã, phường, thị trấn thuộc nhóm này. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 4, Điều 1, Nghị định số 35/2012/NĐ-CP không thuộc phạm vi thực hiện sự điều chỉnh và chi trả của cơ quan BHXH tỉnh.

- Cử tri huyện Quảng Trạch phản ánh: Các trận bão, lũ, lốc xoáy năm 2013 đã làm sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng các tuyến kè ở thôn Công Hòa xã Quảng Trung, thôn Tân An xã Quảng Thanh. Đề nghị đầu tư khắc phục hậu quả.

- UBND huyện Quảng Trạch trả lời: Cơn bão số 10 và 11 năm 2013 với cường độ rất mạnh đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện Quảng Trạch. Đối với hệ thống các tuyến ở thôn Công Hòa xã Quảng Trung, thôn Tân An xã Quảng Thanh việc đầu tư kinh phí để xây dựng các tuyến này là rất cần thiết nhằm bảo vệ dân cư và đất sản xuất. Với khối lượng và kinh phí đầu tư lớn, trong khi đó nguồn ngân sách của huyện còn gặp nhiều khó khăn nên huyện không có khả năng đầu tư xây dựng được. Vừa qua, UBND huyện đã lập kế hoạch và đề xuất trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư kè bảo vệ, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn đầu tư. Đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí để huyện khắc phục các tuyến kè bảo đảm an toàn và phục vụ sản xuất cho nhân dân.

- Cử tri huyện Minh Hóa đề nghị tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí làm cầu treo Bến Mai, nối từ thôn Thanh Tân sang thôn Thanh Sơn xã Hóa Thanh; cầu treo Vực Rò xã Trung Hóa và cầu treo xã Thượng Hóa đã hết hạn sử dụng, gây mất an toàn cho học sinh và người dân trong việc đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Cầu treo xã Hóa Thanh (Minh Hóa) bị hư hỏng năng do bão lũ không sử dụng được, sẽ được thay thế bằng cầu tràn Bến Mai dự kiến được thực hiện xây dựng vào năm 2015.
Cầu treo xã Hóa Thanh (Minh Hóa) bị hư hỏng năng do bão lũ không sử dụng được, sẽ được thay thế bằng cầu tràn Bến Mai dự kiến được thực hiện xây dựng vào năm 2015.

- UBND huyện Minh Hóa trả lời: Hiện nay 3 cầu treo nói trên đã hết hạn sử dụng theo thông báo của  các cơ quan chức năng. Việc đầu tư xây dựng lại các cầu treo theo đề nghị của cử tri là hoàn toàn chính đáng. Tuy vậy, để phục vụ đi lại tạm thời cho người dân tại các vùng này, UBND huyện đã bố trí 1 đò chèo tay tại xã Hóa Thanh. Kế hoạch năm 2014, UBND huyện đã đưa vào đầu tư xây dựng từ nguồn vốn 30 a gồm: ngầm tràn thôn Quyền xã Thượng Hóa thay thế cầu treo xã Thượng Hóa; đưa vào kế hoạch chuẩn bị đầu tư cầu tràn Bến Mai xã Hóa Thanh năm 2014 và thực hiện xây dựng từ năm 2015 để thay thế cầu treo xã Hóa Thanh. Riêng đối với cầu treo xã Trung Hóa phục vụ việc đi lại của nhân dân các thôn Thanh Liên 1, Thanh Liên 2, Tiền Phong 1, Tiền Phong 2 chưa có ngồn vốn để bố trí. Tuy nhiên, hiện nay nhân dân các khu vực này có thể đi qua cầu Ngầm Rinh trong mùa mưa lũ mà không bị cô lập.

- Cử tri huyện Minh Hóa đề nghị tỉnh đầu tư, sửa chữa cột phát sóng ở các xã Thượng Hóa, Tân Hóa, Trọng Hóa và tháp truyền hình huyện bị gãy, đổ do bão số 10 và 11 gây ra.

- UBND huyện Minh Hóa trả lời: Thiệt hại do bão số 10 gây ra trên địa bàn huyện Minh Hóa hết sức nặng nề. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí của huyện rất khó khăn, trước mắt UBND huyện đã sử dụng ngồn vốn của tỉnh hỗ trợ và nguồn vốn dự phòng, nguồn bảo trợ xã hội của huyện để bố trí hỗ trợ nhân dân có thiệt hại về nhà ở, hỗ trợ gạo và sửa chữa các công trình cấp bách như trường học, bệnh viện, các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất và đi lại của nhân dân. Đối với cột phát sóng truyền hình huyện bị nghiêng mạnh, cột phát sóng xã Thượng Hóa, Tân Hóa, Trọng Hóa bị gãy đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn mới tu sửa lại được. Trong điều kiện ngân sách của huyện còn khó khăn nên hiện nay vẫn chưa khắc phục được. UBND huyện đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để khắc phục.

- Cử tri huyện Minh Hóa đề nghị đầu tư xây dựng công trình nước sạch, nước tự chảy cho đồng bào các bản dân tộc thiểu số, các xã thường bị ngập lụt ở xã Dân Hóa, Thượng Hóa, Trung Hóa và Tân Hóa.

- UBND huyện Minh Hóa trả lời: Việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, nước tự chảy cho đồng bào các bản dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND các xã trên lập dự án xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung để đề xuất đầu tư theo quy định tại mục 3, Điều 3-Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bảo dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các thôn bản đặc biệt khó khăn để bảo đảm nhu cầu về nước sạch cho đồng bào.

Riêng các xã Trung Hóa, Tân Hóa hiện nay chưa có công trình nước sạch, bình thường nhân dân sử dụng nước giếng tự đào. Mỗi khi ngập lụt thì nguồn nước hợp vệ sinh để phục vụ đời sống hàng ngày là rất khó khăn. Huyện đã lập dự án để kêu gọi đầu tư nhưng chưa được đầu tư. Trong khi đó nguồn ngân sách của huyện chưa có nên đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng được để phục vụ nhân dân. Trước mắt đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa một số tuyến bị hư hỏng nặng ở các xã biên giới như Dân Hóa, Trọng Hóa và Thượng Hóa. Về lâu dài kính mong UBND tỉnh đầu tư hệ thống nước sạch trên địa bàn huyện theo kiến nghị của cử tri.

- Cử tri huyện Bố Trạch đề nghị đầu tư kinh phí tu sửa cầu treo xã Liên Trạch để nhân dân qua lại thuận tiện, bởi hiện tại cầu này bị cấm qua lại.

- UBND huyện Bố Trạch trả lời: Cầu treo xã Liên Trạch được tổ chức ICO tài trợ, thời hạn sử dụng đã hết từ năm 2009. Từ đó đến nay UBND huyện đã 2 lần bố trí kinh phí sửa chữa nhằm bảo đảm đi lại thuận lợi của nhân dân và học sinh. Vừa qua do bão số 10 làm hư hỏng nặng không bảo đảm ATGT nên UBND huyện đã đình chỉ, nghiêm cấm việc đi lại trên cầu, đồng thời hỗ trợ kinh phí mở bến đò ngang. Thực sự việc đi lại của nhân dân, đặc biệt là các em học sinh rất khó khăn, nhưng nguồn kinh phí để sửa chữa quá lớn trong khi ngân sách của huyện không có. Hiện nay, UBND huyện đang đề nghị Sở GTVT kiểm tra, đánh giá và lập hồ sơ để đề nghị đầu tư.

- Cử tri huyện Quảng Ninh đề nghị đầu tư xây dựng kè chống xói lở, ngập lụt ở xã Hiền Ninh.

- UBND huyện Quảng Ninh trả lời: Trong những năm qua tình hình sạt lỡ bờ sông Long Đại và sông Kiến Giang diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo Ban quản lý dự án xây dựng huyện lập dự án báo cáo UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng công trình trong điều kiện ngân sách địa phương không đủ khả năng đầu tư. Ngày 14-3-2012, UBND tỉnh có Công văn số 243-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương đầu tư Dự án kè chống sạt lở bờ sông Long Đại và Kiến Giang thuộc các xã Tân Ninh, Hiền Ninh với tổng chiều dài 4,5 km từ thôn Hỏa Lò, xã Tân Ninh đến thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh và đã được Văn phòng Chính phủ chỉ đạo lấy ý kiến tại công văn số 1919/VPCP-KTN, ngày 23-3-2012 đến các bộ: Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Nông nghiệp-PTNT, Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Qua kiểm tra thực địa tại hiện trường của Vụ Nông nghiệp, Bộ KH-ĐT và Cục Xây dựng-Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngày 16-5-2012, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4803/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về chủ trương đầu tư Dự án kè chống sạt lở sông Long Đại và sông Kiến Giang như sau: Đồng ý UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo lập và phê duyệt dự án sửa chữa kè chống xói lở bờ sông Long Đại và Kiến Giang đoạn qua thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh chiều dài 300m. Về nguồn vốn đầu tư, trước mắt UBND tỉnh chủ động huy động nguồn vốn địa phương để đầu tư dự án. Đối với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện theo đúng Chỉ thị 1792/CT-TTg, ngày 16-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý vốn đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

Đối với các khu vực còn lại, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến và xử lý kịp thời sạt lở theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg, ngày 4-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm an toàn, phòng chống lụt bão. Hiện nay, đoạn bờ sông thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh dài 300m đã hoàn thành hồ sơ dự án, đang trình Sở KH-ĐT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt và sẽ triển khai khi có nguồn vốn bố trí. Đoạn qua thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh và các đoạn còn lại, UBND huyện kính đề nghị UBND tỉnh báo cáo Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng.

- Cử tri  huyện Quảng Ninh phản ánh thủ tục hành chính về nhà đất còn nhiều phiền hà, đề nghị tiếp tục có sự cải cách.

- UBND huyện Quảng Ninh trả lời: Lĩnh vực Tài nguyên-Môi trường đã được UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính chung cho cấp huyện theo Quyết định số 1200/QĐ-CT, ngày 28-5-2012. Trong bộ thủ tục hành chính lĩnh vực TN-MT thuộc cấp huyện có 24 thủ tục về lĩnh vực đất đai; 10 thủ tục về lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm; 2 thủ tục về lĩnh vực môi trường. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN-MT thực hiện bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực mà UBND tỉnh đã ban hành.

Qua kiểm tra nội dung cử tri phản ánh về việc thực hiện thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hộ gia đình đã trả xong nợ nhưng khi thực hiện thủ tục đăng ký khác gặp vướng mắc. Qua kiểm tra, trong quá trình thực hiện thế chấp, khi trả xong nợ nhưng hộ gia đình không thực hiện thủ tục xóa thế chấp mà làm mất trang bổ sung (thế chấp và xóa thế chấp) đính kèm GCNQSDĐ dẫn đến việc thực hiện các thủ tục đăng ký khác về quyền sử dụng đất gặp vướng mắc. Đối với vấn đề thực hiện đăng ký thế chấp tại trang biến động có ghi cụ thể trang biến động đất này luôn phải kèm theo giấy chứng nhận mới có giá trị pháp lý.

Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngân hàng có hướng dẫn thêm để các hộ dân sau khi trả nợ xong phải đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký xóa thế chấp theo đúng quy định, hạn chế những vướng mắc tiếp theo trong thủ tục đăng ký. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiện nay trên địa bàn huyện đã tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ở cấp xã đã có bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ một cửa; tại cấp huyện đã có trung tâm giao dịch một cửa liên thông. Các thủ tục hành chính về đất đai cũng được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông tại huyện.

Đ.T