.

Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh: Triển khai nhiệm vụ năm 2014

Thứ Sáu, 17/01/2014, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 16-1, Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2014. Đồng chí Lương Ngọc Bính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì hội nghị.

a
Đồng chí Lương Ngọc Bính, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh kết luận hội nghị

Năm 2013, cấp ủy các cấp đã có chuyển biến hơn trong nhận thức, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách tư pháp. Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp trên địa bàn. Nhờ vậy, trong năm 2013 chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nâng lên. Các vụ án được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Các cơ quan chức năng đã chú trọng hơn công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp. Tỷ lệ án bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là 1,95% và tỷ lệ vụ án bị cấp phúc thẩm xử hủy là 0,71%, thấp hơn so với quy định của TAND tối cao là 1,16%. Hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định, không có tình trạng án tồn đọng, nhiều vụ án đã được rút ngắn thời hạn giải quyết so với quy định pháp luật, tỷ lệ số vụ án đã giải quyết trên tổng số vụ án thụ lý trong năm là 97,6%. Kết quả cải cách tư pháp năm 2013 đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế, củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác cải cách tư pháp năm 2013 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số vụ án sau khi xét xử chưa được dư luận đồng tình dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo, kêu oan kéo dài, vượt cấp. Tranh tụng tại phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp…

Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, năm 2014, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng đối với cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức, cán bộ; lãnh đạo trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng theo quy định tại Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị. Tiếp tục quán triệt để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cơ quan tư pháp các cấp nắm vững các mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2012-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể hóa các nhiệm vụ đó vào kế hoạch hoạt động năm 2014 của ngành, địa phương để thực hiện. Gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp với việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các cơ quan tư pháp.

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp của tỉnh vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp có dấu hiệu tiêu cực, cố tình sai phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tư pháp, nhất là đối với những vụ án có đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phản ánh của dư luận. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, giám định); xây dựng đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp của tỉnh có có trình độ nghiệp vụ giỏi, có kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn, có kiến thức pháp luật, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Các ngành tư pháp cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao hơn nữa chất lượng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tập trung giải quyết tốt các vụ án tham nhũng, các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm...

Tr.T