Một số thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh

Cập nhật lúc 14:24, Thứ Tư, 06/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Giai đoạn đầu mới thành lập, từ 1993 đến 1998, Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Bình (Ban DTMN) đã triển khai  thực hiện các nhiệm vụ quan trọng: xây dựng, chỉ đạo, tham mưu và trực tiếp triển khai các dự án Định canh định cư (ĐCĐC)  cấp xã vùng miền núi, trong đó có các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như Hóa Sơn, Thượng Hóa, Hóa Thanh (Minh Hóa), Trường Sơn, Trường Xuân (Quảng Ninh), Kim Thủy (Lệ Thủy); xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ các dân tộc đặc biệt khó khăn cho các tộc người Mày, Rục (Minh Hóa), Mã Liềng (Tuyên Hóa), A Rem, Ma Coong (Bố Trạch).

Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Ban DTMN tỉnh.  Cơ quan mới được thành lập, cán bộ còn mỏng, kinh nghiệm trong thực hiện chính sách dân tộc còn ít, các nguồn lực hạn chế. Trong khi đó tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng miền núi, nhất là những địa bàn có đồng bào DTTS sinh sống còn gặp nhiều khó khăn.

Do nhiều nguyên nhân, các tộc người Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng, Ma Coong đang đối mặt với nhiều nguy cơ: Gần 100% dân số của các tộc người này mù chữ; tình trạng du canh du cư (DCDC) của một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS diễn ra nhiều nơi; hệ thống đường giao thông khu vực miền núi, được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh,  bị xuống cấp, hư hỏng nặng, việc triển khai các chính sách, dự án rất khó khăn...

Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh và đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,  thăm đồng bào A rem xã Tân Trạch)
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, thăm đồng bào A rem xã Tân Trạch.

Tuy nhiên,  Ban DTMN đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiêm vụ được giao. Điều quan trọng nhất trong việc thực hiện các dự án ĐCĐC nói riêng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội cho vùng  đồng bào DTTS nói chung là việc tìm ra hạng mục đột phá của từng dự án. Mỗi dự án cần giải quyết một vấn đề riêng. Dự án ĐCĐC xã Hóa Sơn ưu tiên cho việc mở đường giao thông qua eo Lập Cập vào xã, xóa thế độc đạo đã tồn tại dai dẳng hàng trăm năm cho người dân. Về sau, đoạn đường này  tiếp tục được các dự án của tỉnh  đầu tư mở rộng, kiên cố hóa. Việc khai thông con đường đã góp phần giải phóng tiềm năng về sản xuất nông lâm nghiệp cho thung lũng trù phú Hóa Sơn bấy lâu bị kìm hãm.

Về sản xuất, việc xây dựng các công trình thủy lợi, xây dựng  đồng ruộng  đã  được chú trọng trong quá trình khảo sát xây dựng các dự án, đây là biện pháp giải quyết cơ bản vấn đề “định canh” để “định cư” lâu dài cho  đồng bào DTTS ở những nơi có điều kiện.  Dự án ĐCĐC xã Trường Sơn ưu tiên xây dựng đập thủy lợi Trung Sơn, khai hoang ruộng làm lúa nước cho bà con Vân Kiều các bản Trung Sơn, Dốc Mây, La A, Đìu Đo phía Tây xã Trường Sơn. Công trình thủy lợi tại bản Cà Xen xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) tạo ra vùng sản xuất lúa nước 2 vụ cho bà con Mã Liềng ở các vùng Quạt, Bịn, Mã Đao gần biên giới Việt-Lào giáp vùng núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh về định cư. 

Thực tế cho thấy, ở những nơi có ruộng nước, trong một thời gian ngắn trở thành các điểm sáng về phát triển kinh tế-xã hội như tại các bản Cây Bông, Cồn Cùng (xã Kim Thủy), bản Khe Giữa (xã Ngân Thủy), bản Khe Dây (xã Trường Xuân) của đồng bào Vân Kiều, bản Cà Xen (xã Thanh Hóa)  của đồng bào Mã Liềng , bản Chăm Pu (xã Thượng Trạch) của đồng bào Ma Coong, Rục Làn (xã Thượng Hóa) của đồng bào Rục...

Biện pháp triển khai có vai trò rất quyết định  cho sự thành công của các dự án ĐCĐC và hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Việc tuyên truyền vận động đồng bào định cư, hướng dẫn  sản xuất  ngay từ đầu đã được chú trọng. Bộ phận sống DCDC chủ yếu dựa vào khai thác các sản phẩm từ rừng theo kiểu kinh tế chiếm đoạt và tự cung tự cấp. Lương thực thu được từ nương rẫy du canh bằng cách “phát, đốt, cốt, trỉa” phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Chăn nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên, năng suất rất thấp. Việc tự giải quyết nhu cầu  ăn, ở  hết sức khó khăn, ảnh hưởng lớn đến các khu vực rừng đầu nguồn của các con sông lớn của tỉnh (sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Dinh), dẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống của chính các hộ DCDC và cộng đồng. Việc lệ thuộc vào rừng làm họ ngày càng lạc hậu và biệt lập với các khu vực khác. Có nơi xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết. Trước khi được vận động  ĐCĐC, các hộ DCDC đã quá quen thuộc với cuộc sống tự nhiên, rất khó thích nghi với cuộc sống ổn định,  trồng trọt, chăn nuôi cố định theo hướng thâm canh.

Do đó, trong những năm đầu, mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ làm nhà ở, khai hoang, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, cử cán bộ “ba cùng” hướng dẫn sản xuất, ổn định cuộc sống thôn bản nhưng nhiều hộ vẫn bỏ  vào rừng. Đến trước năm 1997, hai điểm ĐCĐC của người Mã Liềng  tại Cà Xen (xã Thanh Hóa), Chuối (xã Lâm Hóa) có nguy cơ thất bại. Bản làng đìu hiu với mấy nhà sàn xơ xác, đất bỏ hoang mà người thì đói, bà con ở Cà Xen phải kiếm củ nâu về ăn. Đến năm 2001, một số hộ người Rục ở bản Ón (xã Thượng Hóa) vẫn quay lại các hang đá vùng Rục Làn.

Việc vận động bà con tiếp tục được tiến hành, cán bộ lặn lội vào rừng sâu để thuyết phục đồng bào về lại bản ĐCĐC. Vấn đề mấu chốt và lâu dài cho việc ĐCĐC là từng bước hướng dẫn cho đồng bào làm quen với kỹ thuật canh tác mới. Đầu năm 1997, Ủy ban Dân tộc và Miền núi đã hỗ trợ Ban DTMN tỉnh 200 triệu đồng thực hiện dự án hỗ trợ đồng bào Mã Liềng tại 2 xã Thanh Hóa và Lâm Hóa. Dự án đã tiến hành đầu tư công trình thủy lợi, khai hoang đất lúa nước và đất màu cho bà con.

Ban DTMN tỉnh đã cho đồng bào đến tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại các vùng ĐCĐC của đồng bào Vân Kiều  tại bản Cây Bông, Cồn Cùng (xã Kim Thủy), Khe Dây (xã Trường Xuân). Bà con Mã Liềng thu được nhiều điều bổ ích khi được chứng kiến tận mắt ruộng đồng, vườn nhà, vườn rừng và  nghe những kinh nghiệm, bài học trong quá trình định cư làm quen với cách sản xuất mới của bà con Vân Kiều. Anh Cao Viên, một trong những người năng động nhất của bản Cà Xen đã tự tin tuyên bố trong chuyến tham quan học tập tại bản Khe Dây, xã Trường Xuân “sau 2 năm nữa mời bà con Vân Kiều lên Cà Xen tham quan”.

Hiện nay, bản Cà Xen đã tự túc được lương thực, sản xuất ngày một phát triển, riêng hộ gia đình anh Cao Viên mỗi năm thu được 2-3 tấn thóc, có đàn trâu bò hàng chục con, tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ, hiện đại, con cái được học hành tử tế. Đối với một tộc người từ chỗ đối mặt với nguy cơ suy giảm dân số như Mã Liềng, nhiều người DCDC, chỉ trong vòng hơn 10 năm đã định cư ổn định, sản xuất được lúa nước, có bản làng trù phú  là thành công lớn.

Những kết quả trong thực hiện ĐCĐC, hỗ trợ đồng bào dân tộc  thiểu số đặc biệt khó khăn tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án cho các giai đoạn tiếp theo. Nếu các chính sách, dự án ban đầu không được thực hiện tốt thì các chương trình, chính sách và dự án phát triển kinh tế-xã hội các giai đoạn tiếp theo như Chương trình 135 (giai đoạn I và II),  Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, Nghị quyết 30a của Chính phủ đầu tư cho huyện nghèo Minh Hóa và các chính sách  khác khó đạt được mục tiêu.

Thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua cho thấy: đó là quá trình tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở, đáp ứng các nhu cầu  của từng thời kỳ nhất định cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chính sách dân tộc liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống của đồng bào, có tính đặc thù cao. Thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phải có sự phối kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có vai trò không nhỏ của đội ngũ trực tiếp triển khai.

Tham gia triển khai thực hiện chính sách dân tộc đòi hỏi cán bộ  phải tinh thông nghiệp vụ, năng động, nhiệt tình, am hiểu địa bàn, phong tục, tập quán và văn hóa của các dân tộc. Những thành quả trong thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đã phần nào phản ánh năng lực và phẩm chất của đội ngũ  làm công tác dân tộc của tỉnh.

                                                               Nguyễn Lương Cương
                                                                  (Ban Dân tộc tỉnh)




 

,
.
.
.