Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Cập nhật lúc 07:33, Thứ Tư, 06/03/2013 (GMT+7)

LTS: Ngày 23-11-2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bắt đầu từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013. Sau đây Báo Quảng Bình xin giới thiệu những ý kiến tâm huyết góp ý vào Dự thảo:

"So với bản gốc, Dự thảo có khá nhiều đổi mới"

* Trần Văn Bường, Chủ tịch Hội CCB tỉnh

Qua nghiên cứu toàn bộ bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tôi nhận thấy ưu điểm cơ bản của Dự thảo là tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992. So với bản gốc, Dự thảo có khá nhiều đổi mới. Bố cục các chương, điều tương đối phù hợp, có tính logic. Nhiều chương, điều được sửa đổi, bổ sung hoặc làm mới có tính hiệu quả cao, phù hợp với thực tế và tạo nên chỉnh thể thống nhất, chặt chẽ. Nhìn chung, với Dự thảo sửa đổi lần này, Hiến pháp hứa hẹn thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, nội dung của Dự thảo Hiến pháp vẫn còn một số hạn chế. Tôi xin kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điểm cụ thể như sau:

Ở Điều 4, với việc bổ sung thêm nội dung mới là cần thiết. Điều đó, thể hiện rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đất nước ta. Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 cũng như Điều 4 mới được bổ sung, tôi đề nghị cần làm rõ cơ chế nào để nhân dân giám sát các hoạt động của Đảng; cơ chế nào để Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình? Đây là vấn đề rất quan trọng, có làm rõ được vấn đề này thì mới khắc phục được những thiếu sót vừa qua. Vậy cần thiết bổ sung vào khoản 2 Điều 4 như sau: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân; việc giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, do luật định”.

Tại khoản 3 Điều 13 Dự thảo quy định: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.”. Theo tôi, viết như vậy là chưa thực sự chặt chẽ bởi lẽ, rất có thể một ngày nào đó, một người nào đó có thể sáng tác một bài hát khác cũng mang tên “Tiến quân ca” (đây là điều pháp luật không cấm). Vì vậy để tránh những nhầm lẫn không chủ ý hoặc có chủ ý, tôi nghĩ nên sửa lại dự thảo nội dung này như sau: “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca” do nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1944”. Như vậy sẽ bảo đảm được chặt chẽ hơn.

                                                                     Đào Vân (thực hiện)


"Cần phải khôi phục lại Điều 71 Hiến pháp năm 1992"

* Trần Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn

Qua nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992, tôi nhất trí cao với các nội dung được đưa vào Dự thảo sửa đổi. Dự thảo đã quy định đầy đủ, toàn diện, chi tiết về chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ con người; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc và quy định về các cơ quan quyền lực như Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân; chính quyền địa phương, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Hiệu lực của Hiến pháp về sửa đổi Hiến pháp. Cá nhân tôi có 2 ý kiến góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Điều 70: Đề nghị bổ sung cụm từ "biển đảo, biên giới, vùng trời" và cụm từ "bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền văn hóa, bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống" vào trước và sau cụm từ "thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội".

 Viết lại thành: "Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ nền văn hóa; bảo vệ công cuộc đổi mới; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế".

Tại Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71): Trong dự thảo bỏ mất một ý theo tôi là quan trọng của điều 71 Hiến pháp 1992: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp tội phạm bắt quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”. Cần phải khôi phục lại điều này, nếu không quyền con người sẽ bị vi phạm và vi phạm nặng nề. Vì lúc đó bất kỳ ai cũng có thể bị bắt mà không cần lý do, không cần các thủ tục pháp lý. Lúc đó sẽ không thể nào có một nhà nước pháp quyền và công dân sẽ hoàn toàn không được bảo vệ.                        

                                                                            Lan Chi (thực hiện)

"Cần nghiêm cấm những hình thức hoạt động mê tín trái với văn hóa văn minh và tiến bộ xã hội"

* Nguyễn Minh Phụng, Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Tân Mỹ, xã Quảng Phúc, Quảng Trạch 

Trước hết, tôi đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc sửa đổi lần này để bảo đảm đổi mới một cách đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, theo tôi, cần sửa đổi, bổ sung một số điểm như sau:

Điều 25, Chương II quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” theo tôi nên sửa thành: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Giải nghĩa vấn đề này, cụm từ “có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” đã bao hàm quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo. Đây vừa là quyền con người vừa là quyền công dân. Trong xã hội văn minh, nếu ai đó có hành động ép buộc người khác theo tín ngưỡng, tôn giáo của mình là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người và vi phạm quyền công dân.

Bên cạnh đó, theo tôi, Điều 25, Chương II cũng nên bổ sung thêm quy định: “Nhà nước nghiêm cấm những hình thức hoạt động mê tín trái với văn hóa, văn minh và tiến bộ xã hội”. Bởi hiện nay có một số người lợi dụng lòng tin của người khác hành nghề đồng bóng, xăm quẻ, bói toán, lợi dụng các lễ hội ở các địa phương để hoạt động khiến mọi người hiểu nhầm là hoạt động tín ngưỡng, gây mất trật tự xã hội. Vì thế cần tuyệt đối nghiêm cấm những hoạt động này; đồng thời cần quy định, ban hành những hình thức xử phạt thích đáng đối với các trường hợp cố tình vi phạm nhằm bài trừ, loại bỏ triệt để tệ nạn mê tín dị đoan, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng.         

                                                                             Đ. V (thực hiện)

Xây dựng Hiến pháp hoàn thiện để tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Ðảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Là một công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, qua nghiên cứu bản Dự thảo Hiến pháp năm 1992, tôi xin góp ý một số vấn đề như sau: Trong một số Điều của Hiến pháp năm 1992 (điều 25, sửa đổi, bổ sung điều 70; điều 31, sửa đổi, bổ sung điều 74; điều 33, sửa đổi, bổ sung điều 58...), nên thay thế từ “mọi người” bằng từ “công dân” nhằm thể hiện rõ vai trò của người dân trong quan hệ với Nhà nước về mặt quyền lợi và nghĩa vụ.

Ở Điều 69 (sửa đổi, bổ sung điều 44) - chương IV Bảo vệ Tổ quốc-tại câu đầu tiên “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân”, cần thêm từ “toàn vẹn” vào sau từ “bảo vệ”. Tại điều 83 (mới)-chương V Quốc hội-nên bỏ từ “khi” để thêm vào cụm từ “Khi được đại biểu Quốc hội đề nghị và xét thấy...”. Về khoản 5 Điều 93 (sửa đổi, bổ sung điều 103)-chương VI Chủ tịch nước-nên thêm cụm từ “ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ” vào sau đoạn “Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh;...”.

Trên đây là một vài ý kiến nhỏ góp ý vào Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013), góp phần xây dựng một bộ luật cơ bản, có tính hiệu lực pháp lý cao nhất tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước. 

                                                                            Minh Văn




 

,
.
.
.