Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh (8-3-1993 - 8-3-2013):

Phát huy truyền thống, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Cập nhật lúc 09:25, Thứ Tư, 06/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Vùng dân tộc-miền núi tỉnh ta chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, với 64 xã, thị trấn miền núi, vùng cao. Hiện nay dân số miền núi có hơn 275 ngàn người, trong đó dân tộc thiểu số có trên 22 ngàn người với 2 dân tộc chủ yếu là dân tộc Bru-Vân kiều và dân tộc Chứt, ngoài ra còn có các dân tộc khác nhưng số dân không nhiều như: Mường, Tày, Thổ, Thái, Pa cô, Cao Lan, Giẻ Triêng, E đê, Khme...

Vùng dân tộc miền núi tỉnh ta có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng đây cũng là vùng có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; dân cư đồng bào các dân tộc phân bố rải rác, phân tán, chủ yếu là vùng sâu, biên giới; cơ sở hạ tầng còn yếu; kinh tế chậm phát triển; trình độ dân trí và đời sống của nhân dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm khá cao, đặc biệt là các xã biên giới, nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi như: Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị, Quyết định 72/HĐBT, ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, ngay từ ngày đầu tái lập, tỉnh ta đã sớm quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc - miền núi và công tác dân tộc. Vì vậy, ngày 26-5-1990 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 454/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế xã hội - miền núi.

Ba năm sau, ngày 8/3/1993, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 168/QĐ-UB thành lập Ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ban Dân tộc), là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh. Ở cấp huyện, các huyện có miền núi, có dân tộc thiểu số, thành lập Ban quản lý Dự án định canh định cư, giúp UBND huyện quản lý công tác dân tộc - miền núi. Sự ra đời của Ban Dân tộc và Miền núi đã đánh dấu một bước mới trên chặng đường phấn đấu và trưởng thành của tổ chức làm công tác dân tộc ở tỉnh ta.

Tháng 10-2001, Ban Dân tộc và Miền núi được bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trên cơ sở sáp nhập bộ phận phụ trách công tác Tôn giáo từ Văn phòng UBND tỉnh và đổi tên thành Ban Dân tộc – Miền núi và Tôn giáo.

Tháng 10-2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2004/NĐ-CP về kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, ngày 24-10-2004, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 75/2004/QĐ-UBND về kiện toàn Ban Dân tộc - Miền núi và Tôn giáo thành Ban Dân tộc cho đến hôm nay. Ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa thành lập Phòng Dân tộc, riêng hai huyện Bố Trạch và Tuyên Hóa thành lập phòng Dân tộc -Tôn giáo.

Sau khi Nghị định 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có quy định thành lập cơ quan công tác dân tộc (cấp phòng) tại cấp huyện, Phòng Dân tộc (Dân tộc - Tôn giáo) của các huyện được sáp nhập vào Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện. Cơ quan làm công tác dân tộc ở địa phương chỉ tổ chức ở cấp tỉnh.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  thăm đồng bào Vân Kiều, xã Trường Xuân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đồng bào Vân Kiều, xã Trường Xuân.

Từ tình hình thực tế, việc không tổ chức cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở cấp huyện đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương. Vì vậy, ngày 26-2-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định tiêu chí, chức năng và thẩm quyền thành lập phòng dân tộc cấp huyện. Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 21 (ngày 9-7-2010) đã ra Nghị quyết số 144/2010/NQ-HĐND về thành lập Phòng Dân tộc các huyện, ngày 30-7-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1810/QĐ-UBND về việc thành lập Phòng Dân tộc trực thuộc UBND các huyện, theo đó, các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy được thành lập lại phòng Dân tộc.

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù mô hình tổ chức của ngành có sự biến động, thay đổi, chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhưng được sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, từ ngày thành lập đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc của Tỉnh luôn ổn định và phát triển. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng để Ban Dân tộc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Cùng với sự phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc của tỉnh ta không ngừng được tăng cường và ngày một trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Ngày đầu mới thành lập, chỉ có 6 cán bộ được điều chuyển từ các ngành, đơn vị khác đến, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân tộc - miền núi; địa bàn công tác rộng lại hết sức phức tạp, khó khăn..., đến nay đội ngũ cán bộ, công chức của Ban Dân tộc có 18 người, các Phòng Dân tộc cấp huyện được biên chế 3 cán bộ, các huyện không thành lập phòng dân tộc được bố trí cán bộ phụ trách công tác dân tộc, miền núi.

Nhìn chung, bộ máy làm công tác dân tộc từ tỉnh xuống huyện được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh có 32 người, trong đó 29 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, 3 cán bộ có trình độ trung cấp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ chuyên môn, quản lý nhà nước và lý luận chính trị cho cán bộ công chức trong cơ quan được hết sức quan tâm.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp đắc lực của các sở, ngành, địa phương, Ban Dân tộc đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

Tham mưu cho UBND tỉnh trình Trung ương công nhận 64 xã, thị trấn miền núi, vùng cao và đề xuất phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để Trung ương và tỉnh có cơ sở hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị Chính phủ công nhận 39 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135 giai đoạn I từ 1998-2005) và 35 xã 54 thôn bản ĐBKK (Chương trình 135 giai đoạn II từ 2006-2010), để tập trung mọi nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ở các xã vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ chức điều tra, khảo sát xây dựng dự án tổng quan về quy hoạch mạng lưới trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao của tỉnh, trong đó có 13/17 trung tâm cụm xã được phê duyệt (12 trung tâm cụm xã được ngân sách Trung ương bố trí vốn đầu tư xây dựng); 27 dự án định canh định cư cấp xã, bản, trong đó có 13 dự án thực hiện trên phạm vi xã, 14 dự án thực hiện trên phạm vi bản; Đề án một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Chủ động đề xuất với Uỷ ban Dân tộc loại hình dự án bảo tồn các dân tộc đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh như: Dự án hỗ trợ tộc người Rục, A rem, Mày, Mã Liềng và Ma Coong; Dự án Phát triển kinh tế - xã hội vùng tộc người Rục (xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá) được Trung ương đầu tư 29 tỷ đồng; Đề án Hỗ trợ phát triển dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, hiện Ủy ban Dân tộc đang trình Chính phủ phê duyệt...

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 8/5/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam; Quyết định 757/QĐ-TTg ngày 08/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ban Dân tộc đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đại hội ở 2 cấp (cấp huyện và cấp tỉnh) thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh ta, tạo được không khí phấn khởi tự hào và tin tưởng sâu sắc của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Chủ động phối hợp với các ngành chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách: Chương trình 135 giai đoạn I và giai đoạn II; chính sách theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg; chính sách trợ giá trợ cước (nay chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg); Chính sách cử tuyển; Chính sách khám chữa bệnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số... đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế của vùng dân tộc - miền núi đã có sự chuyển dịch đúng hướng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường, bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Đến nay 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến đến được trung tâm xã; 96,8% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trạm y tế, trường tiểu học và hệ thống thông tin liên lạc; 98,4% xã có trường trung học cơ sở; 90% số xã được phủ sóng truyền hình.

Công tác phát triển giáo dục và đào tạo vùng miền núi đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay 100% số xã vùng đồng bào dân tộc hoàn thành phổ cập tiểu học; 76,5% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoàn thành phổ cập THCS; số học sinh người dân tộc đỗ vào đại học, cao đẳng mỗi năm ngày một tăng. Công tác chăm sóc sức khoẻ, thực hiện các chương trình quốc gia về y tế, phòng chống các dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới y tế cơ sở được mở rộng và hoạt động hiệu quả. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng nông thôn miền núi có nhiều tiến bộ, các lễ hội truyền thống của đồng bào (Lễ hội đập trống của người Ma coong, Lễ hội Rằm tháng 3 ở Minh Hóa, Lễ hội lấp lỗ của đồng bào Vân kiều...) được phục hồi, bảo tồn và phát huy. Đời sống văn hoá, mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, nhiều bản được công nhận văn hoá cấp huyện, hàng ngàn hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm, nhiều cán bộ, công chức đảm nhiệm các chức danh chủ chốt trong công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc được củng cố, đồng bào dân tộc tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, góp phần ổn định an ninh trên tuyến biên giới.

Suốt 20 năm xây dựng và phát triển, những đóng góp của đội ngũ làm công tác dân tộc vào sự phát triển của vùng miền núi, dân tộc thiểu số của tỉnh đã được Chính phủ, các bộ ngành Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Tập thể cán bộ công chức ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ban Dân tộc) vinh dự được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng nhì (năm 1996), 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011); 3 cờ thi đua của Ủy ban Dân tộc; nhiều bằng khen của Ủy ban dân tộc và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng cho các tập thể và cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vùng miền núi, đồng bào dân tộc tỉnh ta vẫn còn những khó khăn, thách thức: Đây vẫn là vùng kinh tế – xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung của tỉnh, kết quả giảm nghèo còn chậm và chưa vững chắc. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất còn lạc hậu, mặt bằng dân trí còn thấp, còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, ý thức vươn lên thoát nghèo còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; một số tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại; hệ thống y tế còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng đồng bào dân tộc còn yếu...

Những khó khăn thách thức ấy đang đặt ra cho đội ngũ những người làm công tác dân tộc cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, phối hợp cùng các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đưa vùng miền núi dân tộc thiểu số ngày một đi lên. Phát huy truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong vùng dân tộc, miền núi.

                                                                        Trần Ngọc Hùng
                                                                 Trưởng Ban Dân tộc tỉnh




 

,
.
.
.