Quảng Ninh với phong trào "dân vận khéo"

Cập nhật lúc 09:57, Thứ Năm, 03/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện uỷ Quảng Ninh về đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận, những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc xây dựng nhiều mô hình "Dân vận khéo" và được cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn huyện triển khai thực hiện có hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, củng cố quốc phòng-an ninh, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, UVTV, Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ Quảng Ninh cho biết: "Ban Dân vận Huyện ủy đã cụ thể hóa các nội dung xây dựng mô hình  "Dân vận khéo" và chỉ đạo các xã, thị trấn chọn từ 1 đến 2 khu dân cư làm điểm chỉ đạo, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng, tạo điều kiện thuận lợi giúp các địa phương thực hiện.

Trên cơ sở đó, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc xây dựng nghị quyết chuyên đề về xây dựng các mô hình "Dân vận khéo", phân công từng thành viên trong ban chấp hành trực tiếp phụ trách các địa bàn dân cư. Ở các thôn, bản, tiểu khu, mỗi đảng viên đều được giao nhiệm vụ phụ trách các hộ gia đình, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy ước, hương ước của địa phương.

Đến nay, 15/15 xã, thị trấn đều triển khai thực hiện các mô hình "Dân vận khéo" với các nội dung chủ yếu như xây dựng khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông, khu dân cư không sinh con thứ 3, khu dân cư vệ sinh môi trường sạch sẽ, khu dân cư đa dạng hoá các sản phẩm trong nông nghiệp..."

Theo đó, năm 2006, Ban Dân vận Huyện ủy đã chọn xã Hàm Ninh làm điểm xây dựng mô hình "Dân vận khéo" trên 2 lĩnh vực là vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa một vụ năng suất thấp sang trồng dưa hấu và bê tông hóa nông thôn. Đảng ủy xã Hàm Ninh đã chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các ban ngành cấp xã tích cực vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của và đã xây dựng được trên 40 km được giao thông nông thôn. Đối với phong trào chuyển đổi cây trồng, Hàm Ninh đã vận động nhân dân chuyển đổi được 40 ha đất trồng lúa sang trồng dưa hấu, năng suất đạt trên 20 tạ/ha, thu nhập khoảng 250 triệu đồng.

Năm 2007, toàn huyện có 19 khu dân cư xây dựng mô hình "Dân vận khéo". Năm 2008,  có 24 mô hình và năm 2009, xây dựng được 27 mô hình "Dân vận khéo". Nhờ có mô hình "Dân vận khéo" nên quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, dân chủ được phát huy, nhân dân đồng thuận đối với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và hạn chế được tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ đời sống. Tiêu biểu như phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn ở thôn Trường Niên  xã Hàm Ninh, thôn Lộc Long xã Xuân Ninh, xã Võ Ninh; phong trào xây dựng nhà văn hoá ở thôn Phúc Mỹ xã Xuân Ninh; thôn Đại Hữu, Kim Nại, xã  An Ninh; thôn Vĩnh Tuy 4, xã Vĩnh Ninh...

Việc xây dựng khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, khu dân cư phòng chống các tệ nạn xã hội, vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường.... trong các nội dung "Dân vận khéo" cũng đã thực sự phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh, thôn Hữu Tân, Hoà Bình, xã Tân Ninh, thôn Giữa, xã Vạn Ninh... giao cho các đoàn thể chịu trách nhiệm vệ sinh, thu gom rác thải tại các đoạn đường tự quản; thôn Văn La, Lương Yến, xã Lương Ninh, thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, các tiểu khu 1, 5, 6, 7 thị trấn Quán Hàu vận động thanh thiếu niên  tham gia giữ gìn trật tự an ninh nông thôn.

Từ năm 2006 đến nay, Thường trực UBMT Tổ quốc huyện Quảng Ninh cũng đã xây dựng được 11 mô hình "Dân vận khéo"; Hội CCB huyện xây dựng 12 mô hình;  Hội Nông dân xây dựng 12 mô hình;  Hội LHPN xây dựng  20 mô hình;  LĐLĐ huyện 9 mô hình và  huyện Đoàn xây dựng 12 mô hình dân vận khéo. Nhìn chung, các mô hình "Dân vận khéo" đều được nhân dân tích cực hưởng ứng và đưa lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trông lúa kém hiệu quả sang trồng rau ở Võ Ninh, mô hình xây dựng trang trại ở xã miền núi Trường Xuân của Hội CCB xã, mô hình xây dựng trang trại tổng hợp lúa-cá-vịt của Hội Nông dân xã Gia Ninh... đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.

Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" kết hợp với xây dựng làng văn hoá, khu dân cư tiên tiến và gia đình văn hoá, gia đình thể thao, nhiều thôn, bản, tiểu khu đã gắn nhiệm vụ xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" với việc thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng  mô hình "Khu dân cư phòng chống tội phạm", "Khu dân cư không có ma tuý" ở 23 thôn, bản, tiểu khu; 2 mô hình "Xã lành mạnh không có mại dâm, HIV/AIDS" tại xã Lương Ninh và Vạn Ninh.

Trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh, các địa phương, đơn vị đã gắn phong trào thi đua "Dân vận khéo" với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; tiêu biểu như Ban chỉ huy Quân sự các xã An Ninh, Vạn Ninh, Hàm Ninh, thị trấn Quán Hàu... Lực lượng tự vệ cơ quan Huyện uỷ, UBND huyện, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện... đã gắn  thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn với phong trào thi đua  bảo vệ an ninh trật tự, tài sản cơ quan.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quảng Ninh vẫn còn gặp một số tồn tại hạn chế như năng lực triển khai xây dựng các mô hình ở một số cơ sở còn thụ động, rập khuôn, chưa cụ thể hoá các tiêu chí thi đua sát với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương mình. Vai trò tham mưu của khối dân vận cơ sở cho cấp uỷ ở một số nơi thiếu kịp thời, còn lúng túng. Một số khu dân cư triển khai xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" nhưng không nắm chắc nội dung, yêu cầu  và các bước triển khai theo hướng dẫn, nên quá trình tổ chức thực hiện còn chung chung, thiếu sáng tạo...

Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của công tác dân vận ở cơ sở và xây dựng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Đẩy mạnh công tác vận động thuyết phục để tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận. Chú trọng công tác dân vận của chính quyền trong việc thể chế hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, bức xúc đang nổi lên của nhân dân để tham mưu cho cấp uỷ chỉ đạo, phối hợp với chính quyền tập trung giải quyết có hiệu quả.

                                                                                                 Hà Ngọc Khang

,
.
.
.